08/09/2024 09:39 GMT+7

Đi cùng ước mơ: Vượt bóng tối, tôi muốn cho đi

Hơn bốn năm qua, Lôi Trường Giang (25 tuổi) - sinh viên ngành luật dân sự Trường ĐH Luật TP.HCM - vẫn miệt mài dạy tin học miễn phí cho những học sinh khiếm thị như mình.

Đi cùng ước mơ: Vượt bóng tối, tôi muốn cho đi! - Ảnh 1.

Trường Giang đã học và thành thạo phần mềm đọc màn hình hỗ trợ người khiếm thị để tìm cơ hội phát triển, dạy tin học và kết nối với mọi người - Ảnh: THANH NHI

Mở giáo án dạy tin học ứng dụng trên laptop, Trường Giang kê điện thoại sát tai để nghe phần mềm hỗ trợ người khiếm thị đọc màn hình. Rồi anh gửi đường link truy cập nhắc học trò sẽ có tiết học buổi sáng với mình.

Mình nghĩ đơn giản là khi hỗ trợ cho người có hoàn cảnh giống mình hoặc còn khó khăn hơn cả mình mà thiếu sự đồng cảm, không đến với nhau bằng tình thương và không hiểu được họ đang cần gì thì xem như thất bại rồi. Và mình không muốn làm một người thất bại.
LÔI TRƯỜNG GIANG

Đi tìm ánh sáng đời mình

Hai chị em Trường Giang được xác định do ảnh hưởng của chất độc da cam. Từ bé, cậu chỉ có thể nhìn mọi thứ xung quanh với đôi mắt mờ. Đến tuổi đi học, Giang không thể viết được chữ như người sáng mắt nên đã rời quê Đồng Nai đến ở một mái ấm tại Sài Gòn và theo học trường dành cho người khiếm thị.

Lên lớp 3, mái ấm mở lớp tin học, Giang bắt đầu làm quen với những phần mềm máy tính hỗ trợ người khiếm thị. Tính hiếu kỳ, cậu học trò đã nhiều lần khám phá các phần mềm khiến chúng báo lỗi rồi tự mày mò tìm cách sửa. Lúc ấy, mắt Giang vẫn còn có thể nhìn thấy mờ mờ.

Cuộc sống những tưởng cứ thế êm đềm trôi cho đến một ngày mưa năm Giang 18 tuổi, thị lực của cậu biến mất vĩnh viễn. Giang nhớ đó là một sáng chủ nhật, đang ngồi học với máy tính, hình ảnh trước mắt bỗng nhiên tối sầm lại. Cậu bạn hoảng loạn vô cùng khi tất cả chỉ còn là bóng tối.

"Thời điểm đó mình khá tiêu cực, muốn buông bỏ mọi thứ. Khi dần trấn tĩnh lại, mình nhớ có bao người xung quanh dù không nhìn thấy vẫn sống tốt, còn giúp đỡ cho cộng đồng. Điều đó khiến mình tự thấy không việc gì phải buồn vì cũng chỉ là chịu thêm một xíu thiệt thòi nữa thôi" - cậu sinh viên luật điềm tĩnh chia sẻ.

Hồi học THPT, Giang và nhiều bạn đồng cảnh ngộ không ghi chép được chính xác công thức hay ký hiệu thầy cô giảng trên lớp. Nên ngoài giờ học luôn phải nhờ người hỗ trợ mới có thể tiếp thu bài tốt hơn.

Vậy là Giang cùng anh Hoàng Minh Trí - chủ nhiệm Mạng lưới sinh viên khiếm thị khu vực phía Bắc - đã sáng lập dự án cộng đồng dành cho người khiếm thị MPVI (Mentorship for People with Vision Impairment - tạm dịch: tư vấn cho người khiếm thị). Dự án này trở thành cầu nối giữa các tình nguyện viên dạy học với các bạn học sinh khiếm thị khắp cả nước.

Đi cùng ước mơ: Giang muốn theo nghề luật

Giờ học bắt đầu, Giang dùng hai chiếc tai nghe. Chiếc có dây được cắm vào laptop để nghe giáo án bên tai phải. Chiếc không dây kết nối với điện thoại bên tai trái để nghe học sinh phản hồi. Vừa dạy lý thuyết, Giang vừa cho học sinh thực hành với yêu cầu mở loa ngoài để thầy kiểm tra.

Buổi học nào cũng vậy, Giang luôn hỏi đi hỏi lại học sinh đã hiểu bài chưa. "Anh Giang rất nhiệt tình, đã hỗ trợ mình rất nhiều. Mình muốn học là anh sẵn sàng dạy, truyền đạt rất chi tiết. Chỗ nào chưa hiểu, anh sẽ giảng lại liền" - Nguyễn Thị Ngọc Lan (học sinh lớp tin học ứng dụng) - kể.

Ngoài bám sát kiến thức trong giáo trình tin học dành cho người khiếm thị, Giang tìm thêm kiến thức mở rộng cho học trò. Có những buổi học, thầy Giang say sưa dạy đến ba tiếng mà không biết mệt.

"Mình thường cho các bạn trao đổi và thực hành cùng mình luôn. Với kiến thức nào mà học sinh tìm được mẹo gì đó hay hơn, mình sẽ mời các bạn chia sẻ trong buổi học để cùng học lẫn nhau" - anh thầy tình nguyện cười.

Lôi Trường Giang muốn trở thành luật sư, anh muốn đi cùng ước mơ đó của mình. Đó là lý do ở tuổi 25, bạn vừa bước vào năm 4 sinh viên luật. "Mình muốn hỗ trợ người yếu thế trong xã hội và vẫn tiếp tục dạy tin học miễn phí cho người khiếm thị như hiện tại" - Giang bày tỏ.

Hết mình với công việc

Anh Hoàng Minh Trí - chủ nhiệm dự án MPVI - cho biết hằng tháng dự án đều thu thập thông tin báo cáo từ các bạn học sinh. Trong đó có mục đánh giá người dạy và hầu như các bạn đều đánh giá rất tốt về thầy Trường Giang. Bởi Giang bước vào giờ dạy và luôn gửi vào đó sự đồng cảm với học trò.

Còn Trường Giang trong vai trò phó chủ nhiệm dự án MPVI, ngoài trực tiếp đứng lớp, dạy sử dụng các phần mềm hỗ trợ đọc màn hình cho người khiếm thị, Excel, Word... anh kiêm luôn quản lý, giám sát nhân sự và các hoạt động của dự án. "Trường Giang khá ít nói, không vồn vã, phô trương nhưng luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao" - anh Minh Trí nói.

Đi cùng ước mơ: Vượt bóng tối, tôi muốn cho đi! - Ảnh 2.Sinh viên khiếm thị luôn phá bỏ sự e ngại để đóng góp cho cộng đồng

Dù không nhìn rõ nhưng Tạ Bình An luôn nhận mình là người may mắn, đã dám phá bỏ sự e ngại của bản thân để đóng góp cho cộng đồng người khiếm thị.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên