10/12/2024 09:11 GMT+7

Đi làm bằng metro hay quá

YẾN TRINH
và 1 tác giả khác

Những ngày này, trong câu chuyện bên bàn cà phê, các bạn trẻ tại TP.HCM rộn ràng bàn luận về việc tàu điện metro đi vào hoạt động.

Đi làm bằng metro hay quá - Ảnh 1.

Khách đi thử metro xem sơ đồ kết nối metro Bến Thành - Suối Tiên với các tuyến trong tương lai - Ảnh: T.T.D.

Nhiều năm chờ đợi, các bạn dự định thay đổi cách di chuyển từ xe máy sang đi tàu, nhất là những người ở xa trung tâm thành phố nhưng gần các nhà ga.

Dọc các cung đường mát rượi bên dưới đường tàu metro là không khí hồ hởi, nhiều người ngước nhìn lên công trình hiện đại, chuẩn bị kế hoạch ở TP.HCM đạp xe, đi bộ ra ga để đến chỗ làm hằng ngày như kiểu Nhật.

Mình thấy tiền vé khá rẻ. Nếu như chia ra thì trung bình một ngày đi học mình chỉ tốn khoảng 10.000 đồng mà còn được hưởng dịch vụ hiện đại, không kẹt xe, tiết kiệm nhiều thời gian. So sánh với đi xe máy hay xe công nghệ thì mình chắc chắn sẽ chọn đi metro.

Đại Nam

Thích ngồi tàu điện, đi làm kiểu... Nhật

Mấy ngày qua, xóm trọ của Phan Thị Hương (21 tuổi), sinh viên năm cuối Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM, bắt đầu bàn tán xôn xao việc metro sẽ chạy vào tháng 12.

Hương đang làm thêm tại quận 3, cũng như nhiều người khác, cô gái trẻ đã hạ quyết tâm sẽ bỏ xe máy ở nhà, đi metro đến chỗ làm.

Hành trình đi làm mỗi ngày của Hương bắt đầu ở Tân Lập, TP Dĩ An (Bình Dương). Dắt chiếc xe máy ra đi làm trong những ngày này, Hương thẳng thắn: "Chưa đầy một tháng nữa, nó sẽ ra rìa!".

Từ nhà trọ đến chỗ làm khoảng 20km, nếu không kẹt xe, cô gái trẻ phải mất gần 60 phút mới đến nơi. Lúc đi vẫn đỡ, còn khi về Hương thường phải xin cấp trên về sớm trước 16h để tránh "kiếp nạn" kẹt xe giờ tan tầm ở những điểm nóng như chân cầu Sài Gòn, vòng xoay Điện Biên Phủ, ngã tư Thủ Đức...

"Chẳng thà xin về sớm rồi về nhà tiếp tục hoàn thành nốt công việc, chứ về ngay giờ cao điểm đến nhà là tối luôn, mệt rã người không còn sức ăn uống chứ đừng nói làm việc", Hương than thở.

Sắp tới, Hương dự tính sẽ đi bộ ra ga Suối Tiên cách nơi cô ở hơn 1km, ngồi tàu metro đến ga Bến Thành rồi đi xe đạp hoặc đón xe buýt đến chỗ làm cách đó 2km.

"Nếu đúng vận tốc công bố, thời gian tôi đến chỗ làm vẫn còn dư để nhâm nhi thêm tách cà phê và chuẩn bị đồ ăn sáng", Hương vui vẻ dự đoán.

Còn chàng sinh viên Lê Nguyễn Đại Nam (21 tuổi), năm cuối Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM, đang sống ở Bình Thạnh cũng tính toán về số tiền và thời gian mình đến trường bằng metro tháng tới.

Nam cho biết ngay từ những năm học THCS, cậu đã biết đến kế hoạch xây tàu metro - đó là những toa tàu, cung đường hiện đại mà Nam thường thấy trong những bộ phim Nhật Bản, Hàn Quốc nên rất ngóng chờ.

Nam là một trong nhiều sinh viên của trường đã được trải nghiệm metro trong lần chạy thử trước đây nên hiểu rất rõ những tiện ích của phương tiện hiện đại này mang lại.

"Trên tàu có máy lạnh, có người hướng dẫn, ngồi êm ru. Sau này đi học mình chỉ cần quẹt thẻ, lên tàu ngồi đọc vài trang sách là tới trường, thậm chí muốn chạy deadline trên tàu này cũng được nữa", Đại Nam cười chia sẻ thêm.

Đi làm bằng metro hay quá - Ảnh 2.

Đại Nam đã thích thú trải nghiệm metro nên chuẩn bị kế hoạch đi học bằng phương tiện mới này - Ảnh: AN VI

Ở Bình Dương đi làm quận 1

Nghe tin metro sẽ chính thức đón khách từ 22-12, anh Hồ Châu (29 tuổi, nhân viên sáng tạo nội dung) hào hứng cho biết anh sẽ chuyển từ xe máy sang đi tàu điện.

Anh kể: "Do ở cách ga metro Suối Tiên chỉ hơn 2km, nên tôi dự định mua chiếc xe đạp có thể gấp lại để đạp từ nhà ra ga, sau đó đi metro đến ga Bến Thành, rồi đi bộ đến công ty ở đường Hàm Nghi". Anh chọn mua vé tháng (300.000 đồng/tháng) để tiện đi lại, ít nhất mỗi ngày hai lượt đi về.

Theo anh, nếu mang loại xe đạp gấp lên tàu thì quá tiện lợi, bởi sau đó anh có thể đạp xe từ Bến Thành đến công ty.

Hay thi thoảng buổi tối anh sẽ đạp xe qua khu vực quận Bình Thạnh, Phú Nhuận chơi với bạn, sau đó đạp về ga Tân Cảng để đón metro về lại nhà trọ. "Nếu không, tôi sẽ gửi xe đạp tại bãi xe", anh nêu phương án khác.

"Khi metro chính thức chạy, tôi nghĩ đây là bước đột phá đầu tiên của giao thông công cộng thành phố. Nó có ý nghĩa lớn lao vì người dân TP.HCM đã chờ đợi công trình này quá lâu rồi", anh bày tỏ.

Thuê trọ nhiều năm nay ở khu vực giáp ranh giữa TP Dĩ An (Bình Dương) và TP Thủ Đức (TP.HCM) để đi làm ở quận 1, sáng nào anh cũng vượt 22km, chiều cũng vậy. Làm việc giờ hành chính 5 ngày mỗi tuần nên anh rất vất vả di chuyển.

Anh chia sẻ: "Tôi thức dậy từ 5h15, sau đó ra khỏi nhà trước 6h10, lúc đường còn thông thoáng. Vì nếu trễ 10 phút thôi, đường Võ Nguyên Giáp sẽ bị ùn ứ ở ngã tư Bình Thái và cầu Rạch Chiếc".

Mỗi chiều di chuyển mất khoảng 50 - 55 phút do anh chạy xe khá nhanh. Ban đầu anh cũng thấy mệt mỏi, nhưng đi 8 năm nay thì thấy quen. Nhưng anh cho biết do di chuyển như vậy trong thời gian dài, phần lưng hay đau và nhức mỏi.

Hôm nào kẹt xe, trời mưa, anh Châu về đến nhà là đuối. Chưa kể mỗi tuần anh tốn nhiều tiền xăng. "Lúc nào đổ bệnh, không đi nổi thì tôi mới xin làm việc ở nhà. Tôi phải lên công ty mới làm việc được, ở nhà thì không có hứng", anh cho biết.

Nói về lợi ích metro, anh cho biết phù hợp với những ai có thể sắp xếp thời gian, ngồi metro cho an toàn, che nắng che mưa khỏe hơn, nhất là những ai ở gần các nhà ga như mình.

Đi làm bằng metro hay quá - Ảnh 3.

Người dân trải nghiệm tuyến metro số 1 khi chạy thử - Ảnh: CHÂU TUẤN

Bất động sản gần ga hưởng lợi

Tuyến metro hoàn thành cũng mang lại cơ hội cho những người có bất động sản ở vùng ven. Chị Hà Chi (33 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận) cho biết cách đây 4 năm, chị mua một căn hộ tầm trung tại đường Tân Lập (Bình Dương), sau đó 2 năm chủ đầu tư giao nhà.

"Dù lúc đó metro vẫn chưa xong nhưng mọi người nói mua ở khu này có triển vọng, dân cư, sinh viên đông, chỉ cách ga metro Suối Tiên vài cây số. Ban đầu tôi tính dọn xuống dưới ở, nhưng thấy xa quá, chạy xe máy bất tiện nên đã cho thuê", chị kể.

Hiện nay, chị nhận nhiều cuộc gọi của môi giới bất động sản. Họ cho biết căn hộ của chị đã tăng giá kha khá và phân khúc này dễ bán. Nhưng đang cho thuê và hiện nay sắp có tuyến metro nên chị định sau này hết hợp đồng thuê sẽ chuyển xuống dưới đó ở.

"Có metro thì đi làm dễ hơn, tôi định chạy xe máy ra ga gửi, rồi đi tàu đến ga Văn Thánh (quận Bình Thạnh). Công việc không bó buộc giờ giấc nên tôi có thể chủ động đi tàu đến các ga khác, hẹn hò bạn bè ở các điểm gần ga, đi bộ đến điểm hẹn cho khỏe người", chị Chi cho biết.

Các chủ phòng trọ, môi giới nhà trọ cũng đang đưa thông tin "phòng gần metro" như là một điểm cộng cho những ai có nhu cầu thuê.

Đăng tin cách đây vài ngày về việc còn một phòng trống giá 1,4 triệu đồng chưa tính điện nước tại khu phố 6 (phường Linh Trung, TP Thủ Đức), khi chúng tôi liên hệ, chị Phương (chủ phòng trọ) cho biết đã có người thuê. Chị nói phòng trọ chỉ cách ga metro Suối Tiên vài trăm mét, đi bộ ra vô dễ dàng.

Đi làm bằng metro hay quá - Ảnh 3.

Thông tin phòng trọ gần ga metro đang là điểm cộng khi lựa chọn chỗ thuê - Ảnh: YẾN TRINH

Anh Nguyễn Vương, chủ một nhà trọ gồm 5 phòng dạng ký túc xá tư nhân trên đường Tú Xương (TP Thủ Đức), cho biết nơi này cách trạm metro Bình Thái khoảng 2km, thuận tiện di chuyển, gần các trạm xe buýt. Giá thuê là 1,7 triệu đồng/người đối với phòng 8 giường tầng và 1,9 triệu đồng/người đối với phòng 6 giường tầng.

Tương tự, một môi giới tên Văn cho biết đang có một số phòng cho thuê tiện nghi tại đường Nguyễn Thái Bình (quận 1) với giá từ 6 triệu đồng/tháng, diện tích 35m2, gần ga metro Bến Thành.

Đi làm bằng metro hay quá - Ảnh 4.Những quy định cần biết khi đi metro số 1 TP.HCM

UBND TP.HCM đã ban hành quy định đầu tiên về quản lý, điều hành giao thông vận tải đường sắt đô thị tuyến metro số 1.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên