19/01/2019 09:54 GMT+7

Đi lễ hội phải... tranh cướp đến tả tơi mới là thăng hoa?

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Nhiều ý kiến cho rằng lễ hội thì phải “tả tơi”, nhà quản lý nên tôn trọng quyền được “thăng hoa” của dân, đừng đòi hỏi lễ hội phải quá trật tự.

Đi lễ hội phải... tranh cướp đến tả tơi mới là thăng hoa? - Ảnh 1.

Tỉnh Phú Thọ đang phân vân giữa hai phương án diễn cướp phết hay cho dân cướp phết như truyền thống - Ảnh: NAM TRẦN

Đến lễ hội có người đóng bộ complê, cà vạt, người xăm trổ đầy mình... Đòi lễ hội phải tuyệt đối trật tự thì ngay cả khi Bộ VH-TT&DL mỗi tháng họp giao ban một lần về công tác quản lý lễ hội cũng không thể làm được.

Ông Phạm Xuân Phúc (phó chánh thanh tra Bộ VH-TT&DL)

Các ý kiến trên được nêu ra tại hội nghị triển khai công tác quản lý, tổ chức năm 2019 được Bộ VH-TT&DL tổ chức chiều 18-1 ở Hà Nội.

Vui xem hát, nhạt xem bơi, tả tơi xem hội

PGS.TS Nguyễn Thị Phương Châm - phó viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa (Viện hàn lâm Khoa học xã hội VN) - cho biết muôn đời phải có tranh cướp, chen lấn, xô đẩy... Bởi bản chất của lễ hội là như vậy.

"Lễ hội, từ trong truyền thống là tả tơi. Các cụ đã có câu: "Vui xem hát, nhạt xem bơi, tả tơi xem hội" là vì thế. Nếu chúng ta thừa nhận với nhau rằng lễ hội là sự thăng hoa của cộng đồng và đó là một giá trị của lễ hội, chúng ta phải chấp nhận lễ hội có sự va chạm, chen lấn" - bà Phương Châm nói.

Bởi vậy, bà cho rằng nên chăng các nhà quản lý cần khuyến khích những khoảnh khắc thăng hoa trong lễ hội, và chỉ cần giữ sự thăng hoa ấy trong tầm kiểm soát, "thăng nhưng không thăng quá". Theo bà Phương Châm, đây mới là nhiệm vụ của ngành văn hóa chứ không phải ra sức loại bỏ sự chen lấn, hỗn độn trong các lễ hội.

Ý kiến này của bà Phương Châm cũng nhận được sự đồng tình của ông Phạm Xuân Phúc - phó chánh thanh tra Bộ VH-TT&DL.

Từ kinh nghiệm của người làm công tác thanh tra văn hóa, thanh tra lễ hội, ông Phúc phân tích: nhà quản lý không kiểm soát được số lượng người đến lễ hội. Càng không thể chọn được thành phần dân chúng đến lễ hội.

Người đến lễ hội rất đa dạng, tuổi tác khác nhau, dân trí khác nhau, mục đích đến lễ hội cũng mỗi người mỗi khác... thì không thể đòi lễ hội phải là một hoạt động ngay ngắn, trật tự, không có tì vết.

Ở góc độ cán bộ địa phương, đại diện Sở VH-TT&DL Phú Thọ cũng gửi gắm tới hội nghị ước nguyện của người dân với lễ hội cướp phết.

Vị này nói rằng người dân vẫn mong muốn được cướp phết trong lễ hội chứ không phải chỉ là diễn nghi lễ này. Tuy nhiên, vị đại diện này cho biết tỉnh vẫn đang phân vân giữa hai phương án diễn cướp phết hay cho dân cướp phết như truyền thống.

Nhiều ý kiến từ các nhà quản lý văn hóa địa phương cũng có chung chia sẻ này.

"Làm gì có lễ hội phản cảm"

Về tình trạng "bạo lực" ở một số lễ hội mà dư luận mấy năm gần đây than phiền, TS Nguyễn Thị Phương Châm phê phán báo chí đã "chỉ viết về cái ngọn của lễ hội mà không chạm được vào cái gốc của lễ hội", "viết về lễ hội mà không hiểu gì về lễ hội".

Bà Phương Châm nói chẳng có lễ hội nào là phản cảm, chỉ có báo chí sử dụng từ ngữ thiếu thận trọng.

"Làm gì có lễ hội phản cảm, chỉ có thể có một số hành vi, lễ thức trong một lễ hội nào đó mang tính chất không thuận mắt một số người thôi".

Bà Phương Châm cũng bức xúc khi báo chí đã thay tên lễ hội Ném Thượng thành lễ hội... chém lợn. Thực tế theo bà, không có lễ hội nào có tên lễ hội chém lợn, mà chém lợn chỉ là một nghi lễ trong toàn bộ lễ hội.

Tương tự, văn hóa Tây Nguyên không hề có lễ hội nào gọi là lễ hội đâm trâu như báo chí gọi tên, đâm trâu là nghi thức trong cả diễn trình của một lễ hội.

Bà Phương Châm hoàn toàn phản đối chuyện "dán nhãn" lễ hội phản cảm đối với những lễ hội dân gian này. Ngược lại, bà cho rằng đó chính là đặc sắc văn hóa, là đa dạng văn hóa, là tài sản đáng thèm khát với nhiều nước khác.

"Các lễ hội chỉ hay khi chúng khác nhau, khi đảm bảo tính đa dạng. Còn nếu chúng ta nặng hành chính hóa, nặng quản lý với các lễ hội thì dần dần một thời gian sau, tất cả các lễ hội sẽ y hệt như nhau. Chúng ta quản lý thế nào thì quản lý nhưng nếu để mất đi bản sắc riêng của những lễ hội thì đó là chúng ta thất bại" - bà Phương Châm nói.

Cần sắp xếp, tổ chức lại các loại lễ hội

TTO - Theo số liệu của Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, cả nước hiện có 7.966 lễ hội, gồm 7.039 lễ hội dân gian truyền thống, 544 lễ hội tôn giáo, 332 lễ hội lịch sử - cách mạng, 30 lễ hội của nước ngoài...

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên