Viết tiếp câu chuyện phun nước miếng, bạn đọc Trần Hoài Anh viết: Có nhiều lần tôi chứng kiến những người phun nước miếng... Bệnh này nói chung là bệnh vô văn hóa, vô ý thức nặng lắm, cần phải có phác đồ điều trị mới được vì ảnh hưởng đến cả lớp trẻ hiện nay, không cương quyết và biện pháp cứng rắn là thành nan y chứ không phải chuyện đùa. Mong Nhà nước quan tâm đến.
Bạn đọc ngogiaihuu lý giải: Vì cứ nghĩ đường sá là của riêng mình, khi muốn nhổ nước bọt cứ nhổ và muốn gạt thuốc lá cứ gạt, xem người đi đường phía sau mình là rác vậy.
Bạn đọc Tài cho rằng: Phun khạc nhổ nước miếng, đàm trên đường khi đang chạy xe là hành vi của những người vừa mất lịch sự, vừa mất vệ sinh, vừa vô văn hóa.
Bạn đọc Bùi Ngọc Bảo nêu ý tưởng: Theo các bạn có nên in băngrôn treo trên đường khuyến cáo người tham gia giao thông không phun... khi chạy xe không nhỉ? Một hành động vô thức nhưng thật kinh khủng, phải nói là rất kinh khủng.
Bạn đọc nguyencuong viết: Có ai dám chắc là chạy xe trên đường không phun nước miếng không? Toàn quốc có hàng triệu người đi đường thì làm sao giám sát và xử phạt? Và phạt kiểu gì? Trên thế giới tôi chưa nghe thấy xử phạt chạy xe phun nước miếng, do ý thức mỗi người mà thôi.
Cũng nhận định khó mà phạt, bạn đọc Hoàng Sơn Hải viết: Khổ nỗi ai kiểm tra, ai phạt?
Theo bạn đọc Hoàng Sơn Hải, "Việt Nam còn nhiều việc tồi tệ hơn nữa mà chưa xử lý được" qua các ví dụ dẫn chứng: xả rác vô tư đầy đường, xuống kênh; thả chó phòng uế đầy hẻm; để chó sủa inh ỏi suốt ngày đêm làm ồn ào khu phố; độ xe; lắp còi xe hơi vào xe máy; chạy xe nhả khói mù mịt vào mặt người đi phía sau; phóng uế (chân cột điện, bờ rào công cộng); hút thuốc nơi công cộng...
"Ôi trời! Nhiều không kể xiết! Vậy mà đã phạt được mấy ai đâu?" - bạn đọc Sơn Hải cảm thán.
Bạn đọc Văn Minh cũng phản ảnh những hành vi xấu xí khác: "Chuyện khạc nhổ, phun nước bọt, xì mủi ngoài đường hay khi vào quán ăn, quán giải khát, đám tiệc là chuyện thường ngày. Có người đi xe hơi sang trọng khi ra đường còn mở cửa liệng rác ra ngoài xe khi đang chạy trên đường nửa kìa... Có người khi vào quán ăn, nhà hàng lấy chanh tẩy đũa chén cho sạch trước khi ăn nhưng lúc ăn lại khạc nhổ xuống sàn...
Bạn đọc Trâm Anh bình luận: "Có nhiều thứ chúng ta có cả "rừng" quy định nhưng chúng ta không xử phạt được. Ví dụ hút thuốc nơi công cộng, tè bậy ngoài đường. Nên quy định thêm làm chi cho tốn giấy tờ nếu không giáo dục việc tôn trọng người khác".
Bạn đọc Thoang Qua viết: Đã từng bị hứng nước miếng của người khác khi đang chạy xe tự nhiên quay qua khạc cái vèo rồi bị lãnh trọn không kịp né... Khiếp. Nên có quy định xử phạt là đúng. Cần xây dựng nhà vệ sinh công cộng và nơi rửa mặt mũi để tránh tình trạng mất vệ sinh như phóng uế bừa bãi nơi công cộng.
Bạn đọc Trần Quốc Vinh bày tỏ: Tôi nhiều lần gặp phải cảnh này, đang chạy xe phải quan sát xe cộ xung quanh còn phải quan sát thêm việc các xe trên phun nước miếng mà né. Tôi nghĩ cần phải bổ sung vào luật cấm hút thuốc lá khi chạy xe, quá nguy hiểm cho xe sau khi phải hứng chịu khói thuốc làm cay xé mắt cũng như tàn thuốc lá làm cho mù tạm thời, rất nguy hiểm. Một số người thiếu ý thức mà dẫn đến làm hại cho người khác, thật đáng buồn.
Để giải quyết những hành vi xấu xí này, bạn đọc Lý Tuấn Dương phân tích: Xã hội cần phải có những chính sách để phát triển hành vi văn minh hơn nữa. Chúng ta phải học hỏi nhiều ở Singapore. Thói quen xấu rất khó loại bỏ được nếu không sử dụng pháp quyền. Nhà trường cần tăng cường giáo dục ý thức cho học sinh sinh viên thông qua các hoạt động bảo vệ môi trường, nâng cao ý thức về văn hóa như chương trình Mùa hè xanh chẳng hạn. Song song đó Nhà nước phải ra luật, tuyên truyền thường xuyên trên các phương tiện truyền thông, nơi công cộng để giáo dục ý thức của toàn thể người dân.
Bạn đọc Nguyễn Minh Phụng gửi gắm chia sẻ: Mình nghĩ nên giáo dục từ lúc còn ở mẫu giáo, trẻ được dạy bỏ rác đúng nơi quy định thì sẽ bỏ được thói quen này.
Liệu có xử phạt được những hành vi kém văn hóa như thế này? Ngoài ra, theo bạn, còn những cách nào để chấm dứt những hành vi kém văn hóa nơi công cộng? Kinh nghiệm của các nước khác về vấn đề này mà bạn biết? Hãy chia sẻ cùng Tuổi Trẻ Online qua địa chỉ [email protected] hoặc phần Ý kiến bạn đọc ngay dưới bài viết. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận