41 lao động trong chương trình hợp tác giữa TP Yeongju và tỉnh Quảng Bình được đào tạo các kỹ năng trước khi sang nước bạn - Ảnh: NAM PHONG
Dư luận địa phương bất bình vì chuyện này sẽ ảnh hưởng nhiều đến cơ hội việc làm của những ai đang mong được đi làm những đợt tiếp sau.
Đợt tuyển chọn người lao động đi làm việc ở nước ngoài lần này, mọi công tác chuẩn bị, thủ tục đều diễn ra khẩn trương. Kể từ ngày đại diện phía Hàn Quốc sang làm việc với UBND tỉnh đến thời điểm 41 lao động đặt chân đến nước bạn chỉ hơn một tháng. Những người được chọn thuộc hộ nghèo, gia đình chính sách và người hoàn thành nghĩa vụ công an, quân sự.
Theo thỏa thuận giữa tỉnh Gyeongsangbuk và Quảng Bình, thời gian làm việc theo chương trình này là 5 tháng. Công việc là thu hoạch, trồng trọt và quản lý hoa màu nông sản, mức thu nhập được đảm bảo là 40 triệu đồng/tháng nhưng chỉ tốn khoảng 25 triệu đồng/người cho các chi phí xuất cảnh.
Sở Lao động - thương binh và xã hội Quảng Bình đã tổ chức giáo dục định hướng và bồi dưỡng kỹ năng tiếng Hàn Quốc cho 41 người có hoàn cảnh rất nghèo khó sau dịch bệnh. Bà con xem đây là cơ hội lớn để thoát nghèo của bản thân và gia đình những người được chọn.
Sau khi đến Hàn Quốc, bốn người đã lần lượt bỏ trốn, làm trái với những điều khoản đã cam kết.
Sau khi sự việc xảy ra, UBND tỉnh Quảng Bình đã có các biện pháp xử lý những người vi phạm hợp đồng. Công văn của UBND tỉnh yêu cầu các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền và có các giải pháp quyết liệt để tránh những trường hợp tương tự.
Đồng thời đề xuất các cơ quan chức năng và các nước có giải pháp khi thực hiện thủ tục xuất cảnh cho thân nhân những người bỏ trốn này.
Theo bà Đinh Thị Ngọc Lan, phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội, nếu đợt 1 này diễn ra thuận lợi, phía Hàn Quốc sẽ tiếp tục tuyển dụng các đợt tiếp theo với số lượng lao động lớn.
Vì vậy, cùng với việc hỗ trợ người lao động các thủ tục trước khi xuất cảnh, sở và các địa phương đã tuyên truyền ý thức trách nhiệm khi làm việc ở nước ngoài và ngăn ngừa tình trạng lao động bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc.
Cũng theo bà Lan, vụ việc này sẽ gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín của tỉnh trong hợp tác quốc tế với TP Yeongju và rất có thể chính quyền thành phố này sẽ dừng, không tiếp nhận thêm lao động của tỉnh Quảng Bình. Điều này cũng sẽ thu hẹp những cơ hội việc làm của bao người khác.
"Sở đã tổ chức buổi làm việc trực tiếp với UBND các địa phương và đại diện gia đình những người lao động tham gia chương trình để xem xét trách nhiệm.
Ngoài ra cũng thống nhất các phương án, biện pháp để xử lý việc vi phạm hợp đồng và vận động họ quay trở lại nơi làm việc. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa yêu cầu được những người bỏ trốn này ra trình diện" - bà Lan cho hay.
Mong giữ hình ảnh của lao động Việt Nam
Hiện có rất nhiều tỉnh thành trên cả nước đang thực hiện chương trình hợp tác đưa lao động qua làm việc thời vụ tại tỉnh Gyeongsangbuk.
Chị Nguyễn Thị Thạnh (xã Thái Thủy, huyện Lệ Thủy), một trong 41 lao động Quảng Bình đi làm việc tại TP Yeongju đợt này, cho biết: khi qua Hàn Quốc thì 41 người vẫn được chính quyền Quảng Bình quan tâm hỗ trợ thông qua một nhóm kín trên mạng xã hội.
"Tôi mong các anh chị em đừng vì lợi ích cá nhân trước mắt mà ảnh hưởng đến quyền lợi lâu dài về sau của chính mình, con em, gia đình mình. Ngoài ra còn ảnh hưởng đến hình ảnh của hàng ngàn lao động Việt Nam trong mắt chính quyền nước bạn" - chị Thạnh bày tỏ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận