Ông Lê Quang Vĩnh, phó Văn phòng Trung ương Đảng, trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ về chỉ thị 21 của Ban Bí thư, trong đó quy định cán bộ các cấp mỗi năm chỉ đi nước ngoài tối đa hai lần và không đi nước ngoài theo lời mời của doanh nghiệp, nói rằng: “Cán bộ lãnh đạo đi nước ngoài theo lời mời của doanh nghiệp dễ gây phản cảm và có thể bị hiểu lầm hoặc bị lợi dụng để lobby không lành mạnh”.
Tất nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng chủ động mời và sẵn sàng chi cho cán bộ công quyền đi nước ngoài, mà không hiếm trường hợp cán bộ lợi dụng chức vụ của mình để gợi ý, nhũng nhiễu doanh nghiệp.
Với nhóm sử dụng tiền ngân sách, ông Vĩnh nêu “thực tế có những cá nhân, đơn vị đi nước ngoài quá nhiều, nội dung nghiên cứu trùng lặp, không thiết thực, gây tốn kém tiền của, lãng phí thời gian”. Một cán bộ ngành ngoại giao kể câu chuyện làm bà cảm thấy xấu hổ, rằng vị quan chức chính quyền địa phương ở một nước Tây Âu bày tỏ sự ngạc nhiên là trong hai năm ông đón tiếp ba đoàn cán bộ Việt Nam đến “tham quan, học hỏi” nhưng cả ba đoàn “đều hỏi những câu có nội dung giống hệt nhau”. Có những trường hợp, do tính cơ cấu, thành phần của đoàn đi “tham quan, học hỏi”, mà cũng người ấy lần này đi với tư cách này, lần sau lại đi với tư cách khác...
Chưa có con số thống kê cụ thể và không có công bố chính thức nào về kinh phí hằng năm các đoàn ở các cấp, các ngành đi nước ngoài với các mục đích khác nhau, lại càng không thể biết số tiền doanh nghiệp chi cho quan chức mỗi lần xuất ngoại. Nhưng chắc chắn đó là những khoản chi phí không hề nhỏ. Chi xài bằng tiền trong túi mình, bằng mồ hôi nước mắt của mình làm ra thì mới cân nhắc, chứ chi xài bằng “tiền chùa” thì đâu phải ai cũng tiếc xót.
Câu hỏi đặt ra là chỉ thị của Ban Bí thư đã rất rõ ràng, nhưng có được thực hiện nghiêm túc và triệt để hay không? Ông Vĩnh tin rằng quy định mới sẽ được thực hiện nghiêm “với tinh thần của nghị quyết trung ương 4” và với sự giám sát của nhân dân, báo chí. Có một điều cần lưu ý, lâu nay với các quy định của Đảng và Nhà nước thì việc đi nước ngoài của cán bộ, đảng viên, công chức phải thông qua quy trình, thủ tục xin phép rất chặt chẽ. Không được “cấp có thẩm quyền” chuẩn thuận, cán bộ, công chức khó có thể tự ý đi nước ngoài. Như vậy, chỉ thị của Ban Bí thư có được thực hiện nghiêm hay không, trước hết phụ thuộc vào các cấp có thẩm quyền trong quản lý cán bộ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận