Đi cùng cơn bão là làn gió đổi thay

PHAN BẢO 23/11/2021 18:10 GMT+7

TTCT - Đại dịch COVID-19 làm đảo lộn mọi thứ trong công cuộc dạy và học trên toàn cầu. Nó không chỉ chuyển bài học trong lớp lên không gian mạng, mà còn khiến ta phải xem lại từ bản chất của công tác giảng dạy, việc học sinh đến lớp, hoạt động khảo thí cho đến vai trò của công nghệ và mối liên hệ giữa người với người. Ngày càng có nhiều người tin rằng những thay đổi tưởng chừng như là tạm thời đối với ngành giáo dục trong hơn một năm qua sẽ còn duy trì rất lâu.

 
 Ảnh: Shutterstock

“[Đại dịch] có thể là cơ hội đổi mới tư duy về trường lớp. Điều quan trọng là chúng ta luôn không ngừng suy nghĩ về cách phát triển việc dạy và học để trẻ em được hưởng những lợi ích giáo dục tốt nhất” - Bộ trưởng Giáo dục Mỹ Miguel Cardona nói với The Washington Post.

Học từ xa còn hoài

Một trong số những thay đổi của ngành giáo dục trong đại dịch chắc chắn phải kể đến đầu tiên là việc học online. Đây là mô hình tai họa đối với nhiều người vì nhiều lý do như tương tác bị cản trở bởi chiếc màn hình khô cứng hay chỉ đơn giản là tín hiệu kết nối yếu, hoặc tệ hơn là không có điều kiện tiếp cận thiết bị, mạng, song không thể phủ nhận mô hình này có những lợi ích sẽ giúp nó còn tồn tại mãi.

Theo The Washington Post, sự phát triển của hệ thống học tập từ xa ở Mỹ hiện vẫn chưa dừng lại. Dẫu trận đại dịch này đã chứng minh rằng trẻ em học tập tốt nhất ở môi trường tiếp xúc trực tiếp, trong không gian 3 chiều, dưới sự hướng dẫn của giáo viên và có bạn bè xung quanh, nhưng học từ xa cũng không phải là không có mặt tốt, nhất là đối với các bạn trẻ phải đi làm thêm, những trẻ gặp phải một số vấn đề y tế đặc biệt, và những em chỉ đơn giản là thích học online.

Học từ xa cũng mở rộng khả năng tiếp cận các khóa học ít phổ biến. Chẳng hạn, nếu một trường trung học mở một lớp dạy tiếng Bồ Đào Nha, học sinh ở trường khác có thể tham gia lớp học đó từ xa.

Nhìn thấy những khía cạnh tích cực kể trên, nhiều nơi ở Mỹ như bang Colorado và Washington đang phát triển các chương trình học từ xa toàn thời gian. Cụ thể, một nghiên cứu của Tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận Rand Corp. cho thấy cứ 10 hệ thống trường học thì có khoảng 2 trường đang áp dụng chương trình trường học ảo, hoặc đang lập kế hoạch để triển khai, hoặc ít nhất đang cân nhắc ý định thực hiện. Con số này càng củng cố thêm niềm tin của nhiều lãnh đạo địa phương rằng cách làm đổi mới trên sẽ duy trì lâu sau đại dịch.

Cây bút Marcella Bombardieri của trang Politico cho biết nhiều chuyên gia cũng đồng tình với quan điểm rằng hình thức học từ xa là một lựa chọn tốt sẽ còn được duy trì lâu dài. Ngay cả khi việc học trực tiếp tại trường được khôi phục hoàn toàn, việc online sẽ giúp sinh viên dễ dàng lập các nhóm học và làm bài tập về nhà cùng nhau, tham gia vào các dự án mã hóa, nghệ thuật kỹ thuật số hoặc thực hành chăm sóc bệnh nhân trong một bệnh viện mô phỏng khi theo học các khóa đào tạo những ngành nghề chăm sóc sức khỏe. Thêm vào đó, tiếp cận với các dịch vụ như y tế từ xa và các nguồn lực phát triển lực lượng lao động cũng là một bước chuẩn bị tốt giúp trẻ em và gia đình của chúng thành công trên cả trường học và trường đời, theo Bombardieri.

“Thay đổi này giống như một khi vị thần đã chui ra khỏi cái chai thì không có cách nào có thể khiến nó quay trở lại trong đó” - Paul Reville, cựu thư ký giáo dục Massachusetts và giám đốc sáng lập Phòng thí nghiệm tái thiết giáo dục tại Trường Giáo dục sau đại học của Đại học Harvard nói với The Washington Post.

Thúc đẩy cải cách giáo dục

Xen giữa cơn bão COVID-19 làm đảo lộn ngành giáo dục là làn gió đổi thay. Nhiều cải cách giáo dục từng bị xem là khó nhằn hoặc phải mất nhiều năm đã diễn ra một cách vô cùng dễ dàng và nhanh chóng dưới áp lực buộc phải thay đổi. Đại dịch cho thấy việc thay đổi trong cách dạy và học là hoàn toàn có thể, vấn đề là có muốn hay không mà thôi.

Theo tạp chí The Economist, tại bang Colorado, học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông của hệ thống trường công Springs Studio for Academic Excellence hiện chỉ phải đến lớp 2 hoặc 3 buổi mỗi tuần. Thời gian còn lại trong tuần, bọn trẻ học online. David Knoche, một giáo viên chủ nhiệm tại đây, đánh giá rằng thời khóa biểu này giúp học sinh của thầy thực sự dành nhiều thời gian với giáo viên hơn so với khi họ bị ép uổng phải gặp mặt nhau cả tuần. Hơn nữa, khi học sinh tự học nhiều hơn, giáo viên cũng có thể rảnh tay quan tâm những học sinh thực sự cần trợ giúp một cách sát sao hơn.

Về lý thuyết, những mô hình như Trường Springs Studio for Academic Excellence không yêu cầu học sinh lúc nào cũng phải ở nhà và học dưới sự giám sát của phụ huynh. Dù vậy, Noam Gerstein, nhà sáng lập người Israel của Bina - một trường tiểu học trực tuyến mới thành lập có trụ sở chính tại Berlin, cho rằng một số nhà đầu tư lớn sẽ sẵn sàng chi trả để con cái của nhân viên được tiếp cận trường học trực tuyến, như một phúc lợi dành cho người lao động. Gerstein hình dung các công ty sẽ tạo ra những không gian trong tòa nhà của họ để con cái của nhân viên có thể học trực tuyến tại nơi làm việc của cha mẹ. Cô nghĩ rằng chắc hẳn không ít bậc phụ huynh sẽ thích có thể thỉnh thoảng ngó thấy con mình học tập trong khi đang làm việc.

Mặt khác, để bổ trợ hình thức học từ xa, một dịch vụ giáo dục “mới nhưng không mới” đã nở rộ ở Mỹ vào hè năm ngoái, đó chính là học gia sư. Các gia đình trung và thượng lưu thường thuê gia sư theo nhóm riêng để hỗ trợ việc học trực tuyến, hay thậm chí thay thế hoàn toàn, theo The Washington Post. 

Trong khi đó, nhiều phụ huynh ít có điều kiện hơn và quen biết nhau trong cùng một nhóm kinh tế - xã hội trở nên quan tâm đến ý tưởng hình thành một không gian gọi là “pod” để con cái của họ có thể tụ hội lại học tập cùng nhau. Ban đầu, những phụ huynh này luân phiên nhau giám sát việc học của bọn trẻ ở các pod, trước khi các công ty gia sư nhanh nhạy nắm bắt thị trường, điều chỉnh mô hình kinh doanh để đáp ứng nhu cầu của phụ huynh với các dịch vụ dạy kèm cả trực tiếp lẫn trực tuyến.

Các dịch vụ dạy kèm và chăm sóc trẻ em đã bùng nổ ở Mỹ trong mùa hè 2020. Care.com, một trang web liệt kê danh sách người chăm sóc trẻ, quản gia và gia sư, ghi nhận mức tăng trưởng 92% đối với tập khách hàng là các gia đình thuê người chăm sóc hoặc gia sư cho một nhóm nhiều trẻ em vào tháng 7-2020, theo tạp chí Vox.

Nhờ Facebook và các trang web như Care.com, các nhóm pod có thể dễ dàng kết nối với giáo viên địa phương và gia sư chuyên biệt. Hai bên thoải mái thảo luận về số lượng học sinh mỗi nhóm, thời gian và mức phí theo giờ của dịch vụ. Mức phí cho các nhóm học này khởi điểm từ 100 đôla mỗi giờ cho mỗi pod với 2 học sinh, và tăng thêm 10 đôla cho mỗi em kế tiếp, với cam kết tối thiểu 3 buổi mỗi tháng. Tùy thuộc vào thời lượng và tần suất của các buổi dạy kèm, các gia đình có khả năng phải chi đến hàng trăm đôla một tuần cho dịch vụ gia sư tại nhà.

Lẽ thường, chuyện tốt đẹp nào cũng có những mặt trái. Không phải ai cũng ủng hộ quan điểm phát triển giáo dục từ xa ngay cả khi đại dịch kết thúc. Randi Weingarten, chủ tịch Liên đoàn Giáo viên Mỹ, cho rằng học từ xa chỉ là lựa chọn bổ sung chứ không thể thay thế cho việc giảng dạy trong trường. Weingarten nhấn mạnh rằng học tập trên lớp là phương pháp tốt nhất cho đại đa số học sinh và học từ xa sẽ khiến học sinh càng bị cô lập thêm. “Nhìn chằm chằm vào màn hình cả ngày không phải là tối ưu. Sự mệt mỏi khi xem ứng dụng Zoom nhiều là có thật” - Weingarten nói với The Washington Post.

Trong khi đó, nhiều nhà hoạt động vì giáo dục đang lo ngại rằng dịch vụ dạy gia sư theo pod sẽ khiến tình trạng bất bình đẳng giáo dục vốn đã tồn tại từ lâu trở nên trầm trọng hơn. “Nhiều gia đình trung lưu quan niệm rằng học trực tuyến không đủ tốt, và thế là họ thuê gia sư riêng. Nhưng sự thật là, dù năm học này có tồi tệ đến đâu, những đứa trẻ của họ rồi cũng sẽ ổn thôi. Nếu có điều gì họ cần làm thì chính là nên dành tiền bạc, thời gian và sức lực của họ để ủng hộ xây dựng các giải pháp học tập từ xa tốt hơn” - Shayla Griffin, đồng sáng lập Justice Leaders Collaborative, một tổ chức chuyên về các vấn đề bình đẳng xã hội trong giáo dục và đào tạo, nói với Vox. Theo Griffin, mặc dù một số nhóm pod đã đề xuất hỗ trợ phí học gia sư hoặc thậm chí cấp suất học dạy kèm cho các học sinh khó khăn, cách làm của họ không giải quyết được vấn đề bất bình đẳng giáo dục một cách toàn diện.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận