30/10/2013 07:22 GMT+7

Di sản làm khó tổng thống Mỹ

DANH ĐỨC
DANH ĐỨC

TT - Làn sóng phẫn nộ phản đối tại châu Âu và ngay cả ở Mỹ đã rộ lên tuần rồi trùng hợp với dịp 12 năm (26-10-2001 - 26-10-2013) Tổng thống George W. Bush ký ban hành đạo luật có tên viết tắt là USA PATRIOT ACT, mà tên đầy đủ dịch là “Đoàn kết và tăng cường sức mạnh nước Mỹ bằng cách cung cấp các công cụ thích hợp để ngăn chặn và cản trở nạn khủng bố”, ban hành chỉ một tháng rưỡi sau vụ khủng bố tấn công tháp đôi WTC ở New York.

dPB0b1dG.jpgPhóng to
Tấm biển đề “Mỹ do thám và ăn cắp của chúng ta” của người biểu tình trước chiếc xe của đại sứ Mỹ tại Tây Ban Nha James Costos, khi ông này đến giải thích với chính quyền Madrid về chuyện theo dõi hơn 60 triệu cuộc gọi, hôm 28-10 - Ảnh: Reuters

Một trong số các “công cụ thích hợp để ngăn chặn và cản trở nạn khủng bố” đó là “ngăn chặn các thông tin hữu tuyến, lời nói miệng và điện tử liên quan đến khủng bố” được mô tả trong khoản 201 của chương II. Nôm na mà nói cho phép nghe lén điện thoại, ghi âm trực tiếp hay theo dõi trên mạng “các thông tin cho dù có liên quan đến một người Mỹ hay không, song nếu liên hệ đến khả năng tự vệ của nước Mỹ chống lại: (a) một cuộc tấn công đương thời hoặc tiềm năng hay những hành động thù địch nghiêm trọng khác của một thế lực ngoại quốc hay của một nhân viên một thế lực ngoại quốc; (b) một vụ phá hoại hay khủng bố quốc tế...; (c) các hoạt động tình báo mật của một cơ quan hoặc một mạng lưới ngoại quốc hay của một nhân viên một thế lực ngoại quốc”. Nghĩa là bất cứ đối tượng nào, hễ bị hồ nghi có khả năng gây hại cho nước Mỹ, hoặc hồ nghi là nhân viên của một thế lực ngoại quốc là... theo dõi tuốt.

Cũng trong đối tượng theo dõi là “các thông tin liên quan đến một thế lực ngoại quốc hay một lãnh thổ ngoại quốc nhưng có dính dáng đến: (a) quốc phòng hoặc an ninh nước Mỹ; (b) việc tiến hành chính sách đối ngoại của nước Mỹ”, nghĩa là bất cứ “công chuyện” nào của nước khác mà liên quan đến sự an nguy và bang giao của nước Mỹ cũng phải theo dõi. Thành ra, chuyện lãnh đạo 35 nước có liên quan đến quốc phòng, an ninh hoặc ngoại giao với Mỹ, hoặc các cơ quan “nghiệp vụ” của các nước bị nghe ngóng, theo thông tin tiết lộ của Snowden, cũng là chuyện thường tình được đạo luật USA PATRIOT cho phép từ 12 năm qua. Thậm chí từ tháng 3-2006 còn mở rộng nghe ngóng cả các thư viện, sổ sách kinh doanh và bệnh án y khoa!

Với một phạm vi nghe ngóng rộng rãi như thế và nhất là khi Mỹ đóng quân tại 700 căn cứ quân sự trên thế giới, thu hút vô số đối thủ hay thù địch, việc nghe ngóng toàn cầu là một nhu cầu đương nhiên, không chỉ để bảo vệ “nước Mỹ nội địa” mà cả nước Mỹ ở hải ngoại. Nói cho ngay, Mỹ nghe ngóng các đồng minh song cũng chia sẻ đôi chút cho các đồng minh và cả những-không-phải-là-đồng-minh, nên nay các nước này “giận thì giận, mà lụy thì vẫn lụy”!

Cho dù khi còn là nghị sĩ thượng viện, ông Obama từng phản đối đạo luật này. Thế nhưng, ông vẫn phải thừa kế đạo luật này cùng với cuộc chiến chống khủng bố khi lên nắm quyền. Đến tháng 5-2011, nhân lúc ông Obama công du Ireland và Anh, Quốc hội Mỹ biểu quyết gia hạn thêm bốn năm nữa đạo luật này, bổ sung điều khoản theo dõi các “con sói cô độc” hoạt động đơn tuyến, tức theo dõi các cá nhân bất kỳ, theo yêu cầu của giám đốc FBI Robert Mueller. Điều khoản này nhằm đối phó với các điện thoại thông minh cho phép dễ dàng truyền dữ liệu âm thanh, hình ảnh, nên bị xem là đụng chạm đến quyền riêng tư của các công dân.

Làn sóng phản đối lần này ngược lại trào lưu bảo vệ đất nước năm 2001 vì khi đó có đến 61% số người được hỏi đồng ý hi sinh tự do cá nhân vì sự nghiệp chống khủng bố, song đến năm 2009 chỉ còn 27% đồng ý.

Việc ông Obama nay bị chỉ trích tứ phía là một di sản nữa của ông Bush, và cũng do cơ quan thực thi đạo luật USA PATRIOT cho phép nghe lén này chính là NSA, mà Edward Snowden từng phục vụ và nay “bán độ” tung hê cho thiên hạ. Thành ra, ông Obama “xoay trở” kiểu gì trước những chỉ trích cũng không khỏi bị vướng bởi chính đạo luật này và bởi các cung khai của Snowden!

Rà soát lại chương trình do thám

Trước việc các đồng minh như Pháp, Đức và mới đây là Tây Ban Nha nổi giận khi phát hiện Mỹ nghe lén điện thoại ở nước mình, chính quyền Tổng thống Obama đang xem xét rà soát lại các chương trình tình báo này.

AFP dẫn lời ông Obama tuyên bố hôm 28-10 (giờ Mỹ) là sẽ đặt chương trình thu thập thông tin tình báo của Mỹ dưới tầm kiểm soát trước phản ứng của các đồng minh châu Âu. “Tôi chính thức khởi động một cuộc rà soát lại (các cơ quan tình báo) để đảm bảo họ không nhất thiết phải làm những việc họ có thể làm” - tổng thống Mỹ nói với ABC News.

Cũng trong ngày 28-10, Chủ tịch Ủy ban tình báo tại Thượng viện Mỹ Dianne Feinstein lên tiếng phản đối việc nghe lén đồng minh và cáo buộc Cơ quan An ninh quốc gia (NSA) đã không thông báo đầy đủ cho ủy ban của bà về việc này. “Về việc NSA theo dõi lãnh đạo các đồng minh của Mỹ gồm Pháp, Tây Ban Nha, Đức và Mexico, để tôi nói rõ luôn nhé: Tôi hoàn toàn phản đối” - AFP dẫn lời bà Feinstein gay gắt.

Trong khi đó, một phái đoàn các nhà lãnh đạo châu Âu cũng đã nhóm họp với Chủ tịch Ủy ban tình báo Hạ viện Mỹ Mike Rogers tại điện Capitol về căng thẳng vì bê bối nghe lén. AFP dẫn lời ông Rogers nói hai bên “đạt được một số tiến triển” sau cuộc hội đàm.

Claude Moraes, thành viên người Anh tại Nghị viện châu Âu, nói điều cần thiết là bắt đầu tiến trình “hàn gắn vết thương, gầy dựng lại lòng tin”, cũng như cam kết rằng Mỹ sẽ chấm dứt lạm dụng do thám ở châu Âu.

Phái đoàn châu Âu này sẽ tiếp tục gặp gỡ với các quan chức Mỹ khác, gồm lãnh đạo Bộ Ngoại giao và Văn phòng giám đốc tình báo quốc gia vào ngày 29 và 30-10 (giờ địa phương), theo AFP. Và các nghị sĩ Mỹ cũng sẽ sớm đến Brussels (Bỉ) để tiếp tục hội đàm với các quan chức châu Âu về vấn đề này, theo ông Rogers.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

DANH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên