Ảnh: Đ.Đ.T.
Còn lại đều là công tử tỉnh lẻ giờ thành lính cậu, ai cũng tầm vóc phong thái xứng đáng làm lính trong đội quân danh dự mỗi lúc duyệt binh.
Thảo Phương - bạn thân của cô - yêu Khánh - một trong bảy chàng trai ấy. Sáu chàng và hai cô còn lại làm thành một vòng tròn tin cậy vây lấy họ, yêu mến và ngưỡng mộ. Cô thật lòng ngưỡng mộ họ.
Chàng: hai mốt tuổi, cao to, trắng trẻo, nghe bạn bè bảo học giỏi lắm, con út trong một gia đình trí thức bố mẹ con cái chung nhau một nghiệp thầy thuốc rất chi là nổi tiếng ở quê hương chàng.
Nàng: xinh, thông minh ơi là thông minh, con gái lớn một gia đình trí thức toàn phần, cũng là quan chức toàn phần. Họ hoàn hảo đến mức không thể làm nảy lên bất kể một cái mầm ghen tị nào trong lòng cô bạn quen âm thầm với phần số không lấy gì làm rực rỡ của mình.
Cô thiếu tự tin đến nỗi không dám coi như biết sự săn sóc mà Vũ - chàng lính bạn thân chàng người yêu của bạn mình - dành riêng cho mình. Cứ như thể đó phải là điều dĩ nhiên khi bọn mình là "bạn bè cơ mà nhỉ!" và đùa vui rất tự nhiên mỗi bận cả lũ có cơ hội tụ họp.
Giáng sinh năm đó, sau rất nhiều vận động bên trong và chuẩn bị bên ngoài, cả bảy sinh viên quân y đều được đi chơi. Trường ở Hà Đông, nơi phải thêm ba mươi năm nữa mới lấp lánh đêm hôm dù cách bờ Hồ, Hà Nội chưa tới hai chục cây số.
Chỉ hơi lăn tăn một chút: Từ trước đó mấy tháng, Thảo Phương từng lúc có vẻ bần thần. Hỏi thì biết là cứ yêu là có chuyện, đủ đầy điều kiện đến thế nào cũng có chuyện, không thể hiểu được: họ không cãi cọ gì nhau, họ rất mực đằm thắm với nhau.
Nhưng có một cái gì đó Thảo Phương bảo cảm ra mà không làm sao giải thích được. Hình như vì chàng là lính. Hình như vì nàng gia cảnh quá tót vời...
Buổi chiều trước hôm các chú lính trẻ nhà ta được ra Hà Nội, bạn cô bảo cô "nếu có gì thì mày thử xem tại sao Khánh lại thế cho tao nhé".
"Ừ xem, xem người yêu của mày, nhưng mà xem cái gì?". Đã chủ động đến thế, mà cô vẫn bất ngờ khi cả lũ chuẩn bị ra đường ngược lên phía nhà thờ, người yêu của bạn đến bên mình hỏi nhỏ rằng có thể nói chuyện riêng được không.
Và thế là cô tách đội hình, lui xuống sánh vai chàng trai trong ánh mắt mong chờ động viên của cô bạn, trong ánh mắt dò hỏi của anh chàng hình như để ý đến mình và trong sự kinh ngạc của tất cả những người còn lại.
Bờ Hồ nô nức người, dập dềnh đổ về phía nhà thờ Lớn. Cả lũ dập dềnh trôi theo, đẩy nhau len được tới cửa nhà thờ ngó vào. Những đèn nến, máng cỏ, trang nghiêm và thành kính. Người với người vẫn lũ lượt chen lên.
Toàn gái trai trẻ tuổi và là người không có đạo. Một lúc thì họ lạc nhau. Một lúc cô nhận ra Khánh đang nắm tay cô dắt ngược ra khỏi đám đông. "Chúng nó đâu hết rồi Khánh?". Chàng lính nghiêng bờ vai rộng trong bộ quân phục xuống: "Rồi lại gặp nhau ý mà".
Cô và Khánh nói chuyện gì đêm đó không nhớ hết. Chỉ biết là cô đã chất vấn, đã khuyên nhủ, đã im lặng khi Khánh nói với cô ý định chia tay bạn thân của cô.
Còn biết nói gì về chuyện đó: một cô gái đủ đầy những điều kiện tuyệt vời đến như thế mà vẫn bị từ bỏ thì trời đất này đang xoay theo kiểu gì? Rất nhiều năm sau cô mới hiểu ra tuyệt vời quá có khi là lý do đầu tiên để bạn cô phải nếm vị đắng của tình yêu.
Một vòng đi từ nhà thờ Lớn ra bờ Hồ, lẩn thẩn qua Bảo Khánh, Tô Tịch, rồi lại một vòng, rẽ ra Lê Lai, ngược lên Tông Đản, rồi lại một vòng, qua Đinh Lễ, Nguyễn Xí, tới Nhà hát Lớn...
Rồi lại một vòng. Lần đầu tiên cô đi bộ nhiều đến thế, nói chuyện nhiều đến thế với một chàng trai. Chỗ đông cũng như chỗ vắng, lúc chặt lúc hờ, Khánh nắm tay cô không rời.
Chẳng nhớ là những chuyện gì ngoài câu chuyện ngắn ngủi về một mối tình sẽ phải chấm dứt. Miên man và say sưa. Khánh kể cô nghe bao nhiêu chuyện...
Và những mong muốn, mong muốn lớn nhất là chiến trường Tây Nam im tiếng súng, mong muốn thứ hai là Hà Nội, và, và... Cô lặng lẽ nghe, tự dưng thấy mình có lỗi, hỏi khe khẽ: "Thảo Phương có biết hết những chuyện này của Khánh không?". Chàng trai im lặng và cô thấy lỗi của mình cứ phình to dần.
Bàn chân đi đôi tất gió đầu tiên trong đời vừa mới được bạn ở nước ngoài gửi tặng, thứ tất mỏng tang màu da người khi đó còn phải rất lâu sau con gái Hà Nội mới biết cứ trượt đi trên đôi guốc gót 11 phân màu đỏ đun (Dunhill) và mỗi lần như thế Khánh lại buông mấy ngón tay cô, đỡ lấy khuỷu tay cô, giữ chặt.
Một ý nghĩ thành hình, làm cô phát hoảng: mình đi để xem người yêu của bạn, sao lại ra thế này? Và trong cô, một cảm giác lạ lùng nửa như là hoang mang, nửa như là hạnh phúc cứ dâng dần như sương, mịt mờ.
Gần bốn giờ sáng họ mới về tới nhà cô bạn. Trước cổng, Khánh buông những ngón tay cô, nhìn vào mắt cô, nói khẽ: Cảm ơn.
Họ bước vào nhà trong ánh sáng đèn điện đã được tăng cường độ tưng bừng qua survolteur dưới sự chú mục của mười đôi mắt. Mắt cô bạn đầy mong đợi. Cô khẽ lắc đầu. Mắt cậu bạn vẫn xưng anh với cô, bất chấp cả hai ngang tuổi buồn buồn. Cô không dám nhìn.
Rồi đôi ấy tan. Rồi họ vẫn chơi với nhau cho tới khi những người học lâu nhất cũng ra trường. Vẫn vui vẻ, nhưng dường như sợi dây nối kết họ đã đứt phựt mất rồi.
Những chàng sinh viên quân y trở thành sĩ quan, tản mác dần theo nghĩa vụ. Mối quan hệ chung coi như rã, kể từ khi cô bạn thân của cô lấy chồng.
Rất nhiều năm sau, khi họ đã thành danh cả, có lần trở về, chuyện vãn về bạn cũ, bạn mở máy di động, tìm một hồi, bảo "mày gọi cho Khánh một câu!", rồi bấm số.
Chuông reo, từ đằng kia cách cả ngàn cây số, sau tiếng alô của cô có một khoảng ngừng: "H. ... phải không? Xin lỗi. Bọn mình nói chuyện sau nhé. Khánh đã rửa tay xong rồi. Khánh có một ca mổ ngay bây giờ".
Bạn cô lại chọn một số khác, lại bảo "mày gọi cho Vũ một tiếng, Vũ ra quân ngay sau đó, về bệnh viện thành phố...", rồi bấm máy. Chuông reo, cô cầm máy, đùa sau tiếng alô: "Thảo Phương đây!". Lặng phắc. Rồi: "H... phải không?".
Hai mươi ba năm không một lần nghe lại giọng nhau, vậy mà... Sau đó, lúc ngồi trước mặt nhau, Vũ bảo nhận ra ngay giọng cô dẫu ngày chơi với nhau điện thoại chỉ có ở cơ quan và là đặc quyền của các gia đình cán bộ cao cấp, chưa bao giờ biết giọng nhau đi trong không gian như thế nào và quyết định phải gặp nhau ngay.
"Chứ không lại hai mươi năm nữa mới được nghe giọng nhau ở cái tuổi ăn cháo à" - Vũ chìa cho cô con cua gạch đã bóc mai "...
Ăn thử đi, cua đúng mùa có gạch đấy, Vũ tiệt trùng tay bằng nước sôi rồi". Vẫn kiểu chu đáo chân thành giấu thật kỹ đằng sau vẻ đùa cợt của những ngày xa xôi ấy.
Thời gian sóng sánh giữa họ, khi họ nhắc lại với nhau đôi ba câu chuyện cũ về nhau và về những người vắng mặt. Hóa ra chẳng có gì phai bạc cả, dù năm tháng đã mờ mịt đến thế. Và hóa ra tuổi trẻ chênh vênh ngập ngừng lắm nỗi ấy lại là bức tường che chắn cho họ, để đi tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận