08/08/2024 12:02 GMT+7

Đi khám bệnh lúc nửa đêm

YẾN TRINH
và 1 tác giả khác

0h, thậm chí sớm hơn nữa, nhiều người đã lục đục đến các bệnh viện lớn ở TP.HCM để chuẩn bị khám bệnh. Họ gắng tranh thủ xếp hàng bốc số khám từ lúc mặt trời chưa lên, nhưng vẫn cười mếu khi thấy nhiều người còn tới trước mình từ lúc nào.

Đi khám bệnh lúc nửa đêm- Ảnh 1.

Thân nhân, người chờ khám chữa bệnh nằm vạ vật qua đêm ở Bệnh viện Chợ Rẫy - Ảnh: AN VI

Đồng hồ chỉ gần 0h, đoạn đường Nguyễn Chí Thanh (quận 5) đã vắng, trừ Bệnh viện Chợ Rẫy như một thế giới khác khi vẫn nhiều người ra vào.

Vào bệnh viện lúc nửa đêm

Khi chúng tôi có mặt, mưa lắc rắc trời đêm vẫn không khiến người vào bệnh viện ngơi đi. Nhà xe đông nghẹt, hàng quán trước cổng vẫn phục vụ xuyên suốt và bên trong hàng dài người lấy ghế ngồi chờ tới giờ phát số thứ tự khám bệnh. Quả đúng là bệnh viện tuyến cuối, dọc các hành lang dẫn vào sảnh chờ lấy số, thân nhân thăm nuôi trải chiếu nằm, người không có chiếu thì ngả lưng nơi dãy ghế sắt lạnh lẽo. Họ tranh thủ ngủ chập chờn lấy sức trước khi bệnh viện vào giờ cao điểm sớm.

Nhiều người nói sợ "mùi bệnh viện" quả không sai, đi giấc nửa đêm như thế này mà vào trong vẫn ngột ngạt. Mùi cồn sát khuẩn, dầu gió cộng với cái lạnh của cơn mưa đêm thổi vào khiến nhiều người co ro, rùng mình.

30 phút nữa mới điểm 0h để bốc số, nhưng hàng người lấy ghế nhựa ngồi dài quá nửa sảnh. Xếp hàng hơn nửa tiếng, bà Thanh Tùng (54 tuổi, quê Ninh Thuận) than: "Đi như vậy mà vẫn chưa phải là người sớm nhất". Chỉ hàng ghế phía sau, bà nói tầm tiếng nữa thôi hàng người sẽ nối dài hết hành lang.

Những người quen đi khám như bà Tùng thì đỡ, chứ dưới quê lần đầu lên như một vài người chúng tôi gặp trước cổng Bệnh viện Ung bướu (quận Bình Thạnh) lúc 23h chỉ có thể lấp ló bên ngoài vì 2h30 bệnh viện mới mở cổng.

Còn tại Bệnh viện Bình Dân (quận 3), hơn 0h đêm, số người tới lấy số đợi đến 6h sáng khám không nhiều bằng Chợ Rẫy nhưng số của chúng tôi do một nhân viên bảo vệ ở cổng phát là 18. Bên ngoài, một người bán hàng kiên nhẫn chào mời những chiếc chiếu nhỏ, gối mền…

Gần 0h đêm, người tới Bệnh viện Chợ Rẫy bốc số đã xếp hàng dài

Gần 0h đêm, người tới Bệnh viện Chợ Rẫy bốc số đã xếp hàng dài

Nhọc nhằn ngồi xe đò từ quê lên

Dẫn mẹ đi khám tim ở Bệnh viện Chợ Rẫy, chị Nguyễn Thị Phượng (40 tuổi, ngụ Đầm Dơi, Cà Mau) kể hai mẹ con mất 6 tiếng ngồi xe đò từ quê lên.

Mẹ chị mắc chứng phù động mạch chủ, ngồi xe lên tới đã quá mệt. Sợ phải chịu thêm cảnh vạ vật chờ đợi, chị thuê phòng trọ ở hẻm bên kia đường cho mẹ nghỉ ngơi và cất đồ đạc lỉnh kỉnh. Mang tiếng phòng trọ 150.000 đồng/đêm, chị cho biết căn phòng chỉ để vừa đủ chiếc nệm bề ngang 1,2m. Sắp xếp xong cho mẹ, chị sang bệnh viện chờ lấy số.

Lóng ngóng nhờ chỉ dẫn, chị lấy ghế nhựa ngồi đợi sau hàng dài người. Nhìn người ta chờ đợi giữa khuya, chị ngạc nhiên nhưng đành kiên nhẫn đợi tới lượt. Thấy nhiều người trải chiếu to chiếu nhỏ dưới nền gạch, chị nói: "Biết vậy tôi mua chiếu rồi để mẹ nằm đây, chứ mẹ nằm bên phòng một mình chèo queo cũng không ngủ được". Chị nói dù biết đưa mẹ lên TP khám là sẽ vất vả, chờ đợi nhưng yên tâm hơn. Vẻ mặt ngái ngủ, chị hy vọng bệnh tình của mẹ sớm cải thiện để khỏi chịu cảnh chờ đợi thế này.

Từng lên Bệnh viện Bình Dân khám một lần, anh Trần Văn Nhãn (46 tuổi, ngụ huyện Duyên Hải, Trà Vinh) có thể nói đã có kinh nghiệm trong việc đợi chờ. Hôm nay anh đi khám cùng mẹ, bắt xe đò lúc 19h, tới nơi lúc 1h sáng, thêm chuyến xe ôm qua bệnh viện. Mẹ con anh tốn hơn 800.000 đồng chi phí đi lại. Đó là chưa tính tiền thuốc, tiền ăn. "Lần trước tốn hết 1 triệu đồng, thêm tiền mua thuốc 500.000 đồng nữa. Tiền xe tiền này tiền nọ thì mỗi chuyến cũng đứt 2 - 3 triệu", anh kể.

Người đàn ông từ miệt biển xã Đông Hải, huyện Duyên Hải cho hay ở quê đã tính kỹ, ngồi xe canh đúng y giờ Bệnh viện Bình Dân bắt đầu phát số thứ tự là vào lấy số ngay. "Vậy mà cũng bốc ra được số 19 hay thiệt", anh cười. Chuyến trước anh đi trễ hơn, bốc ngay số 28, gần trưa mới được khám trong khi bụng đói meo. Anh nói nhiều khi bệnh tật không mệt bằng việc đi đi về về mấy trăm cây số. "Nay lên khám coi mổ được thì mổ luôn cho xong, để cái sỏi thận này tái đi tái lại phiền quá. Tôi đi biển mần ruốc, mỗi lần khám là phải đợi mãn nước 4 - 5 ngày mới dám đi", anh than.

Có hàng ghế ngả lưng như mẹ con bà Võ Xuân đã là may mắn. Một số người phải nằm sát ngoài thềm các tòa nhà trong bệnh viện. Họ trùm mền kín mít để đỡ cái lạnh gió mưa. Người căng dù, dựng chiếu tránh mưa tạt, đồ đạc được đậy bằng tấm áo mưa mỏng.

Vạ vật giấc ngủ tạm nơi bệnh viện

Số phiếu khám bệnh được nhân viên bảo vệ Bệnh viện Bình Dân phát lúc 0h01 - Ảnh: YẾN TRINH

Số phiếu khám bệnh được nhân viên bảo vệ Bệnh viện Bình Dân phát lúc 0h01 - Ảnh: YẾN TRINH

Người bắt xe đò lên đã khổ, người đi xe máy từ các tỉnh lân cận cũng chẳng đỡ hơn là bao.

Ngồi trên băng ghế ngóng về phía đứa con gái nuôi đang chờ bốc số cho mình, bà Võ Xuân (63 tuổi, ngụ Lái Thiêu, Bình Dương) lắc đầu ngao ngán. Ống quần bà ướt sũng do hai mẹ con dầm mưa từ hồi 22h để tới Bệnh viện Chợ Rẫy thật sớm.

Bệnh lâu rồi, đi cũng nhiều lần thành quen, bà Xuân vẫn thở dài mệt mỏi. Bà bị suy thận hai năm nay, chẳng lạ lẫm gì cảnh ngồi chờ giữa đêm. Nhưng khi thấy con mang phiếu số 106 ra, mặt bà buồn xo.

 Với số này, không chỉ đêm nay mà có thể ngày mới của mẹ con bà sẽ dài đằng đẵng. "Tranh thủ lắm rồi, bốc số này cũng vô chừng lắm, có mấy lần gặp số lớn, tôi đi buổi sáng tới chiều tối mới về. Bốc số nhỏ thì đỡ, 1h chiều là có mặt ở nhà rồi", bà nói rồi nhìn vào tờ phiếu số lớn nhất so với những lần thăm khám trước đây.

Lấy số xong, hai mẹ con bà lật đật đi tìm chỗ ngủ. Mới gần 1h sáng nhưng ở khu vực lấy số người ta nằm ngủ khắp nơi. Hai mẹ con phải đi sang khu đối diện mới tìm được dãy ghế còn trống mấy hàng. "Ngủ không được lâu đâu, xíu nữa là nhân viên ra lau nhà kêu mình đi chỗ khác à", con gái bà nói.

Cũng dễ hiểu vì sao có nhiều người ngủ bờ ngủ bụi như vậy, bởi ở vòng vòng khu này muốn kiếm phòng trọ hay nhà nghỉ là trần thân. Chúng tôi rảo quanh các phòng trọ trước cổng bệnh viện, nhiều chỗ báo hết phòng. Trong bệnh viện có khu nghỉ cho thân nhân bệnh nhân nhưng phải đăng ký trước từ sáng. Khu này cho thuê theo giường, tùy theo lầu, vị trí nằm và các tiện ích đi kèm, giá thuê mỗi đêm 30.000 - 400.000 đồng/người.

Đêm của những người dưới quê lên như anh Nhãn có thể còn mệt mỏi hơn. Anh cho biết mình không quen ngủ chỗ lạ, cộng thêm việc hồi hộp mỗi lần đến bệnh viện, người đàn ông 46 tuổi có thể sẽ thức trắng đêm trên băng ghế lạnh.

Gói ghém chi phí

Cảnh vật vạ ở bệnh viện nửa đêm đâu ai muốn, nhưng có những người phải cố gói ghém, tiết kiệm được khoản nào thì tiết kiệm.

Mẹ con bà Xuân không thuê trọ, không mua chiếu nằm để chắt bóp được thêm mấy chục ngàn xăng xe đi lại. Đồ ăn mẹ con bà tự mang theo, lấy từ trong giỏ xách to tướng ra nào là chai nước, bịch cơm cháy, rồi cả mì gói… Bà nói còn đi khám dài dài, cố gắng tiết kiệm, khi nào đói ráng nuốt miếng cơm cháy rồi uống nước, về nhà muốn ăn gì thì ăn.

Còn mẹ con anh Nhãn quên béng cái chiếu ở nhà, phải bỏ 70.000 đồng mua. "Mền gối tôi đem theo sẵn hết. Lên đây cũng ít ăn uống lắm, không hợp khẩu vị, phần cũng để dành tiền xe đi về", anh nói.

(còn tiếp)

Đặt lịch khám bệnh qua app nhanh và tiệnĐặt lịch khám bệnh qua app nhanh và tiện

Hiện nay khá nhiều bệnh viện có dịch vụ đặt lịch khám qua ứng dụng điện thoại (app). Cách này giúp tiết kiệm thời gian, không phải đợi chờ bốc số rồi chờ hàng giờ mới đến lượt.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên