Thiệp cưới thì vẫn ghi đủ các thông tin như giờ đón khách, khai tiệc, địa điểm, bản đồ đường đi rõ ràng. Thậm chí nhiều người còn cho in thêm câu “Để gia đình sắp xếp và tiếp đón chu đáo, quý khách vui lòng đến đúng giờ” nhưng đi trễ thì vẫn cứ đi trễ…
Sợ đi ăn đám cưới!
Nhiều bạn đọc kêu lên như thế khi mỗi lần đi ăn đám cưới là một lần chờ đợi “đến dài cả cổ!”.
Rất nhiều bạn đọc cũng tỏ ra đồng cảm với chia sẻ: “Mấy lần đầu chưa có kinh nghiệm nên đi đám cưới đúng giờ, cảm thấy trơ trọi, bơ vơ, lạc lõng dễ sợ”.
Bạn đọc phân tích: “Nhiều người có tật đến trễ về sớm để được là người... quan trọng. Cũng có người nghĩ tiêu cực là đi sớm sẽ mang tiếng… ham ăn. Nhiều chị em lại có bệnh đi trễ để được mọi người ngắm mình... đẹp, kéo theo nhiều anh chàng cũng phải trễ”.
Một bạn đọc trào phúng khuyên “thiệp ghi thế nào cũng không quan trọng, chỉ cần biết trưa hay tối. Cứ trưa thì 11g có mặt, tối thì 19g có mặt” khi thường xuyên phải ngồi chờ đợi trong các tiệc cưới do đến… đúng giờ.
Nhiều bạn đọc lý giải rằng việc đến trễ cũng một phần là do đi đám cưới bây giờ chỉ giống như đi “trả nợ”, “vì họ đi đám cưới của nhà mình nên giờ phải đi lại”. Tiệc cưới bây giờ chỉ như các bữa tối “miễn cưỡng và hết sức mệt mỏi”, chỉ “ăn vội rồi về” cho xong nghĩa vụ!
Ngày xưa đâu có thế
Phân tích về những điểm khác biệt giữa đám cưới xưa và nay, tiến sĩ (TS), nhà văn hóa học Nguyễn Nhã cho biết trong những đám cưới miền Bắc ngày xưa, khách đi lễ rước dâu xong là thết đãi tiệc ăn luôn.
“Người ta tính giờ hoàng đạo rất kỹ và mọi người cũng tuân theo nên chẳng ai phải chờ ai cả”, TS Nguyễn Nhã cho biết.
Chị Nguyễn Thị Thu Thủy, một người từng sống tại Mỹ và châu Âu, nhấn mạnh sự khác biệt giữa phong tục tổ chức tiệc cưới ở nước ngoài với ở VN. “Thường các nhà hàng ở nước ngoài cho thuê theo thời gian. Nếu như tiệc tổ chức vượt quá số giờ quy định trong hợp đồng thì mình sẽ phải chịu trách nhiệm tiền bạc nên không ai chờ đợi người này người kia rồi mới bắt đầu tiệc. Việc chờ đợi như thế cũng không phải là thói quen của họ. Người nước ngoài có sự chuẩn bị trước rất kỹ. Vài tháng trước khi diễn ra đám cưới đã đưa thiệp mời và khách phải gửi thiệp xác nhận xem họ có đi không và đi cùng những ai. Họ rất coi trọng lời hứa với cô dâu chú rể, nói đi là chắc chắn sẽ đi. Việc này cũng giúp gia đình tổ chức tiệc cưới dự trù được hết mọi thứ. Không có chuyện dư đồ ăn như ở VN. Thường ở nước ngoài người ta tổ chức lễ cưới vào buổi trưa, đến tối mới mở tiệc. Người ta cũng phân định rạch ròi: khách mời dự lễ và khách mời dự tiệc. Khách mời dự lễ chỉ gói gọn trong gia đình, bạn bè thân thiết. |
Còn trong tục lệ nhóm họ của người miền Nam, ai đến trước ăn trước, ai đến sau ăn sau. Còn lễ thì được tổ chức sau khi khách đã ăn xong.
“Đi ăn đám cưới bây giờ nhìn cô dâu chú rể thấy tội quá vì họ luôn phải chờ khách rất lâu. Tôi nghĩ các tiệc cưới nên đón khách chừng nửa tiếng thôi. Người nào đến trễ thì phải chịu.
Việc đến trễ là một thói quen. Mà thói quen thì có thể chỉnh được và có thể tạo thói quen mới được. Bây giờ có nhiều người đi đúng giờ thì mọi người sẽ đi đúng giờ thôi”, TS Nguyễn Nhã nhận định.
Cũng cho rằng việc đi trễ là một thói quen có thể chỉnh sửa được, ThS xã hội học Lê Minh Tiến cho rằng phải bắt đầu từ những người có vị thế, có vai trò, có sức ảnh hưởng đến cộng đồng.
“Họ phải đến sớm để làm gương, không để ai phải chờ đợi mình, không được hình thành tâm lý mình quan trọng nên có thể đi trễ.
Ngoài ra, những người lên kế hoạch cho các buổi lễ tiệc cũng phải có ý thức tổ chức đúng giờ, không vì thấy ai quan trọng mà chờ đợi. Người VN hay có tính cả nể, hay đợi người có chức quyền, người quan trọng đến rồi mới bắt đầu lễ tiệc chứ không quan tâm đến số đông phải chờ đợi mệt mỏi”, ThS Minh Tiến thẳng thắn.
Đi trễ vì tự cho mình là người quan trọng?
Theo ThS Minh Tiến, đi trễ là thói quen của người VN ở nhiều chuyện khác chứ không chỉ có ở các đám cưới.
“Tâm lý tổ chức tiệc ở VN là phải càng lớn người ta mới càng thấy hoành tráng. Mà càng lớn tức là càng mời nhiều và như thế thì càng phải chờ đợi nhiều”, ThS Minh Tiến nhận xét.
PGS.TS Vũ Hào Quang, nguyên phó viện trưởng Viện nghiên cứu dư luận xã hội (Ban Tuyên giáo trung ương), cho rằng có hai nhóm nguyên nhân chính dẫn đến việc một bộ phận người Việt thường xuyên đi trễ và xem chuyện đi trễ là bình thường.
Một là do thói quen, thấy người khác đi trễ thì mình cũng tự cho mình quyền đi trễ.
Hai là muốn thể hiện mình là nhân vật quan trọng trong mắt người khác.
“Đó là cách gây ấn tượng của kiểu tư duy nông nghiệp”, PGS.TS Vũ Hào Quang nói.
PGS.TS Vũ Hào Quang đồng tình với ý kiến cho rằng nhiều bữa tiệc bị trì hoãn giờ bắt đầu vì còn phải chờ người có chức cao, người lãnh đạo đến dự. Nếu người ấy chưa xuất hiện thì mọi chuyện chưa thể bắt đầu.
PGS.TS Vũ Hào Quang thẳng thắn chỉ rõ vẫn còn một bộ phận cán bộ nhỏ “có chức có quyền” có tư tưởng mình là Mr. Oai, không muốn đến đúng giờ, muốn mọi người chờ đợi như một cách thể hiện quyền lực, không chỉ trong đám cưới mà bất cứ chỗ nào có thể thể hiện sự quan trọng của bản thân họ.
“Tệ sợ quan, tệ sùng bái cá nhân này, theo tôi là tàn dư của văn hóa phong kiến còn sót lại trong xã hội chúng ta ngày nay. Nhiều người còn xem tiệc tùng, lễ lạt là cơ hội để thể hiện sự trung thành với cấp trên. Ngày xưa mọi người sống duy tâm hơn, dù ông quan có đến trễ thì vẫn phải tiến hành lễ đúng giờ lành”, PGS.TS Vũ Hào Quang chia sẻ.
Mời bạn đọc nghe phát biểu trong bài:
>> TS Nguyễn Nhã
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận