​Di nguyện người lính trên dặm dài biên giới...

LÊ ĐỨC DỤC 30/07/2015 01:07 GMT+7

TTCT - Trên những cung đường dọc biên cương Tổ quốc, không hoành tráng tượng đồng bia đá, khuôn viên hoa cảnh, tôi gặp không biết bao nhiêu đài hương đơn sơ, những tấm bia khắc tên tuổi liệt sĩ hay chỉ giản dị là những nét vạch thô sơ lên bề mặt của ô vuông đúc bằng ximăng.

Bia trấn ải ở Pha Long (Mường Khương, Lào Cai) - Ảnh: L.Đ.Dục

Mấy năm trước, từ Hà Tiên về Châu Đốc, chạy xe cặp những tuyến kênh, những con lộ mà bên này bên kia biên giới là ruộng đồng liền thửa, tôi dừng lại trước một tấm bia đá tưởng niệm đơn sơ ở vị trí đồn biên phòng Phú Mỹ (địa bàn huyện Giang Thành, Kiên Giang).

Lời khắc trên bia khiến tim tôi thắt lại: “Các bạn thân mến, chúng tôi yêu thương Tổ quốc mình, yêu quý bản thân và yêu thương cả các bạn nữa. Khi kẻ thù xâm lược đến đây, năm 1978, chúng tôi đã không tiếc thân mình, quyết chiến đấu đến hơi thở cuối cùng bảo vệ biên cương Tổ quốc.

Lời nhắn nhủ của chúng tôi cùng các bạn là: Đừng để tên xâm lược nào bén mảng đến đây một lần nữa. Hãy bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ cuộc sống yên lành hạnh phúc của nhân dân. Các liệt sĩ đồn biên phòng Phú Mỹ, năm 1978”.

Chính giữa đài bia là tên tuổi 35 liệt sĩ của đồn, trong đó có 30 liệt sĩ hi sinh vào ngày 17 và 18-5-1978. Trận đánh quyết tử năm ấy, những người lính đồn biên phòng Phú Mỹ đã chống trả với một lực lượng Khmer Đỏ đông gấp nhiều lần, liên lạc bị cắt đứt, không có quân chi viện.

30 người lính của đồn, từ chỉ huy đến cấp dưỡng lập thành đội cảm tử. 12g trưa 18-5-1978, đạn đã bắn đến viên cuối cùng, những chiến sĩ bật lê lên chờ địch. Trận đánh giáp lá cà diễn ra chóng vánh, tất cả những người lính biên phòng Phú Mỹ hi sinh ngay giữa sân đồn. Trên bia, trong danh sách liệt sĩ, tất cả đều quê ở miền Bắc, từ Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên đến Thanh-Nghệ-Tĩnh.

Nhiều thế kỷ trước, cha ông những người lính ấy đã vào đây mở cõi, và sứ mệnh gìn giữ giang sơn ấy được trao lại, nối đời nối kiếp, lẫm liệt như huyết thư di nguyện thiêng liêng, nhắn nhủ hậu thế, khắc lại trên bia hôm nay.

Ở cuối trời ải Bắc, đồn biên phòng Pha Long (Mường Khương, Lào Cai) có dựng một bia đá gọi là “Bia trấn ải” phía trái cổng đồn. Lời khắc hùng thiêng nay vẫn còn sắc nét: “Nguyên Thần Bổn Mệnh giữ núi non. Nam Sơn bốn cõi tựa sách trời định. Thiên thiên nhật nguyệt linh linh ứng. Tuyệt tuyệt long phụng báo quốc an. Bình nhất hà Việt Nam Quốc thổ” (Nguyên Thần được giao sứ mệnh giữ núi non. Núi nam bốn cõi đã định trong sách trời. Đời đời nhật nguyệt linh thiêng ứng nghiệm. Rồng phượng bảo vệ an nguy Tổ quốc. Đất Việt Nam yên bình nhất là ở đây).

Trong trận đánh tháng 2-1979, sau hai ngày bám trụ, bức điện cuối cùng lúc 11g ngày 19-2-1979 từ đồn Pha Long gửi về chỉ huy sở ghi “Chúng tôi đã chiến đấu hết đạn. Xin vĩnh biệt các đồng chí”.

Không có tấm bia trấn ải bề thế như ở Mường Khương, nhưng những ai đi lên cực Tây Tổ quốc, nơi có bản A Pa Chải với điểm ba biên giới: Việt - Lào - Trung đều không thể không dừng lại ở tấm bia trước đồn biên phòng Leng Su Sìn.

Một tấm bia bằng ximăng không thể đơn sơ hơn nữa, vẫn khắc rõ tên tuổi những liệt sĩ Pờ Gia Lồng, Sừng Lù Ky, Sao Chế Lồng, Pờ Quang Tờ... - những người con của chính đất biên ải, lớn lên cùng biên ải và ngã xuống cùng biên ải, nói với chúng ta nhiều hơn về việc chăm lo cho biên giới những tháng ngày này, bởi khi chủ quyền Tổ quốc bị đe dọa, hơn ai hết, những đứa con của núi rừng biên ải sẽ là những người đầu tiên dang tay gìn giữ!

Tháng trước, trở lại Vị Xuyên, cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới khốc liệt nhất ở biên cương phía Bắc từ năm 1984 đến năm 1989 đã diễn ra ở đây. Những “đồi thịt băm”, “lò vôi thế kỷ” là những biệt danh của lính để gọi các cao điểm 685, 772, 1509... nơi hàng ngàn người lính ngã xuống và rất nhiều trong số các liệt sĩ vẫn chưa tìm thấy hài cốt.

Ở đó, dù chưa có một nhà bia khắc tên tuổi những đồng đội cũ, các cựu binh của mặt trận Vị Xuyên tự chung tay dựng cho anh em nằm lại một đài hương, một cái am nhỏ ngay chính trên mái đồi của cao điểm 486, như một nơi chốn cho linh hồn những người lính trú ngụ.

Không đếm hết bao nhiêu nhà bia, bao nhiêu đài hương, bao nhiêu đài tưởng nhớ như vậy đang nằm khắp bìa rừng hẻm núi biên cương. Mỗi địa chỉ là một câu chuyện, một di nguyện, một nhắc nhở cho người còn sống.             

 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận