04/06/2016 14:02 GMT+7

“Dị nhân” trên đỉnh Hải Vân

YẾN TRINH -TRƯỜNG TRUNG (yentrinh@tuoitre.com.vn)
YẾN TRINH -TRƯỜNG TRUNG ([email protected])

TTO - Khi nhắc đến ông Lại Thanh Hà - người đã có 27 năm gắn bó với đỉnh đèo này, những người bán hàng lưu niệm trên đèo đều tặc lưỡi: “Chưa thấy ai quái như lão này”.

“Dị nhân” Lại Thanh Hà trên đỉnh Hải Vân - Ảnh: Yến Trinh
“Dị nhân” Lại Thanh Hà trên đỉnh Hải Vân - Ảnh: Yến Trinh

Năm nay 62 tuổi nhưng ông Lại Thanh Hà đã có 27 năm gắn bó với đỉnh đèo Hải Vân. Việc ông đến đây chọn đỉnh đèo làm nơi cư ngụ cũng như việc ông làm và cuộc sống của ông đã biến ông thành một “dị nhân” trong mắt nhiều người.

Còn ông Trần Duy Phương - phó chủ tịch UBND P.Hòa Hiệp Bắc, Q.Liên Chiểu, TP Đà Nẵng - cho biết trong lịch sử phát triển đèo Hải Vân không thể bỏ qua cái tên Lại Thanh Hà và cho rằng người yêu đèo Hải Vân nhất ở khu vực này chính là ông ấy.

Lúc tôi bàn với vợ (lên đỉnh đèo ở), bà phản đối liền, nói tôi điên. Nhưng ý tôi đã quyết. Tôi để cho vợ một căn nhà, căn còn lại tôi bán cái rụp rồi gom hết tiền bạc lên đây

Ông LẠI THANH HÀ

Chuyên tâm vì con đèo

Năm 1989, khi xe cộ còn qua lại ngày đêm trên đỉnh đèo chứ chưa có hầm Hải Vân như bây giờ, “dị nhân” Lại Thanh Hà đã nghĩ đến chuyện lên đỉnh đèo xây nhà vệ sinh phục vụ khách đi đường. Lúc này ông đã có hai căn nhà dưới chân đèo cùng với vợ và hai người con.

Ông vừa kể cho chúng tôi nghe vừa cười sằng sặc: “Lúc tôi bàn với vợ (lên đỉnh đèo ở), bà phản đối liền, nói tôi điên. Nhưng ý tôi đã quyết. Tôi để lại cho vợ một căn nhà, căn còn lại tôi bán cái rụp rồi gom hết tiền bạc lên đây”.

Ngót nửa năm trời chở đất đá vật liệu từ chân đèo lên, cuối cùng hai phòng vệ sinh tươm tất cũng xây xong.

“Cực lắm vì mấy lúc trời mưa phải ngưng, rồi gió mạnh, lại thêm phải đi kiếm bồn cầu từ mấy trụ sở của chính quyền cũ bỏ lại chứ thời đó biết mua ở đâu” - ông nói.

Xây xong, cứ mỗi lượt khách ông lại thu 1.000 đồng để có tiền lo liệu cuộc sống. Rồi dần dà, ông mở được cái quán ven đường bán nước và hàng tạp hóa. Nhà vệ sinh thành miễn phí cho đến nay.

Bà Mắm - biệt danh mà ông gọi vợ - thấy chồng làm ăn nghiêm túc nên cũng theo lên đỉnh đèo, sinh thêm một người con gái. Ngày ngày bà bán quán và chăm con, phần ông “chăm” hai phòng vệ sinh.

Rồi thấy khu chóp đèo phía sau nhà vệ sinh có nguy cơ sạt lở do nước mưa trên đỉnh xối xuống, ông liều lĩnh cãi lại ông trời bằng cách đào mương làm đường ống thoát nước. Ông tìm mua ống nhựa loại lớn, bọc thêm bạt dày ở ngoài để cái nắng cháy da trên đỉnh đèo không làm giòn, vỡ ống.

Ông nói: “Ngày nào tôi cũng tay cuốc tay xẻng đào đất tạo rãnh để đặt đường ống vào. Từ đó nước mưa theo ống tuôn xuống chân đèo, đất đai vì vậy mà giữ được”.

“Dị nhân” còn bưng đá đắp một “vạn lý trường thành” men theo khu vực phía sau quán nước để giữ đất. Cứ rảnh lúc nào là ông làm lúc đó. Sợ khách tham quan bất cẩn có thể ngã xuống đèo, ông chở cây từ chân đèo lên quây thành hàng rào.

Ông cũng chẳng nhớ mình làm những việc ấy từ khi nào và mất bao lâu, chỉ biết toàn bộ sức lực đều bỏ ra cho con đèo. Khu vực chóp đèo cao thoai thoải chừng 10m tính từ cái quán cũng được ông cải tạo thành khu cảnh quan “Niceview”.

Bên này là hồ cá với dòng thác mát rượi, bên kia là lối đi với đủ loại hoa cỏ do ông “sưu tập” nhiều nơi đem về trồng, lên cao nữa là những bậc thang do tự tay ông xếp từng viên đá xây nên.

Con trai thứ hai của ông, tên Lại Thăng Long, nói: “Lúc nhỏ xíu tôi đã thấy cha hì hục xây đắp nơi này rồi, ai có cản cũng không nghe. Đến giờ vẫn vậy”.

Lòng tốt với tha nhân

Quốc lộ 1 ngang đèo Hải Vân như con đường thiên lý Bắc - Nam. Từ ngày sống ở đỉnh đèo, Lại Thanh Hà đã không biết bao lần cứu giúp những người lỡ đường, những phu vàng trốn khỏi các hầm vàng ở Quảng Nam.

Đối với ông, hình ảnh những phu vàng thất thểu, chân bước không nổi và hai bàn chân bị nước lẫn kim loại trong những mỏ khai thác làm lở loét có sức ám ảnh lớn.

Ông nói: “Lâu lâu lại có một vài phu vàng đi ngang, có khi họ ghé vào xin nước, xin thức ăn. Chân họ loét tới nỗi dù là đàn ông nhưng đau quá cứ khóc rấm rứt. Ai tội quá thì mình cho ở lại, kiếm việc cho họ làm rồi trả công để họ có đủ tiền đón xe về nhà”.

Trong ngôi nhà tuềnh toàng bằng gỗ, ông Hà cưu mang anh Lâm Văn Kiên - 41 tuổi, quê Lào Cai và coi như con cái trong nhà.

Anh Kiên kể: “Giữa năm 2014, tôi bắt xe vào Sài Gòn để đi Bình Dương làm thuê. Trên người chỉ có cái balô để mấy bộ quần áo, một ít tiền và mảnh giấy ghi số điện thoại của người anh họ. Xe đến Sài Gòn lúc sáng sớm, mệt quá nên tôi ngủ gục bên vệ đường, tỉnh dậy thì cái balô đã bị lấy mất”.

Không cách gì liên lạc với người anh họ, giấy tờ tùy thân cũng mất hết, anh thất thểu hỏi đường ra quốc lộ 1. Xin đi nhờ xe không được, anh lội bộ với ý nghĩ đi được tới đâu hay tới đó.

Anh Kiên nhớ lại: có lúc trên đường đi anh phải lượm bánh mì, củ khoai người ta vứt đi để ăn đỡ đói. Ròng rã một tháng trời anh mới đi ngang đèo Hải Vân đúng lúc ông Hà đang ở trước nhà. Khi biết chuyện và biết anh chẳng có giấy tờ gì trong người, ông vẫn bảo anh ở lại.

“Nếu không gặp bố Hà, có khi tôi đã chết dọc đường vì kiệt sức rồi...”.

Hai năm trôi qua, anh Kiên nhờ làm thuê cho ông Hà đã dành dụm được ít tiền, đợt tết vừa rồi còn đưa ông Hà về quê mình ở Lào Cai chơi. Gia đình anh biết chuyện, cứ cảm ơn ông Hà mãi.

Ông Hà cười xòa: “Lúc tôi cho thằng Kiên vào ở, ai cũng nói tôi liều vì lỡ đâu nó là tội phạm hoặc nghiện ngập trốn trại. Nhưng lúc đó nhìn nó như cái xác, mình không giúp lỡ nó chết thì sao”.

Thành quả lớn nhất của ông Hà là tạo được tiệm bán đồ lưu niệm và thức ăn cho khách du lịch ngang qua con đèo.

Ông mê làm thơ, tính tình gàn dở nên vợ ông đã chính thức chia tay ông từ năm 2005. Khi làm di chúc giao quán lại cho hai con, ông chỉ có thể căn dặn họ tiếp tục giữ cái túi đựng đồ cứu thương để sơ cứu cho khách du lịch bằng xe máy bị trượt té khi chạy ngang đèo.

Từng kinh qua đủ thứ nghề như chăn vịt, thợ xây rồi lái xe, trồng rừng... nên nhắc tới thợ xây là ông đọc ngay một bài thơ, nhắc tới lái xe cũng có ngay bài thơ... Quê quán ở Hà Nam nhưng ước nguyện lớn nhất của ông là khi chết được chôn ở trên đỉnh đèo Hải Vân này.

Nhộn nhịp du khách đến đỉnh đèo Hải Vân dù đã có hầm đường bộ - Ảnh: Yến Trinh
Nhộn nhịp du khách đến đỉnh đèo Hải Vân dù đã có hầm đường bộ - Ảnh: Yến Trinh

Thị trấn du lịch tương lai?

Theo chân “dị nhân”, dần dần những hộ dân khác ở Q.Liên Chiểu cũng lên đây dựng quán buôn bán ngày đêm. Ban đầu chỉ bán nước và thức ăn, chưa có điện nên thắp đèn măngxông. Bây giờ khu này nhộn nhịp như một “thị trấn” nhỏ và Tây balô đến dựng lều ngủ qua đêm bên các sạp hàng.

Xóm bán hàng trên đỉnh đèo Hải Vân có tất cả 13 nóc nhà. Họ có hộ khẩu ở Q.Liên Chiểu, TP Đà Nẵng, dần dần thấy buôn bán được nên rủ nhau lên đỉnh đèo này.

Ông Lê Văn Quang (52 tuổi) kể: “Tụi tôi bán ở đây 25 năm rồi. Hồi trước nơi này có vài người bán thôi, còn hoang vu lắm”.

Còn bà Nguyễn Thị Hai (55 tuổi) làm thuê cho quán Thành Mập 20 năm nay kể nhờ những tháng ngày sống trên đỉnh đèo này mà bà nuôi được bốn đứa con. Bà khoe: nhờ bán hàng cho khách Tây nên bà biết nói 4-5 thứ tiếng nước ngoài...

Theo ông Trần Duy Phương - phó chủ tịch UBND P.Hòa Hiệp Bắc, Q.Liên Chiểu, hiện nay các hộ dân buôn bán đều có giấy cam kết thực hiện văn hóa kinh doanh.

Ông Phương cho biết chính quyền quận tạo mọi điều kiện để các hộ dân làm nhà, làm lán trại để có điều kiện phục vụ tốt hơn cho du khách, chứ về nguyên tắc thì không được xây dựng ở đây.

“Hiện các hộ dân vẫn không có mảnh giấy giắt lưng bởi ở đây không thể cấp sổ đỏ. Không có sổ đỏ các hộ cũng không có giấy phép kinh doanh mà chỉ có giấy chứng nhận do phường cấp để làm căn cứ đảm bảo quyền lợi cho người dân sau này” - ông Phương nói.

Ông Trần Chí Cường, phó giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, nói không gian Hải Vân không chỉ có ý nghĩa về lịch sử, quốc phòng mà còn có tiềm năng lớn trong khai thác du lịch.

Năm 2013, TP đã có quyết định công nhận đỉnh đèo Hải Vân là điểm du lịch địa phương. Tới năm 2015 thì đã có quyết định phê duyệt một số chỉ tiêu cơ bản để đấu thầu khai thác du lịch ở đây.

“Dù đã có hầm đường bộ nhưng tính từ năm 2008-2014 lượng khách lên đèo đã tăng hơn gấp đôi (439.000 lượt), vì thế đòi hỏi phải có sự đầu tư xứng tầm.

TP đã giao trách nhiệm cho chúng tôi kêu gọi đầu tư phát triển du lịch, tìm kiếm nhà thầu và hướng dẫn họ làm các thủ tục cần thiết để trình TP phê duyệt, sớm xây dựng Hải Vân quan thành điểm đến xứng tầm” - ông Cường nói.

YẾN TRINH -TRƯỜNG TRUNG ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên