Thói quen "đi ngang về tắt" ăn sâu
Anh Trần Ngọc Tuấn - một người dân quận 1, TP.HCM - cho biết anh thường xuyên chứng kiến cảnh xe máy đi ngược chiều, lấn làn trên tuyến đường Điện Biên Phủ, Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Kể cả lúc không kẹt xe, nhiều người vẫn chọn cách đi sai, "đi tắt" cho nhanh.
"Tôi đi đúng cũng phải nhường đường cho cái sai, nhắc nhở là lập tức bị chửi bới. Như vậy giao thông càng thêm rối loạn, nguy cơ tai nạn giao thông tăng. Không chỉ vậy, ý thức giao thông kém còn làm xấu hình ảnh đô thị Việt Nam trong mắt du khách", anh Tuấn nói.
Bà Nguyễn Thị Minh Sáu (quận Bình Thạnh) nhận định việc người dân đi sai luật xuất phát từ ý thức kém, thói "đi ngang về tắt" đã ăn sâu. Các cơ quan chức năng cần tập trung hơn vào nâng cao ý thức người dân thông qua biện pháp xử lý mạnh tay, phạt nguội, tịch thu bằng lái khi tái phạm nhiều lần.
Bên cạnh đó, chính quyền phải tính toán cải thiện hạ tầng giao thông, mở rộng đường sá đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng nhiều của dân. Đồng thời xem xét lại việc tổ chức giao thông, điều tiết, phân luồng hợp lý để hạn chế tình trạng đi sai, ùn tắc.
Giải pháp nào?
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết tình trạng người dân đi ngược chiều, lấn làn, vượt đèn đỏ... gây mất an toàn giao thông tại nhiều tuyến đường. Để giải quyết, các đơn vị đang phối hợp triển khai giải pháp chấn chỉnh ý thức người dân, phát triển hạ tầng giao thông.
Trước đó, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã có văn bản gửi Công an TP.HCM yêu cầu xử lý nghiêm các trường hợp cố tình đi ngược chiều, sai làn trên tuyến Điện Biên Phủ, Phạm Văn Đồng, Huỳnh Khương Ninh, Trường Chinh... nhằm nâng cao ý thức của người tham gia giao thông trên địa bàn TP.HCM.
Trả lời câu hỏi về tổ chức, phân luồng giao thông ở những đường lớn như Điện Biên Phủ, Phạm Văn Đồng đã hợp lý chưa, vị này cho biết các đơn vị theo dõi chặt chẽ tình hình giao thông trên từng tuyến đường để tổ chức giao thông khoa học, phù hợp nhất.
Trong một số trường hợp có thể thay đổi dải phân cách, điều chỉnh số giây đèn tín hiệu giao thông, bổ sung biển báo... Tuy nhiên phương án tổ chức giao thông tại một khu vực phụ thuộc vào nhiều yếu tố, phải đảm bảo tính khoa học, phù hợp nhất. Trước khi thực hiện còn lấy ý kiến các bên, chạy thử mô phỏng...
Tới đây, Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ TP.HCM (Sở Giao thông vận tải) tiếp tục giám sát tình trạng giao thông và chỉ điều chỉnh tổ chức giao thông khi cần thiết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận