Hoàng Khánh Trình - giám sát công trình người Việt tại công trường sân vận động Lusail (nơi diễn ra trận chung kết World Cup 2022) - Ảnh: NVCC
Trò chuyện với Tuổi Trẻ tại Qatar, anh Nguyễn Văn Long, kỹ sư kết cấu công trình 38 tuổi, bày tỏ "niềm vinh dự và tự hào khi là một trong 300 công nhân người Việt tại đây góp phần tham gia xây dựng 5/8 sân vận động (SVĐ) đăng cai World Cup ở Qatar đó là: Lusai, 974, Al Bayt, Al Janoub và Education City".
Vượt nắng gió và COVID-19
Sang Qatar sống và làm việc từ năm 2009, anh Nguyễn Văn Long tham gia tập đoàn xây dựng kết cấu thép có trụ sở chính ở Hà Lan, chi nhánh tại Qatar.
Năm 2010, khi Qatar chính thức được FIFA chọn làm nước chủ nhà đăng cai World Cup với lời cam kết xây mới nhiều SVĐ phục vụ đăng cai, cũng là lúc tập đoàn nơi anh Long làm việc đấu thầu nhận các gói xây dựng khác nhau.
Trong khi đó, một tập đoàn sản xuất kết cấu thép công nghệ cao hàng đầu tại Việt Nam cũng trúng gói thầu thiết bị kết cấu thép trị giá 80 triệu USD cho hai SVĐ Lusail và 974.
Số thép từ Việt Nam mang sang Qatar được các công nhân lao động Việt Nam ở đây hàn gắn, lắp ráp cho các SVĐ. Là kỹ sư giám sát, anh Long thường ra sân theo dõi tiến độ thực hiện và cũng như nhiều đồng nghiệp, anh gặp căng thẳng về thời gian với sức ép bàn giao đúng cam kết.
Theo người kỹ sư Việt Nam, cơ hội tham gia góp phần xây dựng từ World Cup là không thể nào quên cho dù hiện tại anh vẫn tất bật cùng công ty thực hiện những dự án khác cho Nhà nước Qatar (cầu bộ hành trên không, mái vòm và bình chứa nhiên liệu ở khu mở rộng sân bay quốc tế Hamad...).
"Trong năm SVĐ mà chúng tôi góp phần làm thì sân Lusail có sức chứa lớn nhất (80.000 chỗ ngồi, là sân tổ chức trận chung kết giải) nên quá trình thi công thử thách nhất.
Lý do là Lusail có cấu trúc lớn, việc làm kết cấu thép chịu tải trọng lớn cho phần mái che khán đài rất phức tạp. Sân làm thuận lợi hơn là Education City ở Doha vì sân này có thiết kế nhỏ gọn với khoảng hơn 40.000 chỗ ngồi" - anh Long cho hay.
Ngoài ra, trong giai đoạn toàn thế giới căng mình phòng chống COVID-19 hai năm 2020 - 2021 cũng khiến công việc xây sân World Cup thêm khó khăn và ảnh hưởng tới tiến độ thi công. Anh Long nhớ lại:
"Tất cả những công nhân xây dựng thường được bố trí chỗ ở khép kín ngay gần công trường SVĐ, không được tiếp xúc với bên ngoài để tránh nhiễm vi rút. Nhờ vậy anh em công nhân Việt Nam vẫn bám trụ được công trình".
Kỹ sư Nguyễn Văn Long đọc báo Tuổi Trẻ để biết tin tức World Cup ở quê nhà - Ảnh: TR.N.
Tôi đánh giá cao tay nghề và tinh thần làm việc của các công nhân đến từ Việt Nam. Nhờ có tay nghề cao và tuân thủ kỷ luật lao động, họ thực hiện được những phần việc khó, tạo ra những sản phẩm chuẩn về chất lượng, thẩm mỹ góp phần xây dựng các sân vận động tổ chức World Cup. Giờ đây giải đấu đã đến, họ có thể tận hưởng những trận cầu cũng như nhìn ngắm lại công trình mà mình từng góp phần tạo ra.
Ông Rob Frijns (giám đốc điều hành một tập đoàn xây dựng ở Qatar)
"Hồi hộp xem World Cup ở sân mình quen"
Ông Lê Anh Cường (55 tuổi, người Hà Lan gốc Việt) sang Doha từ năm 2009 và làm giám đốc sản xuất hạng mục kết cấu thép phục vụ cho SVĐ World Cup, cho biết lực lượng công nhân Việt Nam đã góp phần tham gia xây dựng các SVĐ ngay từ ngày đầu.
Ông nói qua điện thoại với Tuổi Trẻ: "Đây là niềm tự hào khi giờ đây chúng ta được nhìn ngắm những SVĐ hoàn thiện tuyệt đẹp đang đón chào đông đảo CĐV trên khắp thế giới đến Qatar xem World Cup.
Tôi rất hạnh phúc vì lực lượng công nhân Việt Nam chúng ta có thể làm được nhiều điều từ đơn giản đến phức tạp trong suốt quá trình tham gia một số hạng mục thi công sân World Cup kéo dài hơn hai năm ở Qatar".
Bản thân ông Cường sẽ chứng kiến trực tiếp những trận cầu World Cup nẩy lửa với nhiều tấm vé đã mua được. "Vâng, đây là cơ hội tôi không thể bỏ qua để vào sân vừa thưởng thức bóng đá, vừa nhìn ngắm lại những gì mà chúng tôi từng hết lòng góp công xây nên".
Sếp của ông Cường là ông Rob Frijns, giám đốc điều hành Tập đoàn xây dựng Frijns, thì khen ngợi các lao động Việt tham gia xây dựng SVĐ World Cup: "Những người lao động Việt Nam được đánh giá cao bởi họ thường thông minh sáng tạo để giải quyết thử thách trong quá trình làm việc một cách tối ưu nhất".
Kỹ sư Văn Long thì bày tỏ cảm xúc khi nhớ lại quãng thời gian trước: "Dù có nhiều thử thách trong công việc thế nhưng hằng ngày chạy qua chạy lại giữa các SVĐ, tôi có dịp ngắm nhìn các SVĐ hình thành diện mạo dần dần, theo ngày tháng càng lúc càng hoàn thiện hơn thì thấy rất phấn khởi và hạnh phúc".
Vui hơn nữa là giờ đây World Cup đã khai màn, người kỹ sư quê ở Bắc Giang vốn là tín đồ bóng đá thứ thiệt này sẽ tạm ngừng làm việc để dẫn vợ và hai cậu con trai cưng đi xem World Cup. "Tôi đã mua được vài chục vé để cùng vợ con vào sân xem các trận "đinh" như Argentina - Saudi Arabia, Tây Ban Nha - Đức, Brazil - Cameroon, Bồ Đào Nha - Gana, Hà Lan - Qatar, một trận ở vòng hai và một trận tứ kết".
Khi được hỏi dự đoán về kỳ giải, anh Long chia sẻ: "Thật háo hức khi xem các siêu sao như Messi, Ronaldo ra sân trong kỳ giải World Cup có thể là cuối cùng của họ. Tôi cũng mong đội tuyển Brazil mà mình hâm mộ sẽ vô địch kỳ này.
Nhưng trên hết vẫn là cảm giác vào bên trong SVĐ do mình và các anh em đồng nghiệp Việt Nam góp phần xây dựng và thưởng thức World Cup sẽ rất đặc biệt và tự hào".
Nguyễn Quốc Bính và Nguyễn Đình Hà là đôi bạn cùng quê Hà Tĩnh, cùng sang Qatar từ 2011 và sống ở thành phố công nghiệp Mesaieed cách Doha 36km về phía nam. Đây là nơi họ ở cùng 300 công nhân đồng hương Việt Nam. Bính và Hà làm khâu gá đính chế tạo kết cấu thép cho các SVĐ World Cup.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, các công nhân Việt Nam nhớ lại: "Trong giai đoạn cao điểm năm 2018 - 2020, chúng tôi ra vào các SVĐ hằng ngày để làm việc. Khó khăn nhất bấy giờ vẫn là thời tiết sa mạc nắng nóng và oi bức.
Cũng may là Qatar có quy định trong bốn tháng mùa hè (tháng 6 đến tháng 9), chủ không được bắt công nhân làm trong khung giờ từ 10h đến 3h chiều nên cũng "trốn nắng, trốn nóng" được.
Đặc thù công việc kết cấu thép khá cực nhọc nhưng chúng tôi vẫn hài lòng vì World Cup mang lại cho công ty nhiều hợp đồng dự án, dẫn đến thu nhập, chế độ phúc lợi cho công nhân ổn định và tốt hơn".
-----------------------------
Ở một đất nước mà người bản xứ Qataris chỉ chiếm khoảng 400.000 người (tức khoảng 1/7 dân số), người nhập cư với phần lớn là công nhân lao động đến từ các nước châu Á như Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, Nepal, Philippines... đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của xã hội Qatar cũng như tổ chức World Cup.
Kỳ tới: Nước mắt, nụ cười người nhập cư
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận