Người được mời không biết nên làm sao khi chọn quà biếu dịp đám giỗ, sao cho giữ được truyền thống, hài hòa tình cảm bà con chòm xóm, lại không quá tốn kém.
Biếu ký đường, bịch bột ngọt: Xưa rồi!
"Hôm nay có đám giỗ gần, trong bụng bần thần chẳng muốn nấu cơm", chị Ngọc Diễm (44 tuổi, quê Tiền Giang) cười khi nghe câu ca dao này. Đám giỗ quê vốn gần gũi, thân tình giữa họ hàng, xóm giềng, nhưng giờ cũng khiến chị suy nghĩ mỗi khi được mời. Vì chị băn khoăn không biết nên đi tiền hay hiện vật.
Tháng nào nhà chị Diễm cũng được mời đám giỗ, ít thì một, hai, nhiều thì ba, bốn đám. "Có khi số lần đi đám giỗ trong tháng còn nhiều hơn số bữa cơm chung cả nhà" - chị cho biết.
Ngày xưa mẹ chị còn sống, đi đám giỗ thường là mang quà biếu như con gà, con vịt, hoặc vài ký đường, vài bịch bột ngọt, sang một chút thì trái cây, hộp bánh ngọt.
Ai có gì đem đó. Thậm chí nhà có cá, tôm, vịt gà thì mang theo cá, tôm, vịt gà. Và mọi người phụ giúp nấu nướng rồi cùng nhau ăn uống xôm tụ, nói chuyện rôm rả...
Khi ra về, chủ nhà thường "lại quả" bằng cách gửi lại một phần bánh trái khách mang đến hoặc bánh ít, bánh tét do chủ nhà tự gói ăn lấy thảo.
Theo thời gian, mọi thứ thay đổi. Nhiều gia đình ở quê giờ tổ chức đám giỗ rình rang hơn, khách đông hơn. Do đó việc mang quà biếu nhiều khi không còn phù hợp.
"Ở quê nhưng nhiều nhà giờ đám giỗ cũng đặt mâm, đặt thợ nấu ăn. Mình đi bao thơ là hợp lý hơn", chị Diễm chia sẻ. Số tiền bỏ bao thơ từ 100.000 - 300.000 đồng và chị thường chọn mức 200.000 đồng.
Chị nói: "Nhiều nhà đãi tôm, mực, thịt gà, mình đi vài ký đường hay bột ngọt thì họ lỗ".
Dọn dẹp mệt, còn thêm karaoke "tra tấn"
Được mời nhiều quá, không đi thì không được, với một số người, những giá trị tinh thần từ các dịp giỗ chạp ít nhiều bị ảnh hưởng.
Khách mời không đi, mai mốt có đám tiệc, mời lại thì ai đi cho. Chưa nói hàng xóm qua lại gặp mặt nhau hằng ngày, mời không dự ra đường gặp nhau cũng ngại, "không biết ăn nói sao cho phải".
Mỗi ngày kiếm được chừng 100.000 đồng từ việc lựa rau ngoài vựa, chị Nguyễn Liên (42 tuổi, ngụ Long An) cho biết chị cũng áp lực vì những dịp đi đám tiệc, giỗ chạp tốn kém không ít.
"Tháng nào cũng có đám cưới, đám giỗ. Tiền công tôi kiếm được trong lúc nông nhàn coi như đổ hết vào đây", chị chia sẻ.
Anh Tánh ở Bến Tre chia sẻ: "Nhà vợ chồng lớn tuổi chẳng làm gì ra tiền, thi thoảng bán mấy trái dừa, con gà hoặc mấy con tép xổ vuông dành dụm tiền thuốc thang. Nhưng quay qua quay lại tới giỗ tiệc, tuần nào cũng có.
Bỏ bao thư 100.000 đồng thì kỳ, người ta cười cho. Đàn bà còn đỡ, chứ đàn ông còn bia bọt nữa. Nên phải ráng 200.000 đồng là tối thiểu. Một tháng vài đám giỗ tiệc coi như hết tiền dành dụm. Riết rồi nghe tới đám tiệc là ngán luôn. Nhưng hàng xóm không hà, không đi coi sao đặng".
Bà Thu Nga (59 tuổi, ngụ Tiền Giang) kể hôm đám giỗ ở nhà một người bà con xa, do nhà họ neo người, con cái đi làm ở thành phố nên không có ai gói bánh. Bánh đặt thì mắc nên họ nhờ bà gói giùm vài đòn bánh tét, vài chục bánh ít.
Vậy là từ ba, bốn ngày trước, bà lụi cụi ra vườn lựa lá chuối, ngâm nếp, mua bột về. "Hai má con tôi lụi hụi vừa gói vừa nấu. Tới ngày giỗ tôi xách bánh qua, tính đi bằng số bánh này", bà kể.
Nhưng mấy bữa sau bà nghe vài người bà con của chủ nhà, cũng là lối xóm, to nhỏ: "Mấy bịch bột bán ngoài chợ có mấy chục ngàn, sao cũng đi đám giỗ, kỳ ghê!".
Bà Nga phân trần bột bà mua loại ngon, tính ra tiền bột, tiền nếp cũng mấy trăm ngàn đồng. Rồi công sức bà đi lựa lá chuối, gói bánh, nấu, hao tốn củi lửa nữa. Vậy mà...
Còn vợ anh Tánh nói vui: "Mỗi lần đám giỗ xong, đường, bột ngọt nhà tôi ăn cả năm không hết, phải chia bớt cho người thân cùng ăn dần. Nhưng chẳng lẽ ai lại dặn khách đi tiền, đừng đem đường hay bột ngọt tới nữa".
"Xưa đám tiệc ăn uống, nhậu nhẹt chút rồi tranh thủ nghỉ ngơi, nay còn có thêm màn karaoke có khi kéo dài cả ngày. Người dọn dẹp mệt đã đành nhưng lại khiến cả xóm không nghỉ ngơi được", vợ anh Tánh chia sẻ thêm.
Với gia đình anh Thanh An (36 tuổi, ngụ Long An), đám giỗ là dịp để gắn kết tình cảm gia đình và xóm giềng, không đặt nặng chuyện vật chất hay hình thức.
Mỗi dịp giỗ mẹ, nhà anh thường chuẩn bị mấy mâm cỗ chay để bà con, xóm giềng cùng quây quần chuyện trò.
"Đám giỗ không cần mâm cao cỗ đầy, vừa ấm cúng và cũng không làm khó người được mời", anh An chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận