05/09/2014 07:23 GMT+7

Di sản lăng đá tuyệt đẹp trước nguy cơ sụp đổ

PHAN CẨM THƯỢNG
PHAN CẨM THƯỢNG

TT - LTS: Một bức thư ngỏ vừa được chuyển đến báo Tuổi Trẻ. Thư của họa sĩ - nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật Phan Cẩm Thượng kêu cứu cho một di tích quốc gia.

Cổng đá của lăng Phạm Mẫn Trực (Lại Yên, Hoài Đức, Hà Nội) bị sụt lún, đôi chó đá nằm một nửa trong bùn
Cổng đá của lăng Phạm Mẫn Trực (Lại Yên, Hoài Đức, Hà Nội) bị sụt lún, đôi chó đá nằm một nửa trong bùn

Một di sản lăng đá tuyệt đẹp “có thể sụp đổ trong vòng hai năm nữa”. Cứu khi còn kịp cứu, Tuổi Trẻ xin được “chuyển lời” đến các cấp có thẩm quyền.

Vừa qua, đi nghiên cứu các di tích kiến trúc tại xã Lại Yên, huyện Hoài Đức, Hà Nội, chúng tôi thấy lăng đá quận công Phạm Mẫn Trực (tên nôm lăng Xóm Chợ) - một di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng quốc gia - sắp bị sụp đổ, nên viết bài này tha thiết mong các vị lãnh đạo nhanh chóng có biện pháp giải quyết.

Ở Lại Yên có ba lăng đá thời Hậu Lê là lăng quận công Phạm Mẫn Trực, lăng quận công Phạm Đôn Nghị và lăng quan Đề đốc. Trong đó lăng đá quận công Phạm Mẫn Trực do ở địa thế thấp, bị lụt lội liên tục, lại ít được chăm nom sửa chữa nên hư hỏng nặng.

Quận công Phạm Mẫn Trực là quan võ thời Hậu Lê (thế kỷ 17-18), từng làm trong đội tượng binh và tổng thái giám của triều đình vua Lê, chúa Trịnh, sau khi chết được chôn cất ở quê nhà là làng Lại Yên, Hoài Đức.

Nguyên chức tước của ông như sau: Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu tri công tượng hậu tượng cơ, phó cai quản, phó tri tri thị nội thư tả binh phiên thị nội giám ty lễ giám, tổng thái giám trung hầu trụ quốc.

Lăng mộ của ông được xây vào năm 1713 với một khu vực lớn, gồm nhà tiền tế (hiện không còn), khu bi đình (nhà đặt bia), và khu mộ, có tường bao, cổng vào.

Hiện cổng và đôi chó đá gác cổng đã chìm một nửa xuống bùn, còn tường đá ong vốn cao 150cm nay chỉ còn nhô lên mặt đất chừng 40cm, có thể bước chân lên mà đi.

Riêng khu vực bi đình gồm một cổng đá ngăn khu mộ và hai bi đình đá thuộc về nghệ thuật chạm khắc đá tinh tế đầu thế kỷ 18 sắp sập đổ do bị sụt lún lâu năm.

Gia đình ở đây chỉ còn cách dùng khung sắt nẹp và xà gỗ vào chống đỡ.

Do khối đá nặng đang nở ra và rơi vỡ nhiều phiến, việc bảo quản như vậy thực chất làm căng khối đá khiến bi đình có thể vỡ tung nhanh hơn.

Trong hai bi đình có hai tấm bia nói về gia thế và sự nghiệp của quận công Phạm Mẫn Trực cùng nhiều chạm khắc đá, phù điêu tuyệt đẹp.

Đôi voi đá trước bi đình cũng chìm xuống một phần ba.

Khu vực mộ phần cũng sụt lún nặng nề và rất hoang sơ.

Bi đình của lăng quận công Phạm Mẫn Trực đã vỡ, đang được gia cố bằng khung sắt
Bi đình của lăng quận công Phạm Mẫn Trực đã vỡ, đang được gia cố bằng khung sắt

Theo dự đoán của chúng tôi, lăng đá này có thể sụp đổ trong vòng hai năm nữa.

Khu vực xã Lại Yên nằm sát vùng mở rộng đô thị ở Hà Nội, có nhiều khu chung cư và doanh nghiệp đang xây dựng và tất cả đều tôn cao hơn Lại Yên, khiến cho đất đai Lại Yên rất trũng úng, nước không thoát ra ngoài đồng ruộng được nữa. 

Gần đó, lăng đá Phạm Đôn Nghị cũng là một di tích quốc gia, xây dựng năm 1734, tuy còn vững và được trông nom cẩn thận nhưng nước luôn xăm xắp nền lăng và không có lối thoát ra ngoài.

Đây cũng là một hiện tượng nan giải của những làng ngoại thành gần nội ô trong quá trình xây dựng lớn xung quanh.

Phù điêu đá võ sĩ gác lăng rất đẹp thuộc phong cách điêu khắc lăng mộ đầu thế kỷ 18 - Ảnh: Phan Cẩm Thượng
Phù điêu đá võ sĩ gác lăng rất đẹp thuộc phong cách điêu khắc lăng mộ đầu thế kỷ 18 - Ảnh: Phan Cẩm Thượng

Chúng tôi gửi lời kêu gọi về một thực trạng di sản văn hóa dân tộc đang bị hủy hoại lên quý vị là những nhà lãnh đạo văn hóa, xã hội cần biết và quan tâm, cũng như có ngay biện pháp giải quyết.

Là một người có chuyên môn, tôi xin đề ra giải pháp như sau: 

1. Cử ngay người xuống nghiên cứu trực tiếp, không đợi gia đình và địa phương làm đơn nữa, vì thực chất họ cũng đã làm nhiều lần rồi mà không ai đoái hoài gì.

2. Dỡ các khung sắt bó sát bi đình, thay bằng giàn giáo sắt không áp sát mà có các dầm ngang xuyên qua khoảng trống, đỡ, hỗ trợ lực cho mái bi đình.

3. Tiến tới dỡ hoàn toàn bi đình, sau khi làm móng mới thì xếp lại; đào móng, tôn cao nền; xây lại móng theo phương pháp cổ truyền và kết hợp hiện tại (cho ít nhất khu vực bi đình lăng Phạm Mẫn Trực). Làm lại những tảng đá trong bi đình bị mất.

4. Nâng cao tường như cũ, tu sửa lại khu mộ, nhưng không động đến mộ phần. Hiện trên mộ phần vẫn còn phiến đá lớn (dài 400cm, rộng 150cm, dày 60cm), chất lượng còn tốt.

Quy mô của di tích không lớn, công việc chủ yếu tháo dỡ, xếp lại và tu bổ móng, số tiền chắc cũng không quá nhiều, nhưng cần tiến hành cẩn thận từng bước.

Các lăng mộ đá cổ đang bị hư hại và dần biến mất theo nhiều cách, nếu lăng Phạm Mẫn Trực bị mất đi thì một dấu nối về lịch sử văn hóa giữa hai thế kỷ 17-18 cũng sẽ bị xóa bỏ.

PHAN CẨM THƯỢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên