30/07/2023 10:01 GMT+7

Đi học vẽ tìm sự cân bằng

Thời gian gần đây, nhất là giai đoạn hậu COVID-19, ngày càng có nhiều người trẻ tìm đến các lớp vẽ.

Từ việc học vẽ giải khuây, đến nay việc vẽ tranh như cách giúp Trung Khang nạp năng lượng - Ảnh: C.TR.

Từ việc học vẽ giải khuây, đến nay việc vẽ tranh như cách giúp Trung Khang nạp năng lượng - Ảnh: C.TR.

Họ không học để vẽ tranh bán mà đơn giản như một cách giải trí, thỏa sức sáng tạo hay đơn giản chỉ để học cách điều tiết cảm xúc, làm việc tỉ mỉ hơn.

Khi đã quen với thú vui tao nhã này, nhiều bạn cho biết họ quên luôn chuyện lướt mạng "sống ảo" vốn tưởng như quá quen thuộc và không thể thiếu với nhiều người trẻ hôm nay.

Khi vẽ, một người trẻ như tôi học cách thay đổi, buông bỏ những cái cũ, buộc bản thân mình học cách thích nghi nhanh hơn với những điều mới.

NGUYỄN TRUNG KHANG

Vẽ khi đời chông chênh

Tan ca, chạy ù về phòng trọ, thả mình xuống giường, hôm nào mệt quá ngủ quên luôn xem như khỏi ăn uống vốn là lịch trình gần như mỗi ngày của Nguyễn Thúy Trinh (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) trước đây.

COVID-19 ập tới, giãn cách rồi thất nghiệp, nằm ì trên giường như một trào lưu mà Trinh không quá khó để bắt trend. Nhưng khó khăn bắt đầu xuất hiện liên tiếp, đỉnh điểm là thất nghiệp, cô bạn mày mò tìm đến lớp học vẽ.

Trinh kể ấy là thời điểm bản thân rất chông chênh, cũng chẳng có ý niệm nào về việc học vẽ để làm gì! Chỉ là cô muốn tìm điều gì đó thật mới mẻ để có thể giết thời gian.

Google chỉ cho Trinh đến những lớp học vẽ căn bản online hoàn toàn miễn phí. Cô gái bắt đầu học về cách phân chia bố cục, tạo khối, tạo hình, đi nét... Những điều rất căn bản của môn mỹ thuật chắc cũng hơn chục năm Trinh mới có dịp học lại kể từ thời đi học.

Nhưng hết buổi học thứ ba, Trinh phát chán vì bài học đơn giản và chỉ lặp lại việc họa theo các đường nét, bố cục, hình khối mà "người thầy online" chỉ. Vậy là tiếp tục rà trên mạng, chọn khóa học nâng cao hơn có trả phí.

Nhưng lần nữa, "ông thầy online" lại khuyên: "Các em nghĩ gì, thích gì, muốn gì, có ý tưởng gì cứ thế mà vẽ", Trinh tắt máy, hủy luôn khóa học.

Cô bắt đầu vẽ "điên loạn trong trật tự" theo cách Trinh tự nghĩ và làm. Bút chì, bút máy, bay trét màu, ngón tay hay cả bàn tay đều có thể trở thành dụng cụ vẽ. Trinh tự nhận mình không có quá nhiều đam mê với tranh ảnh, cũng ít có khiếu hội họa nhưng nay đang sống trong căn phòng ngợp màu sắc.

Trinh vẽ rồi treo kín mọi không gian. Quan trọng hơn nhờ vẽ, cô gái 24 tuổi ấy đã tự mình thoát khỏi chứng trầm cảm nhẹ nhờ vẽ, cuộc sống sau giờ tan ca đã tươi tắn và sắc màu hơn.

"Tôi đăng vài bức mình thích lên mạng và được khen nhiều. Nhưng đó không là lý do tôi tiếp tục vẽ. Chỉ đơn giản tôi được là chính mình khi vẽ, mọi áp lực tan biến", Trinh cười.

Cảm hứng bất tận

Một buổi chiều vài tháng trước, Nguyễn Trung Khang (23 tuổi, ngụ quận 10, TP.HCM) nộp đơn xin thôi việc một công ty tài chính có tiếng. Đó là lần thứ hai sau khi tốt nghiệp cử nhân ngành xã hội học, Khang chọn "thất nghiệp chủ động" sau lần đầu tại một cơ quan nhà nước.

Khi loay hoay tìm việc mới, Khang mò mẫm học vẽ. Bức vẽ đầu tiên chính là Khang tự họa hình chính mình, sao chép từ một bức ảnh mình "tự sướng" trước gương.

"Vẽ xong mới biết bức tranh sai tùm lum thứ, từ tỉ lệ, hình khối, bố cục, màu. Nhưng tôi thấy thích lắm, đã lắm, cảm giác như được giải tỏa những cảm xúc xám xịt, những tâm sự bấy lâu", Khang chia sẻ.

Anh bạn tìm đến những người thầy là các sinh viên mỹ thuật, kiến trúc mà cậu quen từ những lần đi tham gia hoạt động tình nguyện chung, cả đứa em là con cô chủ nhiệm lớp 12 của Khang đang theo học ngành mỹ thuật. Được chỉ những bước căn bản, Khang bắt đầu tập vẽ nhiều hơn, các lỗi sơ đẳng dần được cải thiện.

Rồi Khang khoe bức tranh vẽ một sườn đồi có cậu bé đứng quay lưng về phía người xem, thoáng nhìn khung cảnh rất buồn nhưng anh nói rất thích bức này.

Thực ra nền bức tranh ấy vốn khác, có gam màu mát mẻ, tươi vui và sinh động hơn nhưng Khang đã quyết định trét màu lên, vẽ một bức tranh mới. Việc xóa một bức tranh tươi vui để vẽ lên một khung cảnh buồn mang đến cho Khang cảm xúc mới mà anh tự nhận "nó lạ và vui lắm".

Ở thời điểm hiện tại, vẽ không chỉ là thú vui giải khuây nữa mà còn là cuộc sống, một công việc có thể nuôi sống Khang. Ngoài việc đang học tiếp cao học chuyên ngành xã hội học, Trung Khang đang làm công việc của một người thiết kế đồ họa tự do cũng gắn liền với hội họa, sáng tạo, hình khối và màu sắc.

"Vẽ trên giấy, trên toan khi đã đặt cọ xuống sẽ rất khó tẩy xóa, chỉnh sửa. Chính điều này giúp mình hình thành thói quen tỉ mỉ, cảm quan mạnh hơn, chuẩn hơn và chúng đều đang bổ trợ rất nhiều cho công việc hiện tại", Khang cười.

Ngày càng nhiều người trẻ đi học vẽ

Anh Phước Nguyên - giáo viên đứng lớp của một phòng dạy vẽ tự do tại quận 3 (TP.HCM) - chia sẻ xu hướng người trẻ tìm đến các lớp học vẽ đã tăng từ giữa thời điểm đại dịch COVID-19 ập tới và càng đột biến hơn trong thời gian hậu COVID-19.

Trước đó, học phí cho một khóa học từ 1 - 3 tháng hoặc kéo dài đến 6 tháng cho mỗi học viên sẽ có giá dao động từ 2 - 7 triệu đồng/khóa.

Tuy nhiên, khi số lượng học viên các lớp tăng lên, anh Nguyên đã chủ động giảm học phí mềm hơn.

"Việc bố mẹ cho con nhỏ đi học vẽ là rất bình thường. Nhưng hiện nay học viên chiếm số đông trong các lớp học của chúng tôi lại là các bạn trẻ hoặc những người ngoài 40", anh Nguyên nói.

Học sinh người dân tộc ‘vẽ’ tranh từ hàng ngàn hạt gạo mừng sinh nhật Bác HồHọc sinh người dân tộc ‘vẽ’ tranh từ hàng ngàn hạt gạo mừng sinh nhật Bác Hồ

Cuộc thi "Bác Hồ với thiếu nhi - Thiếu nhi với Bác Hồ" năm học 2022-2023 đã thu hút lượng tác phẩm dự thi khủng gần 150.000 bức, và nhiều bất ngờ, thú vị như có bức tranh được xếp từ hàng nghìn hạt gạo.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên