
Đi ngủ muộn có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ sâu - Ảnh do AI tạo
Theo bác sĩ thần kinh học người Mỹ, đồng thời là chuyên gia về giấc ngủ Christopher Winter, thói quen đi ngủ muộn không hẳn là vấn đề quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, đây có thể là dấu hiệu cho thấy chu kỳ giấc ngủ của bạn đang gặp vấn đề.
Khoa học nói gì về việc đi ngủ sau nửa đêm?
Theo Yahoo Life, không có quy tắc chung nào bắt buộc người trưởng thành phải đi ngủ vào một thời điểm cố định, nhưng rất nhiều lời khuyên nói rằng bạn nên ngủ trước nửa đêm. Lý do là vì đi ngủ muộn có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ sâu, cũng như nhiều nguy cơ sức khỏe khác.
Một nghiên cứu được công bố trên JAMA Network Open đã phân tích dữ liệu từ gần 1.200 người và phát hiện rằng những người thường xuyên ngủ sau nửa đêm có sự dao động chỉ số đường huyết cao hơn.
Các tác giả nghiên cứu lưu ý rằng đây là yếu tố rủi ro dẫn đến các bệnh mãn tính và tử vong sớm. Vì vậy, họ bắt đầu đặt câu hỏi, liệu ngủ sau nửa đêm có làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hay không?
Việc ngủ muộn cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần. Một nghiên cứu năm 2024 được công bố trên tạp chí Psychiatric Research cho thấy những người đi ngủ sau 1h sáng có nguy cơ mắc trầm cảm và rối loạn lo âu cao hơn, bất kể họ là người có xu hướng hoạt động vào buổi sáng hay buổi tối.
Một số nghiên cứu trước đó cũng liên hệ thói quen đi ngủ muộn với tuổi thọ ngắn hơn và nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe như tiểu đường hay rối loạn tâm lý cao hơn.
Cơ thể bạn sẽ ra sao nếu ngủ sau nửa đêm?
Nếu bạn thường xuyên ngủ sau nửa đêm nhưng không cần thức dậy sớm vào sáng hôm sau, thì giờ ngủ có thể không phải là vấn đề.
Theo chuyên gia giấc ngủ Jade Wu, tác giả cuốn sách Hello Sleep: The Science and Art of Overcoming Insomnia Without Medications (tạm dịch: Xin chào giấc ngủ: Khoa học và nghệ thuật khắc phục chứng mất ngủ mà không cần dùng thuốc), mốc thời gian 12h đêm không có gì đặc biệt.
Tuy nhiên, Wu cho biết việc đi ngủ muộn ảnh hưởng đến nhiều yếu tố khác như thời gian sinh học của bạn (chronotype), thời điểm bạn thức dậy, lượng giấc ngủ bạn cần, những gì bạn làm vào ban ngày và ban đêm, cũng như sự ổn định của giờ ngủ.
Theo bác sĩ Beth Malow, giám đốc chuyên khoa giấc ngủ tại Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt (Mỹ), nhịp sinh học tự nhiên của con người thường hướng đến việc ngủ trước nửa đêm.
Đi ngủ muộn cũng có thể làm gián đoạn giấc ngủ sâu. Bác sĩ Winter giải thích giấc ngủ sâu chủ yếu diễn ra trong một đến hai giờ đầu sau khi ngủ, thường rơi vào khoảng 10h tối đến 12h đêm. Nếu ngủ sau nửa đêm, bạn có thể bỏ lỡ phần lớn giấc ngủ sâu này.
Giai đoạn giấc ngủ này là lúc hormone tăng trưởng và một số hóa chất quan trọng khác được tiết ra. Nếu thiếu giấc ngủ sâu, lượng hormone cortisol - hormone gây căng thẳng có thể tăng lên, làm ảnh hưởng đến đường huyết và tâm trạng của bạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận