29/06/2022 11:34 GMT+7

Đi ngắm áo vua quan triều Nguyễn

THÁI LỘC
THÁI LỘC

TTO - Triển lãm gồm 11 chiếc áo của hoàng đế, hoàng thái hậu, các bậc quan lại, thái giám cận vệ và cung nữ... Chủ sở hữu là nhà sưu tầm cổ vật Nguyễn Hữu Hoàng ở Huế.

Đi ngắm áo vua quan triều Nguyễn - Ảnh 1.

Áo hoàng thái hậu xưa - Ảnh: THÁI LỘC

"Sưu tập được một bộ trang phục xưa phong phú và hoàn hảo đến mức như vậy, đối với tôi là ngoài sức tưởng tượng" - tác giả sách Đại lễ phục Việt Nam thời Nguyễn, nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đình Sơn thốt lên như vậy sau khi xem cuộc triển lãm Chế độ y quan triều Nguyễn (*) tại Festival Huế 2022.

Triển lãm gồm 11 chiếc áo của hoàng đế, hoàng thái hậu, các bậc quan lại, thái giám cận vệ và cung nữ... Chủ sở hữu là nhà sưu tầm cổ vật Nguyễn Hữu Hoàng ở Huế.

Quá quý hiếm

Bảo tàng Mỹ thuật Huế ven bờ sông Hương kể từ lúc triển lãm Chế độ y quan triều Nguyễn (khai mạc chiều 27-6) có rất đông công chúng và nhà chuyên môn về văn hóa, mỹ thuật và thời trang ghé thăm. 

Hầu hết mọi người đều trầm trồ, vì đây là dịp rất hiếm hoi được tận mắt chiêm ngưỡng hệ thống trang phục thời Nguyễn nguyên bản, được xem phong phú bậc nhất về "chủng loại" so với trong các cuộc triển lãm trang phục "xịn sò" từ trước đến nay.

Quý giá, tuyệt đẹp nhất và hoàn hảo bậc nhất vẫn là chiếc áo của hoàng đế tay hẹp bằng lụa: sắc chính hoàng (dành cho bậc hoàng đế), dệt cài hoa chữ "thọ" và bát bửu điểm xuyết hoa văn mây... Cạnh bên là chiếc mãng bào màu "cổ đồng" nhạt, dệt cài hoa hình rồng, mây, bát bửu và thủy ba ở gấu áo... 

Đây được xem là chiếc áo cực hiếm, là phẩm phục nhất đẳng thị vệ duy nhất còn lại cho đến thời điểm hiện tại; tà áo trước và sau xẻ giữa, được diễn giải phù hợp với các thao tác di chuyển của võ quan.

Đi ngắm áo vua quan triều Nguyễn - Ảnh 2.

Áo cung nữ xưa

Sự quý hiếm không kém phần là chiếc mãng bào màu "cổ đồng" dệt cài hoa thêu "tứ linh": long, lân, quy, phượng và bát bửu, thủy ba... Áo dành cho quan có phẩm cấp cao nhất trong hàng quan lại: trên nhất phẩm. 

Đặc biệt là khổ áo rất lớn, một vị đại thần phải cao từ 1,8m trở lên mới mặc vừa. Ngoài ra, còn có áo dành cho hoàng thái hậu, áo cung nữ, áo của nhiều cấp quan lại, cả thường phục lẫn lễ phục...

Khi xem qua cuộc triển lãm, nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn cho rằng: có đến hàng loạt lý do để hết sức nâng niu, trân quý, cảm phục lẫn khuyến khích người sưu tầm và gìn giữ bộ sưu tập vô cùng quý hiếm này. 

Ông bày tỏ: "Cuộc triển lãm toàn trang phục cổ, nguyên bản đến như vậy là quá hoàn hảo, quá đẹp; cho đến nay tôi chưa thấy có bộ sưu tập nào đầy đủ đến vậy".

Theo ông Sơn, "khả năng trang phục xưa còn lại không quá 1 phần trăm đâu" vì nhiều lý do: Nhiều gia đình xưa thường đem áo mão để liệm (hoặc đốt) chủ nhân trong lễ tang. 

Những gia đình quyết định lưu lại làm kỷ niệm thường xếp cất trong tủ thờ, nhà có điều kiện thì để trong hộp gỗ tốt, rắc tiêu chống côn trùng phá hoại, mỗi năm đem ra phơi một lần rồi cất lại... 

Nhưng tình trạng bảo quản ấy chẳng thể chống đỡ nổi trước sự phá hoại của thời gian, ẩm mốc và đám côn trùng. Hậu duệ thường quyết định đem đốt khi bị mục mủn, rách nát. Trang phục xưa còn lại đến ngày nay, vì vậy, vô cùng ít, tình trạng vẹn nguyên như ở triển lãm này càng hiếm có.

Đi ngắm áo vua quan triều Nguyễn - Ảnh 3.

Nhà sưu tầm Nguyễn Hữu Hoàng và chiếc áo hoàng đế nhà Nguyễn

Những điều kỳ lạ

Cùng với 11 chiếc áo nguyên bản, cuộc triển lãm còn có những tư liệu Hán Nôm, những hình ảnh triều đình, cuộc sống hoàng gia lẫn quan lại ngày xưa và trang phục thể hiện rõ trong đó. Đặc biệt nhất là hệ thống hơn 50 châu bản (văn bản có thủ bút của hoàng đế) liên quan đến chính sách trang phục thời Nguyễn lần đầu được công bố.

Khi tiếp xúc với nhà sưu tầm cổ vật Nguyễn Hữu Hoàng, chủ sở hữu những chiếc áo, chúng tôi mới vỡ lẽ: những điều thú vị nhất và hấp dẫn nhất của bộ sưu tập lại chưa có điều kiện được đề cập trong cuộc triển lãm này. 

Ông nói: "Hầu hết những chiếc áo này đều được tôi mua ở vùng Lìa thuộc huyện miền núi Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, giáp biên giới Việt - Lào trong hàng chục năm qua! Cho đến nay, sự tồn tại ở khu vực này với tôi vẫn hết sức kỳ lạ". 

Kỳ lạ không kém phần chính là cách thức cất giữ của người dân tộc thiểu số nơi đây: hầu hết áo được gói trong túi nilông, bỏ trong gùi, gác trên sàn cao, nơi luôn có khói ám... Có lẽ nhờ vậy mà áo còn vẹn nguyên sau rất nhiều năm tồn tại.

Riêng chiếc áo vua, ông Hoàng mua được từ một gia đình người Vân Kiều sau khi theo đuổi cả chục năm trời. Ban đầu ông kết nối, uống rượu với những thanh niên bản địa, họ bảo: "Nhà ông S. có cái áo vàng thêu chi chít, hắn cất kỹ lắm". 

Đến hỏi mua nhiều lần trong nhiều năm liền, gia đình không chịu bán. Về sau nhờ một người quen thuyết phục, ông Hoàng mới mua được với giá cao ngất...

Mỗi chiếc áo từng gắn liền với một gia đình, một dòng họ người thiểu số Vân Kiều, Pa Cô ở vùng biên giới này với bao nhiêu dấu ấn, câu chuyện đã đành. Chuyện người mua lặn lội, đeo đuổi trong nhiều năm trời, vượt những thủ tục "trần ai" và những mối nguy hiểm, nếu được kể sẽ trở thành những câu chuyện hấp dẫn, cuốn hút lắm.

Trong số đông đảo người xem, một nhà thiết kế thời trang quay phim, chụp hình và quan sát rất kỹ lưỡng từng chiếc áo. Anh nói với tôi: "Xưa nay nghiên cứu trang phục cổ chủ yếu qua ảnh chụp hay tranh, tượng điêu khắc... Nay được trực tiếp xem tận mắt, làm tư liệu theo ý mình, quý vô cùng và hiếm có vô cùng!". 

Nhà sưu tầm Nguyễn Hữu Hoàng thì chia sẻ: "Sưu tầm trang phục cổ, với tôi, thú vị ở chỗ đây là loại cổ vật quý hiếm bậc nhất, vừa có giá trị vật chất lẫn giá trị văn hóa lịch sử... 

Và bạn thấy đó, mỗi lần trưng bày như thế này, nó quá lộng lẫy, sang trọng, rất vừa ý. Cứ nhìn người xem trong trạng thái thích thú như thế kia, tôi càng vừa ý hơn".

"Với tôi, đây là dịp rất hiếm hoi để trực quan về phẩm phục, triều phục, quan phục, thường phục, quốc phục; thông qua triển lãm này, giải thích được cho mọi người hiểu về điều đó" - nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đình Sơn.

************

(*)Triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật Huế đến ngày 7-7, miễn vé vào xem.

Đến bảo tàng Lịch sử TP.HCM xem áo vua, hoàng hậu, cung phi Đến bảo tàng Lịch sử TP.HCM xem áo vua, hoàng hậu, cung phi

TTO - Triển lãm Vàng son nhung gấm - Trang phục cung đình triều Nguyễn vừa khai mạc sáng 21-12 tại bảo tàng Lịch sử TP.HCM (số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1), giới thiệu 70 hiện vật gồm trang phục và đồ trang sức.

THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên