Triển lãm lịch sử bóng đá Qatar tại Thư viện quốc gia ở Doha - Ảnh: TR.N.
Trận khai mạc World Cup Qatar - Ecuador trên sân vận động Al Bayt miền bắc Qatar (cách thủ đô Doha 50km) đêm nay (20-11) sẽ cho thấy đội tuyển chủ nhà có thể đi bao xa tại giải đấu mà quốc gia này đã mất 12 năm "đổ mồ hôi, sôi nước mắt" để tổ chức.
Tự hào vào World Cup
Những người hâm mộ Việt Nam hẳn còn nhớ như in gương mặt bất động, đôi mắt thất thần của HLV người Tây Ban Nha Felix Sanchez sau khi tuyển U23 Qatar bị U23 Việt Nam do ông Park Hang Seo dẫn dắt đánh bại trên chấm luân lưu ở trận bán kết giải U23 châu Á ở Trung Quốc hồi tháng 1-2018.
Thời gian trôi qua, ông Felix Sanchez nay đã là HLV trưởng đội tuyển quốc gia Qatar kể từ tháng 7-2017 đến nay và góp công lớn mang về cho Qatar chức vô địch châu lục Asian Cup 2019 trên sân nhà và hạng ba Cúp Ả Rập 2021 cũng trên sân nhà.
Tư liệu và hiện vật về lịch sử bóng đá Qatar được trưng bày ở Thư viện quốc gia Doha - Ảnh: TRUNG NGHĨA
Vào những buổi chiều hoàng hôn tuyệt đẹp ở quảng trường Doha Corniche, nơi có chiếc đồng hồ đếm ngược thời gian khai hội World Cup, những đám đông CĐV và du khách dễ dàng nhìn thấy hai dãy cột cờ cao treo quốc kỳ 32 đội tuyển tranh tài. Dưới chân mỗi cột cờ là tên quốc gia và ghi chú ngày quốc gia đó vượt qua vòng loại World Cup.
Riêng cột cờ Qatar, dòng chữ "nước chủ nhà" được khắc như niềm tự hào lớn bởi đây là lần đầu tiên trong lịch sử tuyển Qatar được lọt vào VCK World Cup.
Liệu đội tuyển mang màu áo đỏ sậm hạt dẻ có xứng đáng nhận tấm vé đặc cách này hay sẽ đi theo vết xe đổ (chủ nhà nhưng bị loại từ vòng bảng) của Nam Phi năm 2010?
Có mặt ở Qatar mùa World Cup, chúng tôi không bỏ lỡ cơ hội tìm hiểu sâu hơn về lịch sử và nền bóng đá Qatar.
Thật may, người Qatar không chỉ muốn CĐV tứ xứ đến đây xem World Cup và theo dõi đội tuyển quốc gia hiện tại mà còn muốn tận dụng dịp ngàn năm một thuở này để giới thiệu hành trình thăng trầm của lịch sử bóng đá nước họ.
Tại Thư viện quốc gia Qatar tọa lạc ở đường Al Luqta gần sân vận động Education, chúng tôi được mời vào xem triển lãm Goooal! How Football Kicked off in Qatar (tạm dịch: Vào! Bóng đá ở Qatar khởi nguồn ra sao?). Đây là triển lãm diễn ra từ 15-11 để chào World Cup và kéo dài đến tận ngày 28-2-2023.
Triển lãm bao gồm hình ảnh, hiện vật và video đã khắc họa nên hành trình của bóng đá Qatar với cái nhìn sâu sắc về nguồn gốc của nó và sự phát triển như thế nào qua nhiều thập niên, cho đến đỉnh cao là giải đấu thế giới năm nay.
Chúng tôi không khỏi thú vị khi chứng kiến những quả bóng xù xì, đôi giày bạc màu, tấm vé vào sân vận động hay những trang báo thể thao ngả vàng xuất bản từ hàng chục năm trước.
Tất cả đến từ quá khứ và thật thú vị khi biết rằng nền bóng đá Qatar được sinh ra từ những trận đấu giữa các công nhân dầu mỏ năm 1948. CLB bóng đá đầu tiên của Qatar là Al Najah, ra đời năm 1950.
Liên đoàn Bóng đá Qatar (QFA) thành lập năm 1960, gia nhập FIFA năm 1970. Giải Gulf Cup 1970 chứng kiến trận thi đấu tranh tài chính thức đầu tiên của đội tuyển Qatar đá với nước láng giềng Bahrain.
Giải Qatar Stars League ra mắt năm 2009, từng đón những nhân vật tiếng tăm như Xavi của Barcelona.
Về mặt đăng cai tổ chức, Qatar cũng có bề dày kinh nghiệm đáng nể khi tổ chức FIFA World Cup trẻ năm 1995, AFC Asian Cup lần đầu năm 1988 và lần hai năm 2019, là chủ nhà của Á vận hội Asian Games 2006 và Giải điền kinh thế giới 2019...
Sân vận động huyền thoại Khalifa khánh thành năm 1976, được nâng cấp để phục vụ World Cup với sức chứa 40.000 chỗ. Không nghi ngờ gì, World Cup chính là viên kim cương sáng nhất được đính lên chiếc vương miện tổ chức mà Qatar có.
Trung phong Almoez Ali (bìa trái) - niềm hy vọng số 1 của tuyển Qatar tại World Cup 2022 - Ảnh: REUTERS
Sức mạnh của Qatar từ đâu?
Chuẩn bị cho World Cup, tuyển Qatar liên tục tập luyện tại nhiều nơi từ Mỹ, Áo đến Tây Ban Nha (kéo dài 40 ngày).
The Maroons (tức Màu hạt dẻ - biệt danh tuyển Qatar) có chiến thắng 1-0 trước Albania trong trận giao hữu ngày 9-11 cũng như bốn chiến thắng nội bộ khác trước Honduras (1-0), Nicaragua (2-1), Guatemala (2-0) và Panama (2-1). HLV Felix Sanchez đưa các học trò về nước để tiếp tục tập luyện cật lực trong những ngày qua tại sân của Học viện Aspire ở Doha.
Qatar đã đầu tư rất nhiều giấc mơ World Cup của họ - Ảnh: TRUNG NGHĨA
Đây chính là "cái nôi" đào tạo các tài năng bóng đá của Qatar, trong đó có lứa cầu thủ sinh năm 1996 mang về cho Qatar chức vô địch châu Á năm 2019 như vua phá lưới Almoez Ali, Akram Afif...
Cựu cầu thủ Nguyễn Thái Sung là cầu thủ Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp từ lò đào tạo Aspire giai đoạn 2009 - 2012.
Không phải ai học từ Học viện Aspire thì đều thành danh, song việc ra đời học viện từ năm 2004 này, Qatar đã có chiến lược đúng khi không phát triển bóng đá theo kiểu "ăn xổi ở thì" (chạy theo phong trào nhập tịch cầu thủ ngoại) mà chấp nhận phát triển theo kiểu căn cơ, bài bản, xây nhà từ nền móng đào tạo các thế hệ trẻ.
Chính HLV Felix Sanchez khi mới đến Qatar là người thầy ở Aspire. Về sau, ông lần lượt nắm các đội tuyển trẻ rồi đội tuyển quốc gia. Điều này giúp Sanchez có được sự gần gũi và nắm "chân tơ kẽ tóc" nhiều tuyển thủ Qatar vì ông thật sự đã đồng hành cùng họ suốt giai đoạn trưởng thành quan trọng.
Xuất thân từ lò đào tạo Barcelona nên không lạ khi Sanchez giúp các cầu thủ Qatar chú trọng hoàn thiện kỹ thuật cá nhân, phối hợp nhuyễn trong sơ đồ yêu thích 5-3-2.
Qatar cùng với Saudi Arabia là hai đội bóng hiếm hoi có 26 tuyển thủ dự World Cup 2022 đều thi đấu ở trong nước. Trong đó, CLB hàng đầu Al Sadd tại giải Qatar Stars League đóng góp tới 13 tuyển thủ.
Tuy nhiên, không thể nói Qatar thiếu kinh nghiệm thi đấu quốc tế khi đội tuyển này từng dự Copa America 2019, CONCACAF Gold Cup 2021, cọ xát giao hữu với nhiều đội bóng lớn ở châu Âu cũng như lên ngôi vương châu lục tại Asian Cup 2019 với thành tích cực kỳ thuyết phục (ghi 19 bàn, chỉ lọt lưới 1 bàn).
"Chúng tôi cần sự cổ vũ cuồng nhiệt nhất từ các fan và chúng tôi hứa với họ rằng sẽ thi đấu hết mình để đem đến nụ cười trên gương mặt họ" - Al Amin phát biểu trong buổi họp báo ở Aspire. Hậu vệ trẻ này cũng nói với các nhà báo rằng HLV Sanchez đã "truyền sự tự tin vào các tuyển thủ Qatar" và giúp họ ra sân thi đấu với động lực lớn lao.
Còn trung vệ kỳ cựu 32 tuổi Abdulaziz Hatem thì chia sẻ: "Giấc mơ thi đấu tại World Cup đã thành hiện thực và chúng tôi đầy háo hức khi đứng trước cơ hội làm nên lịch sử". Lịch sử đó sẽ bắt đầu từ thành phố cảng Al Khor, trên sân vận động mang hình chiếc lều của dân du mục sa mạc.
Những người chúng tôi gặp ở Doha khi được hỏi thăm dò thì đều nêu một cái tên là niềm hy vọng số 1 khi Qatar tại World Cup: trung phong Almoez Ali. Năm nay 26 tuổi, đã ghi 42 bàn trong 85 lần khoác áo đội tuyển quốc gia, Ali chính là "gà son" của The Maroons. Bên cạnh đó là cựu binh Hassan Al-Haydos đã đá cho Qatar 169 trận, ghi 36 bàn.
Theo nhà báo Vinay Nayudu của tờ Qatar Tribune thì Qatar đáng gờm với tiền vệ năng nổ Akram Afif (Cầu thủ xuất sắc nhất châu Á 2019), thủ thành trầm tĩnh HassanAl Haydos và trên hết là tài năng trẻ hứa hẹn sẽ tỏa sáng Homam Al Amin.
Trò chuyện với Tuổi Trẻ tại Qatar, anh Nguyễn Văn Long, kỹ sư kết cấu công trình 38 tuổi, bày tỏ "niềm tự hào khi là một trong 300 công nhân người Việt tại đây góp phần tham gia xây dựng 5/8 sân vận động đăng cai World Cup ở Qatar là Lusai, 974, Al Bayt, Al Janoub và Education City".
Kỳ tới: Người Việt tham gia xây SVĐ World Cup
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận