26/12/2024 10:08 GMT+7

'Đi phượt' metro xưa và nay - Kỳ 3: Metro - dư địa chào đón sáng tạo và sinh lợi

Ngay mũi tàu ba mặt đường của công viên 23-9, TP.HCM, nổi lên một nhà kính tròn lấp lánh, thu hút sự chú ý của mọi người.

'Đi phượt' metro xưa và nay - Kỳ 3: Metro - dư địa chào đón sáng tạo và sinh lợi - Ảnh 1.

Niềm vui của trẻ em được đi metro ở TP.HCM - Ảnh: Q. ĐỊNH

Đó là giếng trời lấy sáng của nhà ga metro Bến Thành mà khi xuống tầng hầm chúng ta sẽ ngỡ ngàng nhận ra một tác phẩm nghệ thuật hoàn mỹ. Vòm kính giếng trời là bốn vòng tròn đồng tâm, quy tụ những hình tam giác đều đặn trông như những cánh hoa dịu dàng.

Dường như người thiết kế của nhà thầu Nhật Bản lấy cảm hứng từ vẻ đẹp thanh thoát của những chiếc dù phương Đông để sáng tạo một giếng trời độc đáo. Thêm nữa, màu xám bạc là sắc màu chủ đạo bao trùm nhà ga từ cầu thang đến hành lang và sân đợi, tạo nên một cảm giác trang nhã và thân thiện.

Những "thành phố ngầm" kỳ vĩ

Trong khi ấy, các toa xe của tuyến metro số 1 chỉ sơn đường viền màu thiên thanh trên nền trắng thay cho những gam màu nóng. Có lẽ những màu sắc yên ả như thế sẽ góp phần làm dịu đi tâm trí của hành khách, vốn dĩ dễ trĩu nặng trong nhịp sống đô hội bận rộn. 

Bước vào thế kỷ 21, các công trình metro không còn là những sản phẩm có kiểu dáng đơn giản hay chức năng giao thông thuần túy. Ở nhiều nước, metro là "dư địa" rộng lớn thu hút nguồn vốn cùng các sáng kiến công nghệ và kinh doanh. Khi "đi phượt" metro Việt Nam và các nước, các bạn không thể không tò mò về hiện thực hấp dẫn ấy!

Tháng 7-2020, nhóm làm sách về metro có cơ duyên "thám hiểm" công trường xây dựng nhà ga Bến Thành. Khi leo qua những cầu thang sắt tạm thời hình dích dắc, giữa những cột thép khổng lồ để xuống lòng đất sâu gần 30m, chúng tôi thấy tận mắt nơi đây là một kiến trúc to tát và hùng vĩ. 

'Đi phượt' metro xưa và nay - Kỳ 3: Metro - dư địa chào đón sáng tạo và sinh lợi - Ảnh 2.

Nhóm làm sách lịch sử Metro TPHCM thăm đường hầm Metro tại Nhà ga Bến Thành tháng 7- 2020. Tác giả PHÚC TIẾN áo vàng - Ảnh: Minh Hòa

May mắn, chúng tôi còn được đi bộ trong đường hầm hình ống khổng lồ, chưa đặt đường ray. Qua đó chúng tôi hình dung nhà ga Bến Thành - nơi sẽ quy tụ nhiều tuyến metro, chính là một "thành phố ngầm" kỳ vĩ!

Quan sát quang cảnh làm việc khẩn trương và vất vả, tôi nhớ đến những bức ảnh chụp công trường xây dựng đường sắt ngầm đầu tiên của thế giới ở London vào cuối thập niên 1860. Trong ảnh là những người thợ vạm vỡ, lấm láp than bụi, dùng búa để đóng những cột đỡ đường hầm. 

Và rồi, lại nhớ bức ảnh những công nhân nhỏ bé đội nón lá, đào đắp sân ga trung tâm Sài Gòn trong những năm 1912 - 1914. Giờ đây khi các nhà ga và đường xe metro đã hoàn thành, chúng ta không quên đằng sau quy mô bề thế và vẻ đẹp của chúng là tỉ tỉ tiền bạc và trí tuệ, mồ hôi cũng như xương máu của hàng chục ngàn công nhân và kỹ sư, chuyên gia nhiều ngành.

Để ghi nhớ công sức vô giá ấy, tôi nghĩ tại các nhà ga metro của Việt Nam sắp tới cần có nhiều hình thức thông tin và quảng bá quá trình thi công cùng đội ngũ tác giả công trình. 

Hiện giờ, tại các nhà ga metro ở Singapore đều có các góc trưng bày hình ảnh xây dựng và quang cảnh nhà ga ở nhiều góc độ do các nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp và ngay chính nhân viên metro thực hiện.

'Đi phượt' metro xưa và nay - Kỳ 3: Metro - dư địa chào đón sáng tạo và sinh lợi - Ảnh 3.

Metro chạy đường trên cao ở Paris tháng 10-2024 - Ảnh: PHÚC TIẾN

Những dư địa trù phú

Theo dự kiến, tại TP.HCM từ nay đến 2035 sẽ xây xong 7 tuyến metro, với tổng chiều dài khoảng 355km. Còn thủ đô Hà Nội sẽ có 15 tuyến với 617km vào năm 2045. Cả hai sẽ là "cỗ máy sinh lợi" mạnh mẽ cho nền kinh tế cả nước. 

Trước nhất, phải kể đến nguồn thu dồi dào và bền vững, bắt đầu từ những chiếc vé thông minh. Từ lâu các nước tiên phong về metro đã sử dụng công nghệ contact less tích hợp trong những tấm thẻ điện tử xinh xắn. Tuy nhỏ nhưng chúng đủ sức gom góp "kho bạc" của đám đông lên đến hàng triệu người.

Chẳng hạn, ở Singapore khi mua thẻ metro, khách phải đóng deposit - tiền thế chân 5 đô la Singapore cho mỗi chiếc thẻ. Hiện tại, mỗi ngày đảo quốc này có khoảng 3 triệu dân sử dụng metro, đồng nghĩa với việc công ty điều hành tiếp nhận một nguồn vốn không phải trả lãi là 15 triệu đô la. 

'Đi phượt' metro xưa và nay - Kỳ 3: Metro - dư địa chào đón sáng tạo và sinh lợi - Ảnh 4.

Quảng cáo các loại ở toa xe Metro Singapore Ảnh: PHÚC TIẾN

Mặt khác, mỗi năm Singapore có khoảng 19 triệu lượt du khách, chỉ cần ½ số này sử dụng metro thì "kho bạc" kể trên có thêm 47,5 triệu đô Singapore. Số "tiền tươi" không nhỏ ấy nếu được quản lý minh bạch sẽ có cách "quay vòng" tiếp tục sinh lợi, thông qua những kênh đầu tư hiệu quả.

Dĩ nhiên, nguồn thu nhập của metro không chỉ là tiền vé mà còn đến từ các phương tiện quảng cáo đặt ở nhà ga và các toa xe. Hầu hết những loại hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng muốn "đánh lớn" vào hàng triệu người mỗi ngày sẽ không bỏ qua cơ hội tiếp thị tại metro.

Ở London, tổng doanh thu quảng cáo của metro và xe buýt trong năm 2022 là 130 triệu bảng Anh (khoảng 165 triệu đô la Mỹ). Các chiến dịch tiếp thị muôn màu muôn vẻ, kể cả báo chí in ấn riêng để phát không cho hành khách là việc diễn ra thường xuyên ở metro nhiều nước. 

Tại một nhà ga lớn ở Seattle (Mỹ) vào tháng 5 năm nay, tôi kinh ngạc khi bắt gặp một bảng panô cực lớn thể hiện hình ảnh hai phụ nữ Việt Nam đội nón lá. Hóa ra, đó là bảng quảng cáo đường bay của hãng Delta Airlines đến Việt Nam. Mỗi bảng quảng cáo như thế, họ phải trả chí ít là 100.000 đô Mỹ một năm.

Doanh thu của metro còn đến từ việc cho thuê đủ loại cửa hàng, văn phòng, phòng học hay không gian triển lãm và tổ chức sự kiện. Tại Singapore, tổng thu tiền vé và các nguồn kể trên "gánh vác" 70% chi phí cho metro và xe buýt hằng năm. Thêm nữa, giá trị các khu địa ốc và các dịch vụ "ăn theo" sẽ gia tăng gấp bội khi ở gần bên các ga metro. 

'Đi phượt' metro xưa và nay - Kỳ 3: Metro - dư địa chào đón sáng tạo và sinh lợi - Ảnh 5.

Các loại thẻ Metro ở Mỹ, Úc, Singapore và Hà Nội, từ hình thức đa dạng bắt mắt đến công nghệ tân tiến được hành khách, nhất là giới trẻ ưa chuộng - Ảnh: PHÚC TIẾN

Với Việt Nam, chính quyền cần hoạch định sớm các dịch vụ "cộng sinh" với metro để mau chóng mời gọi các nhà đầu tư tham gia đấu thầu. Qua đó, Nhà nước sẽ có thêm nguồn bù đắp cho kinh phí xây dựng và điều hành phương tiện giao thông công cộng.

Điều thú vị, ở Sài Gòn ngay từ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 các doanh nghiệp kinh doanh đường sắt đô thị đều là công ty cổ phần, không phân biệt quốc tịch cổ đông. Báo Nông Cổ Mín Đàm vào tháng 8-1901 cho biết người Pháp, người Hoa và một ít người Việt đã góp vốn làm "Sở xe lửa" Sài Gòn - Chợ Lớn.

Ở nhiều nước Âu - Mỹ, công ty xây dựng, điều hành metro và tàu hỏa đều là công ty đại chúng. Thiết nghĩ, nay mai Nhà nước cũng nên "cổ phần hóa" các công ty điều hành và kinh doanh metro hiện có. Hoặc mạnh dạn mời gọi tư nhân trong và ngoài nước liên doanh với Nhà nước hay đầu tư trọn gói trong các dự án metro, kể cả khai thác các dịch vụ đi cùng.

Tôi tin với metro và các dự án ích nước lợi dân, đông đảo dân chúng sẵn sàng tham gia như người trong cuộc chứ không chỉ là người thụ hưởng. Đặc biệt, giới trẻ khởi nghiệp trong kinh doanh và công nghệ, cũng như văn hóa sẽ có thêm "sân chơi" để thi thố.

Thân thiện, an toàn và tiện nghi

Có dịp "quá giang" metro từ "chiếc nôi" London, hay nhiều thành phố Âu - Mỹ và các đô thị lớn của châu Á, tôi thường thấy du khách luôn bị thu hút bởi các nhà ga đẹp và tấp nập. Nhất là các nhà ga có tầng hầm được xây mới hay chỉnh trang trong 20 năm trở lại đây. Ngày nay, các nhà ga metro không còn là bến xe thuần túy mà đã hóa thành phố phường lộng lẫy, đa chức năng.

Người ta chăm chút từng chi tiết thiết kế ở các máy bán vé, bảng thông tin, sảnh đợi cho đến các cửa hàng, siêu thị, góc ẩm thực đủ loại. Nhiều nơi như Melbourne (Úc), Kyoto (Nhật Bản) hay Paris (Pháp), trùm lên ga metro là những kiến trúc phức hợp - bao gồm trung tâm thương mại, nhà ở cao tầng, khách sạn, văn phòng...

Tuy đông đúc nhưng không xô bồ, những nhà ga metro của thế kỷ 21 phải mang đến cảm giác thân thiện, an toàn và tiện nghi đầy đủ.

----------------------------

Kỳ tới: Kết nối tấm lòng và bộ óc

'Đi phượt' metro xưa và nay - Kỳ 3: Metro - dư địa chào đón sáng tạo và sinh lợi - Ảnh 3.'Đi phượt' metro xưa và nay - Kỳ 2: Giao tình metro

Thuở xa xưa, dân Việt đi lại chủ yếu qua thuyền ghe, từ đấy kết nối những mối quan hệ đa dạng. Nhiều câu hát 'huê tình' trên sông nước, tỉ như 'Nhà Bè nước chảy chia hai, ai về Gia Định, Đồng Nai thì về'… vẫn còn vang vọng đến giờ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên