16/07/2011 12:18 GMT+7

Đi qua "cực tiểu" tình yêu

Chuyên viên tâm lý NGUYỄN THỊ TRANG NHUNG
Chuyên viên tâm lý NGUYỄN THỊ TRANG NHUNG

TTO - Tại sao nàng nôn nóng cưới nhưng chàng thờ ơ, thậm chí phát tín hiệu như "cài số lùi", khi còn ngồi ở giảng đường đại học có nên nhiệt tình xúc tiến chuyện cưới xin?... là những băn khoăn của bạn đọc khi đến với tâm sự Em muốn cưới, anh "cài số lùi"? của bạn Phong Lan (sinh viên Hà Nội).

Tuổi Trẻ Online xin giới thiệu phần tư vấn của chuyên viên tâm lý Nguyễn Thị Trang Nhung với hi vọng giúp người trong cuộc tháo gỡ phần nào những băn khoăn này.

E0hAhXlm.jpgPhóng to
"Tình yêu - hạnh phúc gia đình như một đồ thị lượn sóng, sẽ có những giai đoạn thăng hoa và cũng không thể thoát khỏi giai đoạn thăng trầm…" - Ảnh minh họa: từ Internet

"Mưa nắng" như "đồ thị" tình yêu

Tình yêu không đơn giản là phép cộng giữa người này với người kia, cũng không đơn giản là sự săn đón của người này với người kia, sự quan tâm, chăm sóc của cả hai dành cho nhau.

Kết hôn càng không chỉ đơn thuần là kết quả của một tình yêu đẹp theo lý thuyết. Nhiều bạn trẻ không nhận ra điều này mà nóng lòng với giấc mơ về “ngôi nhà và những đứa trẻ”, nên đã tự dẫn dắt mình vào mớ bòng bong “cưới hay không cưới, đó là vấn đề”, trong khi nguyên liệu cũng như nền móng để xây ngôi nhà còn đang bị bỏ ngỏ…

Tình yêu - hạnh phúc gia đình như một đồ thị lượn sóng, sẽ có giai đoạn thăng hoa và cũng không tránh khỏi lúc thăng trầm…

Giai đoạn thăng hoa: Đây là giai đoạn từ lúc hai người chính thức trở thành người yêu. Ở giai đoạn này cả hai cùng hướng đến nhau, mọi cư xử đều rất nhẹ nhàng, ngọt ngào, tinh tế.

Người này có thể vì người kia mà không quản ngại những khó khăn, trở ngại về mọi thứ như: khoảng cách địa lý, thời gian, những khó khăn về tiền bạc hay thậm chí những ngăn cản từ hai bên gia đình…Đây là giai đoạn tình yêu chớm nở và có sức mạnh liên kết hai người rất chặt chẽ, nên việc đề cập chuyện đám cưới là điều nhẹ tựa lông hồng và mục đích là “ra trường chúng ta sẽ kết hôn!”.

Tuy nhiên, chính giai đoạn thăng hoa này rất dễ khiến các bạn trẻ mất “đề phòng” cần thiết nhất, nghĩa là người này sẽ vô tư tiếp nhận sự quan tâm, chăm sóc của người kia mà không nghĩ rằng người yêu mình cũng có nhu cầu được quan tâm, yêu thương, chăm sóc lại với mật độ và cường độ tương đương.

Sự chủ quan này còn thể hiện qua suy nghĩ cố hữu nhưng đã bị vô hình hóa bởi tình yêu, đó là một khi đã là người yêu của nhau rồi thì không cần phải giữ kẽ, không cần phải vun đắp tình yêu như lúc ban đầu. Đây chính là lúc tình yêu bước sang giai đoạn khác.

Giai đoạn thăng trầm: Rơi xuống giai đoạn này, tình yêu bắt đầu nảy sinh nhiều vấn đề. Có những mâu thuẫn nhỏ nhưng vô tình bị biến thành rắc rối lớn, người này thất vọng về người kia với những lý do như: người thì chỉ quen nhận sự chăm sóc mà không biết quan tâm ngược lại; người kia thay đổi, không còn ân cần, bao dung như ngày đầu hoặc không còn dành nhiều thời gian cho nhau...

Cả hai người bắt đầu cảm thấy mối quan hệ dần mất đi chất keo kết dính, và câu hỏi đặt ra là: “Hay là anh ấy/ cô ấy đã chán mình?”. Đây cũng là hệ quả của quy luật nhàm chán trong tình yêu: đẩy tình yêu lên mức quá cao của sự lý tưởng sẽ càng làm nó nhanh rơi xuống hố tan vỡ. Không vượt qua được giai đoạn này, tình yêu sẽ chỉ còn là kỷ niệm buồn nhiều hơn vui.

Cách nào lướt qua vùng cực tiểu?

Để vượt qua những "vùng trũng" của "đồ thị" tình yêu, các bạn cần lưu ý những điểm sau:

Chấp nhận sự thay đổi: Dĩ nhiên không phải sự thay đổi mang tính tiêu cực mà là sự thay đổi về suy nghĩ, tâm tư, tình cảm trong cùng một con người. Một anh sinh viên năm nhất sẽ không giống với năm 4 và một người đi làm sẽ khác một cậu sinh viên.

Hãy tập thích nghi với sự thay đổi của người khác và của chính mình, ví dụ như nếu bạn quen đón nhận tình cảm của người yêu thì bây giờ hãy dành cho người yêu sự yêu thương, đồng cảm nhiều hơn trước.

Đừng tự hào khi có tình yêu lâu năm mà hãy tự hỏi chừng đó thời gian đã đủ?

Thời gian: Thời gian là thước đo kiểm chứng sự thật nhưng thời gian không phải là tiêu chí hàng đầu cho quyết định kết hôn. Đừng tự hào khi có tình yêu lâu năm mà hãy tự hỏi chừng đó thời gian đã đủ để hai người hiểu nhau và sẵn sàng sống chung chưa?

Đừng lấy thời gian yêu nhau ra làm lý do để kết hôn mà hãy kiểm tra xem cả hai đã sẵn sàng về mọi mặt: tình yêu, trách nhiệm, mục đích sống và sự ổn định về mặt công việc, sự nghiệp... để có một gia đình hạnh phúc chưa?

Dù yêu hay cưới cũng đều cần những “nguyên liệu an toàn” và “nền móng bền vững”. Có như vậy thì “ngôi nhà mơ ước” mới có thể thành hình và tồn tại, bạn ạ!

Chuyên viên tâm lý NGUYỄN THỊ TRANG NHUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên