Chiều 30-8, bến xe Miền Đông cũ (quận Bình Thạnh, TP.HCM) bắt đầu "nóng" hơn ngày thường. Nhiều người tranh thủ đưa gia đình ra bến xe để về quê ngay trong ngày 30-8.
Trong khi đó, bến xe Miền Đông mới (TP Thủ Đức) vẫn vắng khách. Anh Nguyễn Hoàng Anh, một hành khách mua vé về Nha Trang, chia sẻ: "Tôi mua vé dễ dàng, không bị 'cháy vé' như dịp lễ 2-9 mọi năm".
Sở GTVT TP.HCM yêu cầu có đủ xe, bán vé đúng giá
Theo đại diện bến xe Miền Đông cũ, dự báo hành khách qua bến trong đợt lễ 2-9 này đạt hơn 52.500 lượt, tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 187% so với ngày thường. Lượng khách cao nhất ngày 1-9 sẽ có khoảng 16.200 người.
Về giá vé, các tuyến thuộc khu vực Bình Dương, Bình Phước điều chỉnh tăng không quá 20% so với ngày thường, áp dụng trong hai ngày 1 và 2-9. Các tuyến thuộc tỉnh Phú Yên, Bình Định có hành trình đi quốc lộ 13, quốc lộ 14 hoặc đi khu vực Tây Nguyên điều chỉnh tăng không quá 40% so với ngày thường, áp dụng trong hai ngày 31-8 và 1-9.
Ông Nguyễn Hoàng Huy - tổng giám đốc bến xe Miền Đông mới - cho biết đợt lễ này lượng khách thông qua bến chỉ cao hơn ngày thường, thấp hơn so với kỳ vọng rất nhiều. Hành khách tăng cao nhất vào ngày 31-8 với hơn 7.000 khách tập trung tuyến TP.HCM đi TP Đà Nẵng, tỉnh Khánh Hòa... Các đơn vị vận tải phụ thu không quá 40% giá vé hai ngày 31-8 và 1-9.
Trao đổi về tình hình phục vụ lễ ở bến xe Miền Tây, đại diện bến này dự báo hành khách đi lại trong dịp này tăng 119% so với ngày thường. Trong đó, ngày cao điểm nhất là 1-9 với khoảng 54.000 lượt khách. Về giá vé sẽ phụ thu không quá 40% ngày thường trong hai ngày 1 và 2-9.
Sở GTVT TP.HCM chỉ đạo các bến xe chuẩn bị đủ xe trước, trong và sau lễ. Các bến xe đảm bảo không để xảy ra tình trạng "cháy vé", chèn ép giá, tăng giá vé quá quy định. Các đơn vị cập nhật báo cáo tình hình thực tế. Trong trường hợp cần tăng cường, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM sẵn sàng xe buýt để hỗ trợ giải tỏa hành khách.
Hạn chế tắc đường dịp lễ 2-9
Trong khi đó, Sở GTVT TP yêu cầu Phòng quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ lên kế hoạch phân luồng giao thông, xử lý các điểm nóng ùn tắc giao thông. Trong đó tập trung vào những tuyến đường quanh sân bay, bến xe, ga đường sắt.
Ngoài ra, Sở GTVT TP cũng phối hợp các đơn vị khác giám sát, quản lý hoạt động giao thông qua camera để điều chỉnh, phân luồng từ xa, hạn chế kẹt xe.
Mới đây, Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VECE) khuyến cáo người dân "né" đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, chọn lộ trình thích hợp hơn để di chuyển trong các ngày nghỉ lễ.
Qua thống kê, lưu lượng xe đi lại trên cao tốc này ngày càng tăng cao, đặc biệt dồn vào đoạn từ nút giao An Phú đến nút giao với đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây nối vào. Trung bình khoảng 58.000 - 62.000 lượt xe/ngày đêm, cao điểm 70.000 - 73.000 lượt xe/ngày đêm.
Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây: điểm nghẽn hai đầu ra vào
Anh Nguyễn Quốc Phong, một tài xế thường xuyên di chuyển trên tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, cho biết: "Tuyến chính của cao tốc này dài gần 100km di chuyển vẫn ổn định, chỉ ùn tắc khi gặp các sự cố. Đoạn này mới, làn đường rộng rãi, ít giao cắt nên chạy trên tuyến chính vẫn thông thoáng mặc dù có xe đông".
Cũng theo anh Phong, điểm nghẽn của cao tốc mới này chủ yếu là hai đầu nút giao. Cụ thể, khi chạy từ cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây vào cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây khoảng 4km thì gặp trạm thu phí đặt ngay trên tuyến chính.
Trạm thu phí đặt trên tuyến chính nhưng mỗi bên chỉ có hai làn thu, xe đông thường ùn tắc. Chạy đến nút giao Ba Bàu ở huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) thì đường dẫn rẽ ra chật hẹp, nhất là đoạn xung đột giao thông tại ngã ba hình chữ Y của nút giao này.
Hai dòng xe ra vào đông nhưng đến nay chưa có đèn tín hiệu giao thông. Về đêm, tất cả các nút giao đều chưa có đèn đường, trong khi xe tải chạy đường dài tấp vào làn khẩn cấp nghỉ ngơi rất đông. Vì vậy, anh Phong khuyến cáo giới tài xế nên để ý tại các nút giao của tuyến cao tốc mới này nhiều hơn.
Một cán bộ thuộc Cục CSGT thường xuyên tuần tra kiểm soát trên tuyến cao tốc mới này cho biết các đơn vị liên quan đã họp bàn và đưa ra kế hoạch đảm bảo phương án giao thông tốt nhất để người dân lưu thông thuận tiện. Cán bộ tuần tra sẽ thường xuyên cập nhật tình hình trên cao tốc để thông báo sớm nhất qua các kênh radio, báo đài cho người dân được nắm trước khi lưu thông vào đây.
Theo thống kê của đơn vị vận hành tạm thời cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, mỗi ngày có khoảng 15.000 lượt xe cộ qua lại, riêng các ngày cuối tuần lên hơn 20.000 lượt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận