Bác sĩ Nguyễn Tiến Thành, thành viên Hội Da liễu Việt Nam, chia sẻ mới đây tiếp nhận trường hợp bệnh nhân đến thăm khám với biểu hiện rụng tóc, đồng thời trên cơ thể, cánh tay, chân xuất hiện nốt màu hồng.
Bệnh nhân là anh P.T. (34 tuổi, trú tỉnh Hải Dương). Gần đây, anh T. nhận thấy tóc rụng nhiều trên đỉnh đầu, nghĩ rụng tóc do nấm da đầu hay gặp vấn đề về nang tóc nên anh đến phòng khám da liễu thăm khám.
"Sau khi thăm khám và thực hiện các xét nghiệm, bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh giang mai. Qua khai thác tiền sử, anh T. chia sẻ có quan hệ tình dục với người lạ nhưng không dùng biện pháp bảo vệ. Sau khi quan hệ khoảng 2 tuần, anh T. thấy có vết trợt xuất hiện ở vùng kín, nhưng sau vài tuần vết trợt này biến mất nên anh không để ý.
Gần đây, vì tóc rụng nhiều anh T. mới đi khám rụng tóc. Khi thông báo về tình trạng bệnh, chàng trai này không tin mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục", bác sĩ Thành nói.
Theo bác sĩ Thành, có nhiều yếu tố có thể gây ra tình trạng rụng tóc, bao gồm di truyền, tuổi tác, căng thẳng, và cũng là dấu hiệu cảnh báo mắc một số bệnh lý. Trong đó, rụng tóc cũng là biểu hiện của bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Bác sĩ Thành lý giải hình ảnh lâm sàng thực tế của bệnh giang mai rất đa dạng, phong phú tùy theo từng giai đoạn của bệnh.
Giang mai thời kỳ thứ nhất thường xuất hiện các thương tổn sau khoảng 3-4 tuần từ khi lây bệnh, đặc trưng của thời kỳ này là săng giang mai.
Săng giang mai là một vết trợt nông, hình tròn hay bầu dục, không có gờ nổi cao, kích thước khoảng 0,5 - 2cm, giới hạn rõ và đều đặn, đáy sạch màu đỏ như thịt tươi, nền cứng (vì vậy gọi là săng cứng) và bóp không đau.
Ở thời kỳ thứ hai, bệnh giang mai bắt đầu biểu hiện rõ hơn với các dát đỏ hồng rải rác ở thân mình, mảng niêm mạc hay gặp nhất ở vùng hậu môn, sinh dục. Cùng với đó có thể xuất hiện viêm hạch lan tỏa và rụng tóc kiểu "rừng thưa".
Giai đoạn cuối cùng của bệnh thường xuất hiện ở năm thứ 3 sau khi nhiễm bệnh. Với các biểu hiện lâm sàng từng "gôm" giang mai ở da, cơ, xương, thậm chí xuất hiện thương tổn tim mạch (giang mai tim mạch), thương tổn thần kinh gây bại liệt (giang mai thần kinh).
Với trường hợp của bệnh nhân ở trên, bác sĩ Thành cho biết anh T. đang mắc giang mai ở thời kỳ thứ 2 với biểu hiện sẩn đỏ rải rác bàn tay, chân, rụng tóc kiểu "rừng thưa".
Theo bác sĩ Thành, bệnh nhân mắc giang mai không chỉ gây nên những tổn thương cho bản thân mà còn dễ lây truyền sang cho vợ, chồng hoặc bạn tình, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, hạnh phúc gia đình,…
Phòng bệnh thế nào?
Bác sĩ Thành cũng cho hay để phòng bệnh lây nhiễm qua đường tình dục nói chung và giang mai nói riêng, mỗi người cần thực hiện lối sống lành mạnh, chung thủy một vợ, một chồng.
Đồng thời thực hiện hành vi tình dục an toàn, quan hệ tình dục có biện pháp bảo vệ (sử dụng bao cao su).
Bên cạnh đó, không sử dụng vật dụng cá nhân như khăn tắm, bàn chải đánh răng… tránh trường hợp dịch nhầy, máu, mủ có xoắn khuẩn giang mai của người bệnh lây cho người lành.
"Khi có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh cần đến cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán, điều trị kịp thời. Hiện việc điều trị bệnh lý giang mai có rất nhiều phương pháp, tùy thuộc vào mức độ bệnh bác sĩ sẽ thăm khám và lên phác đồ điều trị cụ thể", bác sĩ Thành khuyến cáo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận