09/05/2019 19:13 GMT+7

'Đi làm 7h30, xe rác 9h tới, tôi không để rác trước nhà thì để đâu?'

MÂY TRẮNG
MÂY TRẮNG

TTO - Ai mà không muốn mình là người văn minh, đâu ai muốn mỗi sáng sớm để túi rác chình ình trước cửa nhà để chính mình phải ngửi cái mùi khó chịu.

Đi làm 7h30, xe rác 9h tới, tôi không để rác trước nhà thì để đâu? - Ảnh 1.

Những túi rác chình ình trước cửa nhà - Ảnh: GIA TIẾN

Tự nhiên cô gái hiền lành như tôi bỗng đâm quạu khi đọc thông tin ông thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường nói trong hội thảo "Quản lý nhà nước về chất thải rắn" về tình trạng người dân để rác trước nhà, không đợi người thu gom rác tới mà đã tự ý bỏ rác ra trước (Hà Nội, TP.HCM vẫn phổ biến tình trạng để rác ra trước cửa nhà - Tuổi Trẻ 8-5-2019).

Buộc phải để trước cửa

Không phải tôi chỉ trích phát biểu của ông thứ trưởng, ông đã nói đúng về thực trạng chung. Nhưng tôi nghĩ chuyện gì cũng phải nhìn nhận từ thực tế vì sao như vậy. 

Như trong khu phố tôi sống, xe rác sẽ thu gom rác vào khoảng 8h30-9h mỗi ngày. Tôi và nhiều người đi làm lúc 7h30, dĩ nhiên phải để túi rác trước cửa lúc đó luôn chứ bây giờ làm sao.

Còn chuyện để rác trước cửa nhà, mỗi nhà hẻm bề ngang cỡ 4m sát mặt đường hẻm, không để trước nhà thì biết để đâu? Tôi cũng lịch sự, hôm trước lấy một cái thùng sơn cũ rồi bỏ túi rác vào đó cho đỡ dơ bẩn, ai dè sáng ngủ dậy thấy thùng đã "không cánh mà bay". Để tiếp cái chậu xi măng, thì hỡi ôi, tối nào đi làm về cũng thấy rác các loại đầy ứ chậu. Thôi dẹp, cứ mỗi sáng mỗi để một túi rác trước cửa cho lành.

Rác rưới là chuyện nói ra thì tủn mủn, quan trọng không phải việc bỏ rác gây hôi thối mà rác không được phân loại sẽ đè nặng việc xử lý, dẫn đến hệ lụy ghê gớm về môi trường và tương lai con cháu mình.

Tôi cũng muốn như Canada lắm chứ, trước nhà dân để hẳn mấy cái thùng rác màu sắc khác nhau để bỏ rác có thể tái chế, rác hữu cơ, thùng còn lại để các loại rác khác. Tôi sẵn sàng bỏ chi phí để chính quyền trang bị mấy cái thùng đó cho nhà mình, miễn là "giang hồ" đừng tiện tay lấy mất.

Phân loại rác tại nguồn: chừng nào có hiệu quả?

Mấy năm nay, tôi nghe chuyện thí điểm phân loại rác miết mà nản. Báo chí phản ánh cách làm của đội ngũ thu gom xử lý rác không hiệu quả, ví dụ người dân đã phân loại rõ ràng nhưng ra đến điểm tập kết thì rác lại "anh em ta về cùng một nhà". Hóa ra nỗ lực của người dân, rồi chính sách đưa xuống không ăn nhập gì nhau.

Bên thu gom rác giải thích: do phân loại như vậy sẽ đội thêm chi phí cho người và xe đi thu gom rác, trong khi số tiền này không được cấp trên giải quyết. Rồi thực trạng không đồng nhất về cơ sở thiết bị, việc quản lý lực lượng thu gom rác dân lập còn bất cập… Ôi thôi đủ mọi khó khăn khiến việc phân loại rác tại nguồn cứ giẫm chân tại chỗ.

Các hội thảo thường đề ra quá nhiều giải pháp cho việc phân loại và xử lý rác, như về cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc này, nhân lực, tuyên truyền vận động nâng cao ý thức người dân… Nhưng theo tôi, các giải pháp đưa ra trong những buổi họp hành, hội nghị thường quá chung chung, khó thực hiện hoặc khó đánh giá hiệu quả.

Về giải pháp phải có điểm tập kết rác xa khu dân cư. Đây là điều khó khả thi vì quỹ đất ngày càng chật hẹp. Chỉ có thực hiện phân loại rác tại nguồn để giải quyết tận gốc mới là giải pháp lâu dài.

Đi làm 7h30, xe rác 9h tới, tôi không để rác trước nhà thì để đâu? - Ảnh 2.

Nhà máy xử lý rác thải ở Cà Mau - Ảnh: TTO

Tôi thấy Việt Nam có thể tham khảo Canada, giao chính quyền địa phương chịu trách nhiệm, đấu thầu xử lý rác thải và giao cho một đơn vị cụ thể. Việc quản lý, vận hành cần cơ chế thưởng phạt dựa trên luật lệ, quy định rõ ràng. Còn việc kêu gọi ý thức người dân là chuyện khá mơ hồ, được chăng hay chớ và không nên tính vào giải pháp lâu dài để giải quyết phân loại rác tại nguồn.

Cụ thể, ban phụ trách văn hóa - xã hội của UBND phường phải đề ra tiêu chí cụ thể cho từng tổ dân phố về việc bỏ rác thế nào, chế tài ra sao, lập danh sách những hộ dân không nghiêm chỉnh trong việc bỏ rác thải và nêu tên ở cuộc họp tổ dân phố. Tôi nhớ không nhầm thì hồi tháng 11-2018, có thông tin "hộ dân nào không phân loại chất thải rắn sẽ bị phạt tới 20 triệu đồng" rộ lên, nhưng bây giờ hình như đã chìm xuồng?

Ở một số nước, người dân nếu không phân loại rác thì số rác đó sẽ không được thu gom, cuối cùng người chịu thiệt sẽ là chính hộ gia đình đó. Hoặc có thể khuyến khích người dân đổi một số loại chai lọ, rác có thể tái chế… để lấy nhu yếu phẩm (kêu gọi doanh nghiệp tài trợ) thông qua tích lũy điểm thưởng.

Con người có những hành động văn minh, tốt đẹp nhiều khi không phải do bản chất của họ, mà là do kỳ vọng từ người khác. Nhà quản lý cần nhìn vào khía cạnh này để "giả vờ" đặt kỳ vọng cho người dân thông qua những biện pháp hiệu quả.

Và trên hết, rác thải chỉ là một trong những vấn đề tồn tại tại Việt Nam. Điều quan trọng nhất là bộ óc của những người quản lý phải thật sự nhìn thấy vấn đề và bằng mọi giá thay đổi tốt hơn. Còn cứ đề ra giải pháp rồi nói với nhau dăm ba điều trong những hội thảo, thì e rằng sáng nào mùi rác cũng thum thủm quanh nhà, thế hệ con cháu sẽ phải sống với rác.

Hà Nội, TP.HCM vẫn phổ biến tình trạng để rác trước cửa nhà

TTO - Thực trạng đưa rác sinh hoạt để trước cửa nhà, dưới lòng đường được cảnh báo vừa gây ô nhiễm môi trường, xấu cảnh quan đô thị, nhưng đây lại là thói quen phổ biến ở hai TP lớn là Hà Nội và TP.HCM.

MÂY TRẮNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên