13/12/2018 09:02 GMT+7

Đi máy bay, đừng để bất ngờ mất tiền vì phí hàng không

CÔNG TRUNG
CÔNG TRUNG

TTO - Vì sao giá máy bay hiển thị trên web là 2,8 triệu đồng nhưng khách phải thanh toán 3,4 triệu? Vì sao mang hành lý quá 7kg phải đóng thêm 500.000 đồng nếu không thì... khỏi bay?

Đi máy bay, đừng để bất ngờ mất tiền vì phí hàng không - Ảnh 1.

Hành khách làm thủ tục gửi hành lý tại quầy check-in - Ảnh: C.TRUNG

Sau Jetstar Pacific, Vietjet Air cũng vừa áp dụng chính sách siết hành lý xách tay tại cửa khởi hành.

Đừng cố tranh thủ mang vượt 7kg

Vừa qua, hành khách V.T.T.T. (49 tuổi, trú quận Ba Đình, Hà Nội) khi đang làm thủ tục lên chuyến bay BL 813 của Jetstar Pacific thì chị và một người đi cùng được nhân viên mặt đất của hãng yêu cầu kiểm tra vì mang hành lý vượt quy định. 

Hai bên đã xảy ra tranh cãi, kéo dài 30 phút vì chị T. không đồng ý đóng thêm 500.000 đồng khi lượng hành lý xách tay của chị lên tới 18kg, trong khi quy định của hãng chỉ cho phép mang 7kg. Kết quả, 2 hành khách này lỡ chuyến bay.

Theo các đại lý, hai hãng Vietjet Air và Jetstar Pacific vừa áp dụng chính sách siết hành lý xách tay tại cửa khởi hành, theo đó nếu hành khách mang quá 7kg thì phải chọn một trong hai phương án: đóng phí quá cước là 500.000 - 550.000 đồng (tối đa 15kg) đối với hành trình quốc nội hoặc... khỏi bay vì sẽ không có quyền bỏ lại hành lý thừa ký như lúc làm thủ tục ký gửi ở quầy checkin. 

Với hành lý xách tay 7kg, mỗi khách có một kiện hành lý tính riêng, không được cộng dồn, bù trừ với nhóm đi cùng.

Các đại lý bán vé máy bay cho biết mức phí hành lý quá cước của các hãng thu tại quầy làm thủ tục ở quốc nội nằm trong khoảng 360.000 đồng, quốc tế là 750.000 đồng. 

Còn hành lý quá cước ở khu vực ra cửa sân bay ở ga quốc nội từ 500.000 đồng, quốc tế 1 triệu đồng.

Chị Hằng - một chủ đại lý bán vé máy bay tại TP.HCM - cho biết với việc siết chặt quy định của một số hãng hàng không, các đại lý đã tăng cường tư vấn kỹ cho khách. 

Theo chị Hằng, nếu hành lý xách tay vượt mức quy định, nên mua phí hành lý ngay khi làm thủ tục sẽ tránh mức phí cao hơn (so với khi ra đến khu vực cửa lên máy bay). 

Quy định của các hãng bay mỗi hành khách được mang theo hành lý xách tay cân nặng tối đa 7kg và theo kích thước 56cm (cao) x 36cm (rộng) x 23cm (sâu).

Vì sao giá vé web 2,8 triệu, nhưng phải trả 3,4 triệu?

Nhiều hành khách bất ngờ khi làm thủ tục mua vé thấy giá cứ đội lên. Lý do là hãng bay mặc định chọn trước các dịch vụ như phí hành lý, phí bảo hiểm...

Như chị Nguyễn Thị Thùy Dương (TP.HCM) đặt vé từ Sài Gòn - Hà Nội ngày 14-12 của Vietjet Air. Giá vé ban đầu hiển thị 2,8 triệu nhưng khi chọn điền thông tin hành khách, địa chỉ, email... để xuất vé thì số tiền tăng vọt lên 3,4 triệu đồng. 

Bước tiếp theo hiển thị chọn chỗ ngồi, hành lý để vào trang thanh toán, số tiền cần trả có thể còn tăng tiếp.

Ghi nhận trên website của Vietjet Air, khi đặt vé hãng đã mặc định chọn trước gói hành lý 20kg với giá 160.000 đồng và 59.000 đồng bảo hiểm du lịch. 

Tương tự, Jetstar Pacific cũng mặc định khách là 25kg hành lý với giá 245.000 đồng với dòng chữ tiết kiệm hơn 69% giá tại sân bay và cũng tự động chọn thêm chỗ ngồi với giá 30.000 đồng/khách, và 55.000 đồng phí bảo hiểm du lịch "chúng tôi đã chọn trước bảo hiểm du lịch cho quý khách". 

Còn Vietnam Airlines thu phí bảo hiểm du lịch cao hơn với mức thu 88.000 đồng/vé. 

Các đại lý khuyến cáo hành khách cần đọc kỹ, muốn bỏ một số chi phí phải thêm thao tác kích chuột vào mục không lựa chọn dịch vụ này mới được hủy.

Anh Hưng, chủ một đại lý vé máy bay tại Nha Trang, khuyến cáo nhiều khách hàng lo hết vé dịp tết hoặc tranh thủ canh giờ mua vé máy bay giá rẻ, nên khi chọn mua không kịp chú ý đến các phí mặc định và hành lý. Vì vậy, cần đọc kỹ trước khi ấn nút mua.

Trả lời về ý kiến cho rằng các chi phí "mặc định" trên hệ thống dễ "đánh lừa" khách hàng chưa quen đi máy bay hoặc không đọc kỹ, đại diện một hãng bay cho biết đã có những thông tin rõ ở các mục để khách hàng thấy, nếu không có nhu cầu khách hàng có thể bỏ chọn vào mục này.

Với các hãng hàng không quốc tế, phí hành lý được chia làm nhiều mức. Mức rẻ nhất là lúc khách hàng đặt vé.

Sau khi mua vé xong, nếu vài ngày sau mới mua phí hành lý, mức giá sẽ tăng và tăng dần lên mức cao nhất là đặt vé tại quầy, đồng thời bị hạn chế trọng lượng.

Riêng hành lý quá cước được áp dụng theo mức phí tại sân bay đến. Điển hình như Air Asia, mức phí hành lý quá cước tại Việt Nam có giá 15 USD/kg (khoảng 360.000 đồng).

TTO - Vietjet Air và Jetstar Pacific siết chuyện hành lý xách tay quá quy định, vì thế có những hành khách xách thêm 2kg chả bò giá 340.000 phải đóng thêm 500.000-550.000 đồng. Vì sao?

CÔNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên