29/12/2017 11:36 GMT+7

Đi mua nợ, coi chừng gặp rủi ro khó lường

TÂM LỤA
TÂM LỤA

TTO - Thay vì khởi kiện ra tòa hoặc chuyển các cơ quan thi hành án để thu hồi nợ, nhiều người lại rao bán quyền đòi nợ cho người khác và dễ gặp rủi ro không lường trước.

Hiện nay có rất nhiều hình thức mua bán, chuyển nhượng quyền đòi nợ. Ngoài các công ty được cấp phép mua bán nợ xấu của các tổ chức tín dụng, hoạt động chuyển nhượng quyền đòi nợ phát sinh từ các giao dịch dân sự cũng vô cùng đa dạng. 

Phổ biến nhất là sau khi có bản án của tòa tuyên một công ty (hoặc cá nhân) phải trả nợ cho công ty khác thì bên được đòi nợ chuyển nhượng ngay cho một đơn vị khác để thu hồi một số tiền thường thấp hơn số tiền mà tòa tuyên.

"Bán lúa non"

Đầu tháng 12, một luật sư đăng trên diễn đàn của những người hành nghề luật để rao bán quyền đòi nợ. 

Bên bán là công ty A tại Cần Thơ. Công ty A khởi kiện công ty X ở Thanh Hóa để đòi khoản nợ 892 triệu đồng. TAND TP Cần Thơ tuyên công ty X phải trả cho công ty A khoản nợ nói trên. 

Sau khi bản án có hiệu lực, do không muốn chờ thi hành án và không muốn trực tiếp đi đòi nợ, công ty A nhờ luật sư rao bán quyền đòi nợ với giá trị chuyển nhượng là 510 triệu đồng.

Chỉ sau mấy giờ rao bán trên Facebook, một công ty ở Hà Nội nhận chuyển nhượng quyền đòi nợ của công ty A với giá 500 triệu đồng. 

Bên bán và bên mua ký hợp đồng chuyển nhượng quyền đòi nợ và hợp đồng ủy quyền. Cả hai giấy tờ này đều ghi rõ bên nhận ủy quyền của công ty A được toàn quyền sở hữu số tiền sau khi đòi được.

Luật sư Trần Sơn Đông (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết ngoài việc mua bán món nợ mà giá trị được quy định trong bản án, có trường hợp dù chưa khởi kiện ra tòa nhưng vẫn đem bán quyền đòi nợ của mình. 

Quyền đòi nợ này được chứng minh bằng các giấy tờ viết tay, hợp đồng vay mượn tài sản. Cá biệt hơn, có phiên tòa tranh chấp hợp đồng vay tài sản mới xử xong sơ thẩm, đang trong giai đoạn chuẩn bị xử phúc thẩm nhưng bên thắng kiện vẫn bán món nợ cho bên thứ ba. 

Trong trường hợp này, bên thắng kiện sẽ làm hợp đồng ủy quyền để bên mua được thay mặt bên bán tham gia tố tụng ở phiên phúc thẩm.

"Việc chuyển nhượng quyền đòi nợ xuất phát từ việc nhiều chủ nợ cân nhắc giữa chi phí đi đòi nợ và giá bán khoản nợ. Nếu bán quyền đòi nợ sẽ không tốn chi phí phát sinh. Điều đáng nói là việc đòi nợ được hay không còn tùy thuộc rất nhiều vào vị thế người đi đòi. Đây là vấn đề pháp lý cần phải lưu ý" - luật sư Trần Sơn Đông cho biết.

Thực tế cho thấy có trường hợp người khởi kiện tranh chấp quyền sử dụng đất với giá trị mảnh đất khoảng 1 tỉ đồng. 

Ở phiên sơ thẩm, nguyên đơn thắng kiện nên sau đó tiến hành các thủ tục "bán" quyền đòi mảnh đất này cho người khác với giá 700 triệu đồng. 

Người mua trả trước 400 triệu đồng, được ủy quyền tham gia tố tụng ở phiên phúc thẩm. Họ thỏa thuận sau khi thắng kiện ở phiên phúc thẩm sẽ thanh toán nốt số tiền 300 triệu đồng. 

Tuy nhiên đến phiên phúc thẩm, nguyên đơn lại bất ngờ bị thua kiện. Lúc này người mua nợ không đồng ý trả 300 triệu đồng, còn đòi lại 400 triệu đồng đã thanh toán. Từ đó các bên lại vướng vào những tranh chấp khác rắc rối hơn.

Nhiều rủi ro khi mua nợ

Các vấn đề liên quan đến việc mua bán quyền đòi nợ được quy định tại Bộ luật dân sự. Theo các chuyên gia, đây là quyền đòi nợ không tồn tại một cách hữu hình như vật và tiền mà được thể hiện thông qua các giấy tờ chứng minh như bản án của tòa, giấy vay nhận nợ. Pháp luật chưa có quy định rõ ràng về việc này nên rất dễ xảy ra tranh chấp.

Đề cập đến chuyện mua bán nợ, luật sư Nguyễn Tri Thắng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp tại TP.HCM - thẳng thắn cảnh báo: Không nên mua bán các khoản nợ là giao dịch dân sự. 

"Các khoản nợ là tranh chấp. Mà đã là tranh chấp thì đều có nhiều kẽ hở. Người bán thường "bán lúa non", người mua thì mua tài sản chưa rạch ròi. Đây thường là những khoản nợ mà thi hành án xác minh không ra, giải quyết mất lệ phí, thu đòi tài sản kéo dài", ông Thắng giải thích. 

Ông Thắng cho biết hiện nay việc mua bán nợ còn bị biến tướng dưới dạng mua rồi thuê lại người khác đòi nợ giùm. Người đi đòi nợ thuê thường là người "có quan hệ" hoặc "có máu mặt". 

Họ sẽ gọi điện hoặc gặp mặt đe dọa, gây áp lực buộc con nợ phải trả nợ. Hành vi này rất dễ bị xử lý hình sự về tội đe dọa giết người hoặc cố ý gây thương tích.

Cẩn trọng khi quyết định mua nợ

Luật sư Trần Sơn Đông (Đoàn luật sư TP.HCM):

Mỗi hồ sơ vụ việc vay nhận nợ đều có trục trặc khác nhau, bên mua cần hết sức thận trọng.

Người mua quyền đòi nợ dễ gặp rủi ro mà rủi ro lớn nhất là họ đi đòi nợ không được.

Đó là chưa kể có khi bên bán - bên mua lại tranh chấp nhau bởi không thỏa thuận rõ ràng ngay.

Để tránh rủi ro khi mua quyền đòi nợ, cần tìm hiểu kỹ các thông tin cơ bản như: người nợ là ai, công ty lớn hay nhỏ, công ty đó có nợ thuế, nợ doanh nghiệp hoặc nợ ngân hàng nào khác nữa không...

Ông Nguyễn Văn Quang (thừa phát lại TP Hà Nội):

Người nhận ủy quyền đòi nợ hoặc mua lại quyền đòi nợ khi nhìn trên giấy tờ thì không thấy rủi ro. Nhưng con nợ có trăm mưu ngàn kế đối phó.

Có khi mua thì tài sản đảm bảo cho việc trả nợ vẫn còn đó, khi mua xong thì con nợ lại tẩu tán mà người mua không biết. Cần xem xét, thẩm định và xác minh kỹ thực tế tài sản.

Cũng cần tính đến việc mua quyền đòi nợ với giá thấp, cứ nghĩ đòi xong sẽ có lãi nhưng thực tế đòi nợ lại phát sinh hàng trăm chi phí không lường trước được.

TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên