06/01/2024 13:42 GMT+7

Đi học cười

AN VI
và 1 tác giả khác

Bỏ cả đống tiền để học đi, học nói, học cười hay gọi chung là học phong thái khiến nhiều người phát sốc, nhưng vẫn có những người sẵn sàng chi để lĩnh hội nét đẹp của quý cô...

Minh Thư vui vẻ luyện cười với bạn học - Ảnh: AN VI

Minh Thư vui vẻ luyện cười với bạn học - Ảnh: AN VI

Tại một học viện dạy phong thái trên đường Hai Bà Trưng (quận 1, TP.HCM), đúng 9h sáng, các học viên bắt đầu đến lớp, nhìn vào cứ như nữ nhi quốc với cả trăm cô gái xinh đẹp, vui cười.

Muốn làm quý cô thanh lịch

Nhiều người chỉ cần nhìn là biết sinh viên vì mặc sẵn bộ đồng phục trường. Có cô thì diện đồ công ty để học xong thì đi làm luôn. Còn chị nào hơi xuề xòa có thể là nội trợ vừa xong việc nhà, chạy vội đến học.

Tất cả thay lại đồng phục của lớp được thiết kế ôm sát người để thoải mái khi luyện tập và người hướng dẫn có thể nhìn rõ đường cong cơ thể, khung xương học viên trong quá trình dạy.

Các cô được chia từng lớp (khoảng 50 người mỗi lớp) tùy khóa học giá dao động từ 2 - 200 triệu đồng/khóa. Nếu là lớp những học viên mới như Minh Thư sẽ được khởi động bằng 30 phút "giác ngộ". Giảng viên bắt đầu chia sẻ sao cho các cô gái đến đây hiểu rằng "không có phụ nữ xấu, chỉ có phụ nữ không biết mình đẹp".

Phái đẹp chi tiền triệu để học đi, học nói, học cười

Tất cả say sưa nghe giảng "đánh trúng" những gì mà họ đang cần. Ngoài lời "bắt tai", các giảng viên có vẻ ngoài đầy thanh lịch.

30 phút "giác ngộ" hiệu quả tới mức Minh Thư đã nhận ra những cô gái thanh lịch ở đây hoàn toàn không đi đứng khệnh khạng, cười to, nói lớn... giống mình.

Nhưng đó chỉ là "cửa ải" đầu tiên, tiếp theo là bài thực hành cụ thể. Những người đăng ký khóa học 12 ngày như chị Trịnh Thị Kim Chi (44 tuổi) sẽ bắt đầu học để có ánh mắt long lanh, nét mặt cuốn hút và tư thế đi đứng, dáng ngồi chuẩn phong thái.

Chị được yêu cầu ghép đôi thực hành cùng người đối diện. Giảng viên sẽ hướng dẫn chị cách xác định điểm mạnh, yếu của đối phương khi nhìn. Đồng thời chị phải nhắm mắt vài giây, liên tưởng những điều hạnh phúc. Nghe thì có vẻ hơi ngộ, nhưng quả thật sau vài giây liên tưởng, các cô gái ở đây ai cũng nhìn... tươi tắn hơn hẳn.

Cam go nhất vẫn là các bài sửa dáng. Chị Chi được hướng dẫn tư thế ngồi đúng chuẩn cho cổ, vai, đốt sống lưng nằm trên đường thẳng như kẻ chỉ. Hai tay phải khép hờ vào trong và phải giữ tư thế liên tục 30 phút.

Đặc biệt, phần sửa lưng để có dáng đi đẹp là kỹ năng mà chị Chi cũng như nhiều học viên tại đây than gian nan nhất. Họ phải tập đi liên tục theo vạch được kẻ sẵn với khung gỗ đặt sau lưng và dưới chân là giày cao gót.

Những vòng đầu ai cũng tỏ vẻ thích thú vì cô nào cũng quen đi giày cao gót. Nhưng đi được khoảng 3-4 vòng với dáng đúng chuẩn, mặt các cô gái xinh đẹp bắt đầu nhăn nhó vì lưng mỏi, chân đau. Có học viên đứng tuổi hoặc bệnh về xương khớp chỉ cần khom lên khom xuống thôi cũng đã nặng nề. Nhưng với quyết tâm đạt được sự thanh lịch, cả lớp ai cũng cố hoàn thành bài tập dù có nhiều cô đã mỏi ứa ra nước mắt.

Kết thúc phần học sửa dáng đổ mồ hôi hột, chị Chi than: "Tuổi này mà tập các bài về xương khớp kiểu đó đau nhức lắm, giờ thì chưa đâu, tối về mới thấy cảnh". Nhưng không chỉ tập tại lớp, khi về nhà, giảng viên yêu cầu chị cũng như các học viên cố gắng giữ tư thế thẳng để thành thói quen.

Nhiều người trẻ không tiếc tiền luyện tập phong thái khả ái - Ảnh: AN VI

Nhiều người trẻ không tiếc tiền luyện tập phong thái khả ái - Ảnh: AN VI

Cười cũng phải học

Tuy nhiên, thứ chúng tôi ngạc nhiên nhất đó là học cười - điều ai cũng nghĩ là bản năng và phụ thuộc cảm xúc.

Buổi học cười mở đầu bằng những màn khởi động ồn ào. Học viên vỗ tay nhịp điệu kèm theo những tiếng cười to "hô hô, ha ha" và nói theo các câu lệnh giảng viên hướng dẫn để làm giãn cơ mặt.

Chị Nguyễn Thị Hường tại buổi học được giảng viên yêu cầu ngậm đũa đặt giữa hai hàm răng và không được lộ hàm dưới. Nhìn thôi cũng đã thấy mỏi, nhưng chị phải luyện khuôn miệng theo cách này hơn 1 tiếng trước khi vào các bài học sâu hơn.

Các nguyên tắc cơ bản liên tục được giảng viên nhắc đi nhắc lại trong buổi học: không nheo mắt lại khi cười, không tạo nếp nhăn, mắt phải mở to long lanh khi cười, cười tươi chỉ lộ 6-8 răng ở hàm trên, không lộ nướu và hàm răng dưới.

Chị Hường có đôi mắt nhìn hơi buồn, không quá to, giảng viên phải hướng dẫn chị tự dùng tay kéo 2 mí mắt để làm giãn cơ. Luyện đến khi mắt chị có thể tự động mở to mỗi khi cười mới được xem là thành công.

Ở phần ứng dụng nụ cười, chị Nguyễn Quỳnh Trang, CEO đồng thời là giảng viên của học viện, trình bày hẳn một bộ công thức cười khi gặp từng đối tượng cụ thể:

"Gặp những người mới quen, chúng ta chỉ nên nhã nhặn cười bằng mắt, đây cũng là kiểu cười khó học nhất. Còn đối với những mối quan hệ đã quen biết trước, có thể thoải mái hơn bằng nụ cười mỉm. Nụ cười tự nhiên chỉ nên được sử dụng khi đối phương là người thân thiết đã gặp nhiều lần".

Có người hỏi liệu học cùng nguyên tắc như vậy các nụ cười có bị "photocopy"? "Không hề copy vì khuôn miệng, thần khí, hào quang trên gương mặt của mỗi người là khác nhau. Đây chỉ là lý thuyết và bài tập để học viên học cười, còn cười sao cho phù hợp với bản thân thì không giống nhau được", chị Trang lý giải.

Các học viên phải tập đi, đứng cùng với bộ khung gỗ

Các học viên phải tập đi, đứng cùng với bộ khung gỗ

Học để bán hàng

Ai cũng nói muốn trở nên thanh lịch để đi tiệc cho sang trọng, để có thần thái ngút trời, thanh lịch để bán hàng, làm việc... hay đơn giản là thanh lịch để bớt "khô cứng" hơn.

Chị Nguyễn Thị Hường chia sẻ từng mất nhiều mối làm ăn vì thiếu thanh lịch. Đó là lý do chị quyết định gác công việc, lặn lội từ Hà Nội vào TP.HCM để học lớp đặc biệt này.

"Tôi kinh doanh thời trang, trước đây khách hỏi thì tôi cứ giới thiệu như bình thường, sau này nhiều khách phản ánh với người quen của tôi rằng nét mặt tôi hơi cau có. Về nhà nhiều lần tự soi gương thấy mình hơi khó gần thật nên quyết định đi học phong thái", chị Hường nói.

Còn Nguyễn Minh Thư, sinh viên năm 3, đi học phong thái vì cho rằng cô quá cá tính và chưa được thanh lịch. "Gia đình rất quan tâm đến phong thái em, nhiều khi cười lớn, đi khệnh khạng quá là lập tức bị la", cô cười chia sẻ.

Cuộc sống áp lực đang vắng nụ cười

ThS Đinh Văn Mãi - giảng viên bộ phận đào tạo kỹ năng - Trung tâm phát triển năng lực sinh viên Trường đại học Văn Lang - cho biết nụ cười hay phong thái của mỗi cá nhân sẽ tạo nên ấn tượng ban đầu với người đối diện.

Điều đó cực kỳ quan trọng trong công việc, hẹn hò hay đơn giản là để duy trì mối quan hệ lâu dài. Vì thế, các lớp dạy phong thái đang bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam và trở thành một xu thế tất yếu.

"Cuộc sống hiện nay quá nhiều áp lực, hiện tượng vắng nụ cười là điều thường xuyên bắt gặp, kể cả ở những người làm trong ngành dịch vụ, giải trí. Vì thế, trau dồi phong thái là một nhu cầu cần thiết" - ông Mãi cười nói.

Hello Viet Nam! Chúng tôi đã trở lạiHello Viet Nam! Chúng tôi đã trở lại

Theo chân những đoàn khách du lịch từ khắp ba miền Bắc - Trung - Nam với cảm nhận sự trở lại của những du khách tiếp tục chinh phục và quảng bá hình ảnh đất nước con người ở Việt Nam trên những chiếc xe đạp.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên