Ngày ấy, có thể coi đoàn xe "kỳ lạ" này là metro trên mặt đất. Còn hiện tại, một sự trùng hợp lý thú - sau 143 năm, metro dưới đường ngầm và đường trên cao chính thức khai trương tại thành phố vào ngày 22-12-2024.
Tại thời điểm xuất hiện, cả hai loại metro đều là phương tiện giao thông chưa từng có ở Sài Gòn - TP.HCM. Người dân thành phố cả hai thời kỳ đều thích thú khám phá loại hình xe cộ công cộng tốc độ nhanh đầy mới mẻ.
Trời cuối năm se lạnh, có chút nắng trưa ấm áp khiến chúng tôi thêm hào hứng bắt đầu cuộc "đi phượt" xưa và nay. Tuyến metro số 1 từ trung tâm thành phố ra đến khu vực đông bắc dài hơn 19km, bao gồm đường ngầm và đường trên cao.
Bước vào toa xe metro mới toanh, lần đầu tiên được lướt đi trong đường ngầm với tốc độ cao, ở độ sâu gần 30m, ai nấy đều phấn chấn. Thế nhưng, hành khách càng hân hoan hơn khi biết đoạn đường ngầm từ ga Bến Thành đến ga Ba Son - tuy chỉ có 2,6km nhưng lại là đoạn đường lưu nhiều dấu ấn độc đáo của bốn thế kỷ. Cả trong lòng đất và trên mặt đất đều ẩn chứa nhiều câu chuyện thú vị của tuổi đời thành phố thân yêu.
Đoạn đường hàng hải và công nghiệp kỳ vĩ
Thật vậy, xếp theo thứ tự thời gian, bạn có biết ga Ba Son đang "đứng chân" trên một địa điểm cổ xưa hào hùng? Mấy năm trước, một kỹ sư giám sát xây dựng metro nói với tôi, khi đào đường hầm đến đây, người ta phát hiện nhiều di vật từ cột gỗ, mảnh ván đến dây xích, mỏ neo và ngay cả gốm sứ.
Ôi chao, rất có khả năng đó là dấu tích của Thủy Xưởng thời nhà Nguyễn. Vào cuối thế kỷ 18, cùng thời gian kiến thiết kinh thành Gia Định, vua Nguyễn Ánh cho lập nhà máy đóng tàu ở doi đất kết nối rạch Thị Nghè với sông Sài Gòn.
Thời ấy, những con tàu ra đời từ Thủy Xưởng Gia Định là chiến thuyền kết hợp công nghệ của Việt Nam với phương Tây. Tiêu biểu là loại thuyền "Đa Sách" với nhiều cột buồm và cánh buồm vững chãi, được vua Minh Mạng cho khắc hình trên Cửu Đỉnh ở Huế để vinh danh. Sang đầu thế 19, sau khi đi thăm Thủy Xưởng, ông John White - một thuyền trưởng Mỹ - khen ngợi người Việt xứng đáng là "naval architect" - công trình sư đóng tàu.
Bến Nghé cửa tiền tan bọt nước. Ngày 17-2-1859, tại Thủy Xưởng và vàm Bến Nghé diễn ra trận chiến bi hùng chống Pháp xâm lăng. Lịch sử sang trang, chiếm được Gia Định, thực dân Pháp lập tức tận dụng Thủy Xưởng, cải biến nó làm Công Xưởng Hải quân bề thế.
Thực chất, đây là khu nhà máy liên hợp với nhiều ngành từ cơ khí đến luyện kim, thiết kế và sửa chữa tàu thuyền. Đầu mối công nghiệp này sử dụng hàng ngàn lao động, được người Việt gọi là Sở Ba Son.
Không chỉ làm dịch vụ đóng mới và sửa chữa tàu thuyền cho cả khách hàng quân sự và dân sự, Ba Son còn là nơi sản xuất nhiều trang thiết bị xây đắp cầu cống, đường sá, dinh thự. Song ý nghĩa hơn cả, nơi đây là "lò đào tạo" đầu tiên của thợ thuyền công nghiệp, nơi phát khởi giai cấp công nhân của cả nước.
Sau hòa bình và thống nhất, Ba Son tiếp tục là nhà máy hàng đầu của Việt Nam. Ít người biết rằng Ba Son đã xuất xưởng nhiều chiến hạm mang tên lửa tối tân lên đường bảo vệ Trường Sa và nhiều vùng biển đảo của Tổ quốc!
Từ năm 2016, toàn bộ nhà máy Ba Son được di dời ra Bà Rịa - Vũng Tàu, đất đai chuyển thành khu dân cư cao cấp. Ngày nay, một trong các cổng ra vào của ga Ba Son được đặt tại bến tàu của nhà máy cũ.
Đến đây, khách có thể thoải mái ngắm nhìn dòng sông Sài Gòn êm ả, xa xa là cầu Ba Son hùng vĩ. Riêng tôi, lại chạnh lòng khi thấy tòa nhà xưởng điện tử cũ kỹ còn sót lại của nhà máy Ba Son, đứng khép mình bên những tòa cao ốc chọc trời ngạo nghễ.
Rất mong nay mai gần bên nhà ga Ba Son sẽ có một bảo tàng hàng hải và công nghiệp với quy mô lớn và kiểu dáng hay đẹp. Bảo tàng Ba Son sẽ là nơi trân trọng lưu giữ các chứng tích sống động về lịch sử hàng hải và công nghiệp của thành phố, trong đấy có cả công nghiệp metro.
Ngay chính đoạn đường ngầm metro từ ga Nhà hát thành phố đến ga Ba Son - dài 781m, được đào bởi robot, cũng là một thành công về công nghệ và quản trị trong thế kỷ 21, rất xứng đáng được giới thiệu rộng rãi. Trên thế giới, không hiếm những bảo tàng như thế được xây dựng gần bến tàu và nhà ga. Chúng vừa tiện lợi cho đi lại, vừa gia tăng sự hấp dẫn của quá khứ đan xen với hiện tại.
Đoạn đường phồn hoa văn hóa và thương mại
Sau ga Ba Son, khách ghé vào ga Nhà hát thành phố với hai cổng ra vào, đặt trên đại lộ Lê Lợi. Cổng ở gần nhà hát nhất, khoảng 20 bước chân, nằm trước trụ sở Saigontourist. Cổng còn lại đặt ở cuối khách sạn Rex, gần giao lộ Pasteur.
Bước ra từ hai cổng, khách gặp ngay những hình ảnh thân quen của khu vực danh giá nhất Sài Gòn. Trong đó, kiến trúc Nhà hát thành phố, hoàn thành năm 1901, là một biểu tượng văn hóa quý phái và quốc tế. Hai bên Nhà hát là hai khách sạn lừng danh - Continental 1905 và Caravelle 1959 hợp cùng đường Đồng Khởi - tên thời Pháp là Catinat, là những "địa chỉ vàng" xuyên thế kỷ. Đối xứng với Nhà hát ở đoạn cuối đại lộ Lê Lợi là nhà ga Bến Thành và quảng trường Quách Thị Trang mênh mông.
Thật bất ngờ, con đường ngầm metro từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát thành phố chạy song song bên dưới tuyến đường sắt đô thị - vận hành trong các thập niên 1920 - 1950 trên mặt đường Bonard (Lê Lợi).
Vào thời kỳ phôi thai, đoàn xe chạy trên đường sắt bằng đầu máy hơi nước, người Pháp gọi là tramway, còn dân Sài Gòn gọi là xe lửa nhỏ. Từ lúc có điện dồi dào, thay bằng xe mới, dân ta gọi ngay là xe điện. Khu vực phố chợ Bến Thành - ra đời năm 1914, là cột mốc nảy nở nội thành đông vui đầu thế kỷ 20.
Từ Bến Thành có các đường xe điện ra công trường Rigault de Genouilly (Mê Linh) gần Sở Ba Son, ra Phú Nhuận hướng lên Gò Vấp và chạy dọc kinh Tàu Hủ và đại lộ Galliéni (Trần Hưng Đạo) để vào Chợ Lớn - ga chính ngày nay là vị trí khách sạn Đồng Khánh.
Từ cuối thế kỷ 19 sang nửa đầu thế kỷ 20, đồng hành với đường thủy, xe lửa nhỏ và xe điện luôn có đích đến là Chợ Lớn - trung tâm chế biến nông sản và giao thương lớn nhất Nam Kỳ. Khu vực đường Charner (Nguyễn Huệ) và đường Hàm Nghi (La Somme) cũng là nơi đặt đường sắt đô thị từ rất sớm.
Tôi ước rằng chẳng bao lâu nữa dưới ga Bến Thành, Nhà hát và Ba Son và ở những con đường kể trên sẽ có nhiều hình thức quảng bá trực quan về chuyện đời metro và đô thị.
Và tại sao không có những tour lịch sử qua metro? Xin đừng lãng phí lịch sử xưa trong lịch sử nay ngay khi lữ hành trên những phương tiện giao thông hiện đại.
Và rồi, sẽ càng vui hơn nữa khi thế hệ hôm nay thử "đi phượt" hành trình từ metro cổ điển đến metro tân thời, thông qua ký ức lịch sử và trải nghiệm thực tế. Ngoài ra, trong những cuộc "viễn du" nhiều nước xa gần, chúng ta còn có dịp đối sánh với metro Việt Nam.
Những chuyến "đi phượt" lên xuống đặc biệt này sẽ giúp chúng ta tận hưởng tiện nghi lữ hành tiên tiến, đồng thời còn giúp tìm hiểu những biến đổi cảnh quan và đời sống của Sài Gòn và các đại đô thị trong quá khứ và hiện tại. Nào, mời bạn ra ga metro nhanh nhanh nhé!
>> Kỳ tới: Giao tình metro
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận