Lỗi đó từ đâu ra và làm sao để sửa lại văn hóa đi chùa, đi lễ hội đầu xuân của người mình?
Tuổi Trẻ trò chuyện với PGS.TS Nguyễn Thanh Xuân - giảng viên cao cấp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nguyên phó trưởng ban thường trực Ban Tôn giáo Chính phủ.
Ông Xuân có 32 năm làm việc ở Ban Tôn giáo Chính phủ, trong đó có thời gian làm công tác Phật giáo.
Trong Phật giáo không có cầu xin
* Thưa ông, vì đâu mà Phật giáo khi vào nước ta, từ một tôn giáo đầy tính triết học, dạy con người ta tu thân, giác ngộ, giải thoát, lại thành ra nơi để một số người dân đến để cúng lễ cầu xin đủ thứ vậy?
- Nét đặc trưng của Phật giáo du nhập vào Việt Nam hòa trộn sâu sắc với tín ngưỡng truyền thống.
Trong Phật giáo không có cầu xin. Phật giáo là tu học, chuẩn bị cho thế giới sau khi chết, sống sao để được giải thoát, nhập niết bàn, chứ không phải xuống địa ngục.
Còn tín ngưỡng ngoài giá trị đạo đức, văn hóa, giá trị tình cảm là cầu xin cho cuộc sống hằng ngày như công danh, tài lộc...
Như vậy, Phật giáo và tín ngưỡng đều thuộc phạm trù tâm linh nhưng có sự khác nhau nhất định.
Khi Phật giáo và tín ngưỡng cớ sự dung hợp nên mới có một số người đến chùa để cầu xin cho những mong muốn hằng ngày. Nhờ dung hợp với tín ngưỡng địa phương,
Phật giáo tạo ra sắc thái riêng góp phần lưu giữ văn hóa truyền thống, đồng thời mở rộng ảnh hưởng đối với xã hội. Nhưng nếu lạm dụng sự dung hợp với tín ngưỡng có thể khiến đây đó Phật giáo ít nhiều bị mất uy tín và suy giảm ảnh hưởng.
Thực tế ở Việt Nam, nhiều chùa hình thành cơ chế tiền Phật hậu thánh, tiền Phật hậu mẫu. Có những người đến chùa là nặng theo tín ngưỡng chứ không phải theo Phật giáo.
Họ không hiểu giáo lý Phật giáo, không thực hành Phật giáo mà chỉ để cầu xin. Không ít trường hợp chỉ cúng Phật qua loa thôi nhưng cúng thánh, cúng mẫu thì nhiều để xin những thứ hằng ngày như tiền tài, công danh, thăng tiến...
* Có phải chỉ mới gần đây, trong cơ chế kinh tế thị trường thì thứ "văn hóa" cầu xin đủ thứ ở chùa mới lên cao?
- Thực ra điều này đã có từ lâu. Có điều vai trò của tăng ni rất quan trọng trong việc thuyết giảng và hướng dẫn phật tử thực hành giáo lý Phật giáo, phát huy những mặt tích cực và tiêu biểu của sự dung hợp giữa Phật giáo với tín ngưỡng truyền thống, đồng thời hạn chế và giảm thiểu những tiêu cực của mối quan hệ này.
Sự lạm dụng tín ngưỡng trong một số cơ sở của Phật giáo thời gian gần đây còn liên quan đến vấn đề xã hội.
Như cơ chế thương trường trong thời kỳ quá độ tiến tới sự ổn định, như "cơ chế quan trường" vì vẫn còn một số người "lên quan" không bằng năng lực mà bằng những thứ khác và tin rằng có thể lên chùa, đến đình, đền sẽ được trời Phật, thánh thần phù hộ.
Yếu tố kinh tế hóa những hoạt động ở chùa tăng nên có nhà sư lấy cúng là chính chứ không chú trọng thuyết giảng giáo lý nhà Phật cho nhân dân. Trong trường hợp này, tôi cũng được nghe một số nhà nghiên cứu nhắc câu thành ngữ "chùa to đôi khi Phật suy".
Thay đổi nhận thức
* Phải làm sao để dựng lại văn hóa đi chùa, thưa ông?
- Trong một số trường hợp, việc lạm dụng tín ngưỡng theo hướng mê tín dị đoan liên quan đến tăng ni. Những nhà tu hành giữ Phật giáo dung hợp được tín ngưỡng ở mức hợp lý thì rất hay, tạo ra những sắc thái rất đặc sắc của Phật giáo.
Còn vượt quá giới hạn là Phật giáo mất uy tín như đã thấy. Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã hiểu rõ điều này và đang hướng dẫn các tăng ni, tín đồ của mình.
Việc tu học của tăng ni cũng cần duy trì sơn môn hợp lý. Truyền thống tu hành của Phật giáo Việt Nam là theo sơn môn.
Một thời có sự lơi lỏng sơn môn. Gần đây, một số cao tăng trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhận ra điều này và bắt đầu nói tới việc duy trì cơ chế sơn môn một cách hợp lý trong cơ chế Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay.
* Còn từ phía người dân khi đi chùa, ông có lời khuyên gì?
- Nhận thức của người dân phải thay đổi. Họ phải hiểu rằng đạo Phật không có cầu xin cho những điều hằng ngày.
Đức Phật không cho ai cái gì cả. Ngài chỉ dạy con người ta về lòng từ bi, về giải thoát khỏi khổ bằng tứ diệu đế, bát chánh đạo, dạy con người ta giữ giới, hành thiện...
Lên chùa là để cúng Phật, hướng tâm về Phật những mong gặp được Phật chứ không phải mang tâm tham chất chồng lên chùa. Họ phải hiểu rằng lên chùa, đến đình, đến miếu cầu xin điều này điều kia chỉ giải quyết vấn đề tâm lý, chứ trời Phật, thánh thần không cho ai những gì mà tâm họ không trong sáng.
Vai trò của Giáo hội Phật giáo Việt Nam rất lớn trong quá trình thay đổi nhận thức của người dân trong văn hóa đi chùa, lễ hội.
Giáo hội phải vừa giữ được triết học và sự tu tập của Phật giáo, vừa giữ được văn hóa tín ngưỡng truyền thống. Các nhà sư chú trọng tu học, phải năng thuyết pháp, giảng đạo cho phật tử thay vì thành thầy cúng.
* Thượng tọa Thích Minh Hiền (Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam):
4 uy nghi và 5 giới
Văn hóa Phật giáo Việt Nam là năm mới các thiện nam tín nữ, phật tử đi hành hương trẩy hội đầu xuân.
Đi chùa, dù ở bất cứ chùa nào, cũng phải giữ gìn bốn uy nghi của mình thông qua bốn hành vi đi - đứng - nằm - ngồi.
Với phật tử, giữ gìn năm giới mà mình đã thụ nhận trước Tam bảo khi quy y Tam bảo là không sát sinh - không trộm cắp - không tà dâm - không nói dối - không dùng các chất gây nghiện.
Năm giới mà Đức Phật đưa ra từ hơn 2.600 năm trước, đến nay vẫn hoàn toàn phù hợp với đạo đức trong một xã hội hiện đại.
Cho nên trong đời sống cũng như khi đi chùa, người dân không cần làm gì nhiều, chỉ cần giữ bốn uy nghi và năm giới cho mình là trọn vẹn.
Nơi an lành nhen nhóm thiện lương
Đầu năm đến những nơi linh thiêng như đền chùa, trên cả việc cầu bình an hay danh lợi cá nhân thì việc vãn cảnh chùa là để mình tìm về một nơi cho tâm mình tĩnh lặng lại, để mình có cơ hội soi chiếu vào chính mình, chiêm nghiệm lại những gì đã qua.
Chùa chiền hay các cơ sở tôn giáo đều nên là nơi an lành để nhen nhóm sự thiện lương bên trong mỗi người.
Nhờ đó mà mình tự sửa mình, răn mình hướng tới đời sống tốt đẹp hơn, làm nhiều việc thiện hơn và tìm thấy được sự cân bằng, bình an. Từ đó tự khắc tâm sẽ an, mọi sự hanh thông và trở nên tốt đẹp hơn.
Các đền, chùa có rất nhiều công trình là đỉnh cao kiến trúc ở giai đoạn ấy, như là Đan viện Thánh mẫu Châu Sơn (Nho Quan, Ninh Bình) hay Chùa Ngâu (Hưng Long Tự, Thanh Trì, Hà Nội)...
Thật sự lắng lại để nhìn ngắm những công trình ấy, hòa mình vào sẽ khiến mình như đang sống trong một dòng chảy tiếp nối, ngưỡng mộ và biết ơn cha ông vì đã sáng tạo nên những tuyệt tác để đất nước thêm trù phú về văn hóa.
MAI THƯƠNG (30 tuổi, chủ chuỗi kinh doanh F&B Hà Nội)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận