Từ sau ngày đất nước thống nhất, quốc lộ 1 qua đèo Cả dù được tu bổ, mở rộng hơn, nhưng vẫn là cung đường ám ảnh đối với người, xe qua đây bởi những vụ tai nạn giao thông thảm khốc hoặc hàng loạt trận sạt lở tắc đường kéo dài nhiều ngày.
Xe qua hầm an toàn cho hành khách và tiết kiệm cho doanh nghiệp - Ảnh: PHÓ BÁ CƯỜNG
Trước kia: ám ảnh, lo lắng
"Tôi không nhớ chính xác thời điểm, nhưng vào những năm 1990, một chiếc xe khách từ phía nam ra, khi đổ đèo đã rơi xuống vực làm 20 người trên xe tử nạn. Hồi đó dân tụi tui phải đốt đuốc, cắt đường xuống dưới vực cùng với các lực lượng chức năng để đưa từng thi thể nạn nhân không còn nguyên vẹn lên trên đường đèo... Đó là vụ tai nạn ám ảnh tôi mãi cho đến giờ"
Theo cụ Lân, tai nạn giao thông trên đèo Cả xảy ra như cơm bữa bởi đèo dốc cao và dài, lại nhiều cua rất ngặt. Tài xế chủ quan là xe tuột dốc, hoặc mất thắng, mất lái, không lao vào núi cũng rơi xuống vực.
Là người Phú Yên, lại có nhiều năm làm việc ở Khánh Hòa, người viết bài này từng phải qua lại đèo Cả hàng tuần trên những chuyến xe khách. Có ngồi cùng các bác tài khi qua đèo Cả mới thấy hết sự căng thẳng và tập trung cao độ của họ.
Đôi tay ôm vô lăng hết xoay qua trái lại xoay qua phải, tần suất sử dụng cần số khi qua đèo cực cao vì xe phải luôn thay đổi tốc độ trước những cái cua, con dốc. Mắt quan sát liên tục phía trước và hai kiếng chiếu hậu. Đường quá hẹp, chỉ đủ 2 làn xe nên muốn vượt nhau vừa khổ vừa nguy hiểm...
Dọc đường đèo, hàng loạt am, miếu thờ những người vắn số do tai nạn trên đèo cũng là một sự ám ảnh khác. Những cua Đá Đen, Hoàng Long... trở thành nỗi lo sợ của không ít bác tài.
"Tôi lái xe khách đã 35 năm, thuộc cả 98 vòng cua, trong đó có 10 vòng cua ngặt của đèo Cả, mỗi ngày có khi qua lại con đèo 4 lần, nhưng lần nào cũng cảm giác lo lắng. Mình phải tập trung hết sức cao độ bởi chỉ sơ sẩy 1 giây thôi là tính mạng của mình cũng như bao hành khách khác đặt vào vòng nguy hiểm. Nói chung 50-60 phút qua đèo Cả là đòn cân não" của anh em tài xế" - anh Trần Văn Minh, tài xế xe khách tuyến Tuy Hòa - Nha Trang, bộc bạch.
Ngày nay: xe bon bon, hành khách an toàn
Nhưng những ám ảnh lo lắng về cung đường đèo nguy hiểm ấy hầu như không còn, kể từ khi hầm đường bộ qua đèo Cả được thông xe, đưa vào hoạt động từ đầu tháng 9-2017.
Qua đèo Cả bây giờ chỉ mất có 10 phút, ôtô chạy băng băng với tốc độ đến 80km/h với sự an toàn cực cao.
“Theo tôi, cái “lời” lớn nhất vẫn là sự an toàn của xe và người khi qua hầm đèo Cả. Theo tôi đây cũng là dự án BOT đúng nghĩa, bởi xe nào không thích tốn phí qua hầm thì lựa chọn đi trên đèo cũ, không ai buộc phải mua vé cả.
Tài xế Trần Văn Minh
Tài xế này cũng chia sẻ rằng dù phải tốn một khoản phí để qua đường hầm, nhưng nhà xe vẫn "lời", vẫn thấy "xứng đồng tiền bát gạo" bởi đây chính là số tiền tiết kiệm được từ chi phí xăng dầu, khấu hao phương tiện so với khi đi qua đường đèo cũ.
"Theo tôi, cái "lời" lớn nhất vẫn là sự an toàn của xe và người khi qua hầm đèo Cả. Theo tôi đây cũng là dự án BOT đúng nghĩa, bởi xe nào không thích tốn phí qua hầm thì lựa chọn đi trên đèo cũ, không ai buộc phải mua vé cả" - anh Minh nói.
Bây giờ ai cũng thấy rằng hầm đèo Cả đưa vào hoạt động đã đạt được những mục tiêu đề ra ban đầu là hiện đại hóa hạ tầng giao thông đường bộ, rút ngắn quãng đường qua đèo, giảm tối đa tai nạn và ùn tắc giao thông, góp phần quan trọng giúp Phú Yên và Khánh Hòa phát triển mạnh mẽ hơn nữa về kinh tế - xã hội.
Có một "thắng lợi" nữa của hầm đèo Cả, là công trình này đã trở thành một "điểm nhấn" đối với du khách khi đến Phú Yên, Khánh Hòa.
"Một công trình giao thông hiện đại, mỹ quan, được bầu chọn là công trình tiêu biểu của ngành xây dựng Việt Nam năm 2017 thì xứng đáng là một địa điểm mà chúng tôi giới thiệu với bạn bè từ xa đến. Thực sự thì nhiều bạn trẻ đến với Phú Yên rất muốn trải nghiệm đi qua đường hầm đèo Cả" - anh Phan Đắc Hoan, phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Phú Yên, cho biết.
Ông Hồ Minh Hoàng - chủ tịch HĐQT Công ty CP tập đoàn Đèo Cả
Trăn trở trả nợ cho quê hương
Ông Hồ Minh Hoàng - chủ tịch HĐQT Công ty CP tập đoàn Đèo Cả, chủ đầu tư dự án - bộc bạch rằng khi quyết định đầu tư hệ thống hầm đường bộ qua đèo Cả, đèo Cổ Mã bằng phương thức BOT, ông không khỏi lo lắng, nhất là những “bí ẩn” còn nằm sâu trong lòng núi. Đó là những điều chưa biết mà trong quá trình khảo sát, lập dự án con người chưa thể lường trước được.
Tuy nhiên, ông không chùn bước: “Là người Phú Yên, chứng kiến nhiều vụ tai nạn thương tâm trên cung đường đèo Cả, rồi những thiệt hại rất lớn mỗi khi tắc đường, hơn ai hết tôi có khát khao phải làm cho bằng được hầm đường bộ qua đèo Cả như một sự trả ơn cho quê hương. Tôi phải đi nhiều nơi trên thế giới, đến các công trình đường hầm đã và đang thi công ở nước bạn, để tìm hiểu và quyết định những vấn đề hóc búa của dự án. Chúng tôi đã hoàn thành dự án trước tiến độ, giảm bớt được kinh phí đầu tư và hơn hết chính là khẳng định khả năng người Việt Nam tự làm được hầm đường bộ hiện đại” - ông Hoàng nói.
Xe lật, đá lở, ách tắc thường xuyên trên đèo
Do đường đèo rất hẹp, dốc nên mỗi khi có tai nạn giao thông thì quốc lộ 1 qua đèo Cả bị tắc nghiêm trọng. Đại tá Nguyễn Phi Lương - trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Phú Yên - nói rằng việc giải phóng hiện trường tai nạn giao thông trên đèo Cả rất mất thời gian, trong khi đây là độc đạo nên có tai nạn, xe đổ ra đường là giao thông tê liệt.
Chúng tôi đã từng chứng kiến rất nhiều vụ kẹt xe kéo dài hàng chục cây số ở cả hai đầu đèo Cả vì 1 vụ tai nạn giao thông, có vụ phải mất cả 1 ngày đêm mới giải phóng được hiện trường.
Những ngày cận Tết, khi lưu lượng xe qua lại tăng cao, khách về quê nhiều, thì việc ách tắc do tai nạn giao thông ở đèo Cả càng nghiêm trọng. Đôi khi chỉ cần 1 chiếc xe đang qua đèo chết máy, các xe khác tranh nhau qua phần hẹp còn lại của con đường khi lực lượng chức năng chưa kịp đến phân luồng thì đèo Cả cũng ùn tắc nghiêm trọng...
Đâu chỉ có tai nạn giao thông, cung đường đèo Cả cũng thường xuyên bị tắc giao thông, có vụ kéo dài nhiều ngày, vì đất đá sạt lở vào mùa mưa. Ông Nguyễn Thành Trí - giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Phú Yên - cho biết trước năm 2017, hầu như mùa mưa năm nào cũng có vài vụ đất đá rơi, trượt lở lấp đường đèo, làm tắc cả tuyến giao thông huyết mạch đất nước.
Chúng tôi nhớ trận sạt lở lớn nhất xảy ra vào sáng 21-11-2005, một nửa quả đồi đất với khoảng 30.000m3 đã đổ xuống, vùi lấp đường đèo; cùng thời điểm cũng có 3 vị trí khác của đèo bị đất đá rơi xuống chôn lấp. Hồi đó, tỉnh Phú Yên phải huy động rất nhiều phương tiện, lực lượng để cứu đèo, nhưng phải mất 3 ngày liền làm cả ngày lẫn đêm mới thông tuyến giao thông...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận