​Đi cùng hành trình chính trị của Mahathir Mohamad

NGUYỄN CẢNH BÌNH 03/02/2015 03:02 GMT+7

TTCT - “Trong suốt nhiệm kỳ của mình, tôi thường tự hỏi vì sao một người dân thường như tôi lại có thể nắm giữ chức vụ này, một chức vụ không dành cho một người bác sĩ. Đó cũng là hành trình đầy ngạc nhiên, đầy thách thức”

 

1. Năm 2012, trong chuyến đi Malaysia, có một cuốn sách khiến tôi cuốn hút để sau đó tôi quyết tâm mang cuốn sách về Việt Nam và xuất bản đầu năm 2014, đó là Hồi ký chính trị của cựu thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad (*).

Dài tới 940 trang khổ lớn, cuốn sách kể về cuộc đời của chính ông, đặc biệt là giai đoạn giữ chức thủ tướng suốt 22 năm (1981-2002), nhưng đó cũng chính là câu chuyện về sự phát triển của đất nước Malaysia.

Hành trình đó đầy bất ngờ, như chính ông tự viết: “Trong suốt nhiệm kỳ của mình, tôi thường tự hỏi vì sao một người dân thường như tôi lại có thể nắm giữ chức vụ này, một chức vụ không dành cho một người bác sĩ. Đó cũng là hành trình đầy ngạc nhiên, đầy thách thức”, với ông và với nhiều người, trong đó có tôi.

Tôi biết nhiều đến Mahathir qua cuốn hồi ký Từ thế giới thứ ba cho đến thế giới thứ nhất của Lý Quang Diệu và rồi biết ông được coi là một trong những người khổng lồ châu Á, như trong cuốn sách của Tom Plate.

Cũng giống như sự phát triển của Singapore dưới sự dẫn dắt của Lý Quang Diệu, câu chuyện về sự phát triển của Malaysia dưới sự dẫn dắt của Mahathir cũng hấp dẫn, lôi cuốn không kém nhưng gian truân hơn, vất vả hơn bởi khác với Singapore, Malaysia đã làm nên kỳ tích từ một dân tộc bị chia cắt, có phần lạc hậu, thậm chí “lười biếng”, như chính ông nhận xét, và lạc hậu với 80% dân số không biết chữ vào những năm đầu thế kỷ 20.

Vậy mà, Mahathir cuối cùng đã vượt qua được những thử thách, những trở ngại và chống đối để thực hiện được một kỳ tích cho sự phát triển của đất nước mình.

 Mahathir Mohamad thời trẻ

 2. Với tôi, hành động xuất sắc nhất của Mahathir không phải là khi nhận chức thủ tướng mà là việc ông đã làm trước đó hơn 10 năm.

Năm 45 tuổi, ông quyết định công bố cuốn sách The Malay Dilemma (Thế bế tắc của Mã Lai). Đây là một hành động đầy quả cảm của một con người hiểu biết sâu sắc về dân tộc mình, về đất nước mình khi chỉ ra những trục trặc, sự bế tắc chính trị và cả những yếu kém của người Malaysia, cũng như chỉ ra con đường mà người Malaysia phải vượt qua nếu muốn trở thành một đất nước phát triển và văn minh.

Ông muốn xây dựng một nền móng mới, một hướng đi mới cho Malaysia, trong đó lôi cuốn nhất với tôi là giải pháp về sự hòa giải hai dân tộc Mã Lai và Hoa kiều tại Malaysia, vì mục tiêu phát triển chung của đất nước.

Khi đó người Hoa chiếm tới 30% dân số của Malaysia, đa số là những người giàu, nắm trong tay tiềm lực kinh tế rất lớn. Trong khi người Malaysia phần lớn là dân lao động, ít học, lại không có chí tiến thủ.

Nhiều người cam chịu trước sự bế tắc chính trị này, nhiều người muốn trục xuất và xua đuổi người Hoa, nhưng Mahathir nỗ lực vận động cho việc dung hòa giữa hai tộc người, tận dụng khả năng của cộng đồng người Hoa để thúc đẩy phát triển nền kinh tế, song song với đó là yêu cầu người Mã Lai phải tự nâng cao trình độ của bản thân để có thể đảm nhiệm vai trò lãnh đạo tại đất nước của chính mình.

Bên cạnh kiến thức, sự hiểu biết, phải nói đến sự dũng cảm của Mahathir khi ông công bố Thế bế tắc của Mã Lai lúc ông đang là nghị sĩ và là một đảng viên quan trọng trong Đảng Umno, rồi chỉ trích Thủ tướng Tukun, để rồi bị trục xuất khỏi đảng, năm năm sau đó trở thành một bác sĩ bình thường, mở một phòng mạch tư ở quê nhà, xa dần mọi hoạt động chính trị.

Tôi rất khâm phục ông bởi ông đã dám đương đầu với chính phủ khi đó, chấp nhận những tổn thất, rủi ro để công bố một cuốn sách, một đường lối sau này đã được thực tế chứng minh là đúng đắn cho Malaysia. Ông đã không bỏ cuộc!

3. Hành động và cách ứng xử đáng kể khác của Mahathir là những việc, những cải cách mà ông đã làm trên cương vị bộ trưởng Bộ Giáo dục. Ông nỗ lực vận động và ép buộc sinh viên, công chức học tiếng Anh, và sau này trên cương vị thủ tướng, ông ra quyết định coi đó là ngôn ngữ thứ hai được sử dụng tại mọi cơ quan, trường học...

Bởi ông coi đó là con đường duy nhất, là chìa khóa mở ra cánh cửa tri thức và phát triển cho Malaysia. Ông cũng kiên quyết phạt roi, chấp nhận sử dụng các biện pháp cứng rắn, kể cả đuổi học những sinh viên, học sinh chống đối với những người tham gia biểu tình kêu gọi ủng hộ chủ nghĩa dân tộc...

Hồi ký chính trị - Tun Dr Mahathir Mohamad sẽ giúp người đọc hiểu được những thách thức mà Mahathir phải đương đầu trong suốt 20 năm cầm quyền.

Ông đã nỗ lực thực hiện những chính sách kinh tế mới để đưa Malaysia từ thế giới thứ ba lên thế giới thứ nhất, khởi xướng và ủng hộ việc xây dựng tòa tháp đôi Petronas, tìm cách đưa đường đua công thức F1 về Malaysia để quảng bá hình ảnh đất nước, thu hút đầu tư, cổ vũ tinh thần dân tộc một cách mạnh mẽ để người Malaysia dần dần vươn lên và nắm giữ vị trí chủ nhân đất nước của mình...

Cùng với Singapore, Hàn Quốc..., câu chuyện về sự phát triển của Malaysia và về chính cuộc đời Mahathir là một câu chuyện đầy lôi cuốn và hấp dẫn với những tương đồng, vì Malaysia đã giải quyết được nhiều vấn đề lớn tương đồng với Việt Nam.

(*): A doctor in the house: the memoires of Tun Dr Mahathir Mohamad, Alpha Books & NXB Thế Giới phát hành.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận