Công nhân Hy Lạp làm việc tại nhà máy - Ảnh: ec.europa.eu
Theo trang The Guardian (Anh), sau khi vượt xa các quốc gia châu Âu khác về tăng trưởng kinh tế, Hy Lạp - quốc gia từng là tâm điểm của cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất châu lục, đã một lần nữa đi ngược lại xu hướng áp dụng tuần làm việc 48 giờ.
Chính sách mới có hiệu lực từ ngày 1-7. Theo đó, người lao động có thể chọn làm 5 ngày một tuần - mỗi ngày làm thêm 2 tiếng hoặc làm 6 ngày một tuần, hưởng mức lương làm thêm giờ cao hơn 40% lương thông thường.
Chính phủ thân doanh nghiệp của Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis cho biết sáng kiến này là cần thiết do đất nước đang đối mặt với thách thức song song là dân số giảm và thiếu hụt lao động lành nghề.
Trước khi công bố luật mới - một phần của bộ luật lao động được thông qua vào năm ngoái - ông Mitsotakis đã mô tả sự thay đổi nhân khẩu học dự kiến là "quả bom hẹn giờ" với Hy Lạp. Trong một cuộc di cư chưa từng có, ước tính khoảng 500.000 người Hy Lạp trẻ tuổi có trình độ đã rời đất nước kể từ khi cuộc khủng hoảng nợ kéo dài gần một thập kỷ nổ ra vào cuối năm 2009.
"Trọng tâm của luật mới là thân thiện với người lao động, hướng đến tăng trưởng sâu sắc và đưa Hy Lạp sánh ngang với phần còn lại của châu Âu", ông Mitsotakis phát biểu trước khi quốc hội Hy Lạp thông qua luật.
Nhưng phản ứng dữ dội đã diễn ra. Ở một quốc gia hầu như không có truyền thống thanh tra tại nơi làm việc, những người chỉ trích cho rằng cải cách này cuối cùng sẽ gióng lên hồi chuông "báo tử" cho chế độ làm việc 5 ngày/tuần, một phần vì nó cho phép người sử dụng lao động quyết định liệu có cần ngày làm việc ngày thứ 6 hay không.
Nhiều người phản đối cũng chỉ trích cải cách này làm xói mòn các biện pháp bảo vệ pháp lý và lấy đi các quyền lợi đã được thiết lập từ lâu của người lao động.
Ông Akis Sotiropoulos, thành viên Ủy ban điều hành công đoàn viên chức Adedy, cho rằng trong khi hầu hết mọi quốc gia văn minh khác đang áp dụng tuần làm việc 4 ngày, Hy Lạp lại quyết định đi theo hướng khác.
"Trên thực tế, luật mới được thông qua bởi chính phủ cam kết luật mới sẽ tạo ra lợi nhuận ngày càng lớn hơn cho dòng vốn. Năng suất tốt hơn đi kèm với điều kiện làm việc tốt hơn, chất lượng cuộc sống tốt hơn cho người lao động. Song chúng ta đều biết điều đó chỉ tạo ra khi người lao động làm ít giờ hơn chứ không phải nhiều hơn", ông Sotiropoulos nói.
Các chương trình tuần làm việc 4 ngày/tuần đã được thử nghiệm cho thấy năng suất tăng lên. Các nhà nghiên cứu cho hay kết quả này là do mức độ tập trung được cải thiện. Năm 2022, Bỉ đã ban hành luật trao cho nhân viên quyền quyết định làm việc 4 ngày/tuần thay vì 5 ngày như thường lệ mà không bị mất lương. Các chương trình thí điểm tương tự đã được thực hiện ở các quốc gia bao gồm Vương quốc Anh, Đức, Nhật Bản, Nam Phi và Canada.
Theo Eurostat - cơ quan thống kê của EU, người Hy Lạp đang làm việc nhiều thời gian nhất ở châu Âu, trung bình 41 giờ/tuần. Các cuộc khảo sát cũng chứng minh rằng họ được trả lương ít hơn nhiều. Phe đối lập cánh tả thường xuyên chỉ trích rằng điều này chỉ làm trầm trọng thêm tình trạng "chảy máu chất xám".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận