23/02/2020 14:04 GMT+7

Đi chợ Việt xứ bạch dương

THẢO THƯƠNG
THẢO THƯƠNG

TTO - Hơn 9 tiếng bay, tôi đặt chân đến xứ bạch dương. Vùng đất xa xôi có nhiều thứ quyến rũ, nhưng xúc động nhất vẫn là những tấm tình ấm lòng đồng bào Việt với nhau.

Đi chợ Việt xứ bạch dương - Ảnh 1.

Thành phố Kazan, nơi có nhiều người Việt mưu sinh - Ảnh: THẢO THƯƠNG

Thấy người Việt sang ai ở đây cũng mừng lắm, cảm giác như thấy quê hương ở bên này.

Anh ĐỖ VĂN HƯNG

Buổi bình minh trời rét cắt da thịt, tôi đến khu chợ hàng may mặc của người Việt thuộc vùng ngoại ô TP Kazan, Cộng hòa Tatarstan, Liên bang Nga.

"Thiên đường là nơi... chảy máu mắt"

Nằm sát quốc lộ, chợ người Việt này là dãy nhà mới xây dựng năm 2017 thay thế cho khu chợ Việt Nam Vitarus (TP Kazan) do bà Đào Thị Côi lập ra đã bị cháy vào tháng 10-2014.

Bước vào khu trung tâm, tôi có cảm giác như đang dạo chợ... Hà Nội với nhiều người Việt buôn bán quần áo, mỹ phẩm, đồ lưu niệm. Anh Đỗ Văn Hưng (gốc Hà Nội) cùng gian hàng may mặc đang đứng bán ở quầy A01. Đây là nơi mà anh làm ăn ổn định nhất đến thời điểm này sau hơn 20 năm lăn lộn xứ người.

Sang Nga từ năm 1995 đi lao động hợp tác, nhưng chưa được bao lâu thì công ty tan rã, anh Hưng từ công nhân xây dựng rẽ dần sang việc buôn bán. "Những ngày đầu khổ sở ghê lắm, đâu có tiền để về, cha mẹ ở nhà gánh gồng cả đống nợ cho con đi, nên tôi ráng bám trụ ở lại. Cùng đi với tôi cũng có nhóm anh em nghĩ ra cách đi lấy hàng may mặc ở Matxcơva để đứng bán ngoài trời, chứ thời gian đầu đâu có tiền thuê gian hàng, đóng phí" - anh kể.

Tâm sự thêm, anh Hưng nói: "Chợ là sân bóng cũ, ròng rã hơn chục năm chúng tôi thay nhau đứng bán. Mùa đông đứng bán dưới cái lạnh âm mấy chục độ C ngoài trời, rét cắt da cắt thịt, tuyết đóng băng như vách núi, rồi cướp bóc, cống nạp... Khổ vô cùng. Nhưng chúng tôi cứ nghĩ tới cha mẹ, gia đình ở nhà để ráng rồi cũng đến ngày tạm ổn định hôm nay".

Đi chợ Việt xứ bạch dương - Ảnh 3.

Anh Đỗ Văn Hưng cùng con gái bán hàng tại chợ người Việt ở TP Kazan - Ảnh: THẢO THƯƠNG

Vùng ngoại ô Kazan trước đây có 20 khu chợ tạm và 15 khu là các chợ ngoài trời mà hầu hết đều người Việt buôn bán. Tâm sự với tôi, bà con mưu sinh ở xứ tuyết trắng này kể nỗi sợ nhất là thảm cảnh chợ cháy. Sau 5 năm nhìn lại thảm cảnh khu chợ Việt Nam Vitarus ở Kazan bị hỏa hoạn, tài sản gầy dựng bao năm phút chốc tan hoang vẫn còn là ám ảnh của họ.

"Tích cóp dành dụm rất lâu mới đủ vốn thuê một gian hàng đứng bán cho đàng hoàng, nhưng đùng phát một đêm tan hoang! Rất may chợ cháy thời điểm thứ hai, ngày chợ nghỉ hằng tuần để làm vệ sinh, nên của đi thay người. Tôi trắng tay gần 2 triệu rúp (khoảng 700 triệu đồng) tiền hàng hóa. Sau phải vay mượn để gây dựng lại. Ai cũng nghĩ xuất ngoại là sướng, tiền đô, tiền rúp giá trị và giàu lắm. Nhưng nào có biết "thiên đường" là nơi... vật vã mưu sinh đến chảy cả máu mắt" - anh Hưng trải lòng.

Đi sâu vào cuối khu chợ, tôi gặp 3 gian hàng quần áo nằm kế nhau của ông Nguyễn Đức Dương (60 tuổi, gốc Hải Phòng). Xưa nay chỉ buôn bán hàng nam và hàng trẻ em, được 3 gian hàng như hôm nay là cả một đoạn trường của ông Dương. Ông kể: "Để có được như bạn đang thấy, tôi không sót bất cứ khổ cực nào, mưa gió, bão tuyết, cướp giật, "xù" nợ đủ cả. 

Sau này dành dụm tiền để vào được trung tâm thương mại, nhưng mỗi tháng dù bán được hay không đều phải nộp đủ không dưới vài trăm ngàn rúp (khoảng cả chục ngàn đôla - PV), còn nếu không có thì buộc trả lại quầy. Tính toán cũng nát óc, từng ngồi trên đống lửa những lúc hàng ế ẩm, nhưng vẫn cứ phải bám trụ".

Như cùng gia đình

Bà con đến từ quê nhà xa xôi ở chợ xứ người chỉ ít phút trải lòng ấm áp như cùng trong gia đình. Chúng tôi trò chuyện mà cảm giác như đã quen thân từ khi nào.

Đi chợ Việt xứ bạch dương - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Đức Dương sau bao vất vả giờ đã có 3 gian hàng ở Kazan - Ảnh: THẢO THƯƠNG

Mọi người chăm chú nhìn đôi tay thoăn thoắt của anh Hưng xếp đống quần áo. Còn anh vừa tủm tỉm cười vừa trải lòng chuyện gia đình. Anh kể từ buôn bán rồi bén duyên với vợ xứ người cũng gốc đồng hương. Vợ chồng anh cùng gầy dựng, cùng nếm trải đủ khổ sở để bây giờ anh có một tổ ấm hai con. Đứa nhỏ học cấp III, cô con gái lớn đang học năm thứ 5 ngành bác sĩ đa khoa, Trường ĐH Y ở Nga. "Tôi không giàu, chỉ đủ sống, thi thoảng 3-4 năm mới về Hà Nội một lần. Thấy người Việt đến ai ở đây cũng mừng lắm, cảm giác như thấy quê hương ở bên này" - anh trải lòng.

Còn ông Dương đã có nhà cửa, quốc tịch Nga, hai con cũng đều vào đại học đúng như dự định ban đầu. Nhưng ông Dương vẫn mong muốn con ra trường rồi vợ chồng con cái cùng quay về quê hương sinh sống. Ông tỏ bày: "Tôi một đời lăn lộn ở bên này rồi, quả là kiếm được đồng tiền bát gạo nơi đất khách quê người thật không dễ dàng gì, nhưng vì con cái. Đã đến lúc vợ chồng tôi tính ngày về".

Kể xong, ông Dương cố thuyết phục chúng tôi nhận những món quà Nga - thứ họ bán, hoặc "mượn" của gian hàng bên, để mang về làm quà như búp bê gỗ Matryoshka, mũ lông Ushanka, khăn choàng truyền thống Pavlovsky Posad. Dúi vào tay tôi gói quà là chiếc khăn, ông Dương chân tình: "Cầm làm quà cho anh em bên này vui, đừng nghĩ lạ quen hay ngại ngùng. Đây như nếp tình với đồng bào của chúng tôi ở bên này rồi".

Đi chợ Việt xứ bạch dương - Ảnh 5.

Một góc chợ người Việt ở Kazan - Ảnh: THẢO THƯƠNG

Bữa cơm ấm cúng đậm chất Việt giữa xứ tuyết lạnh tại nhà vợ chồng anh Long (cũng buôn bán ở chợ) với những món giản đơn mà ngon miệng như đang được ăn ở ngay Hà Nội với cá mè kho riềng, xôi đậu xanh, mề ngỗng, đậu xào và những quả táo có sẵn trong vườn dùng tráng miệng.

Chị Loan, vợ anh Long, nói trong bữa ăn: "Mưu sinh ở đây lâu rồi giờ vợ chồng tôi đang tính đường về quê, mong là con cái học hành xong xuôi sẽ trở về. Bữa cơm này tôi vừa vui vừa buồn, vui vì cùng ngồi với anh chị người Việt lạ mà quen, buồn vì tôi mong sao sớm có bữa cơm quê đoàn tụ với cha mẹ, anh em ở quê nhà. Mọi người đến đây cho tôi cảm giác như gia đình".

Những câu chuyện dự định về tương lai. Những lời kể về Sài Gòn, Hà Nội... đổi thay thế nào. Những tiếng cười thơm thảo. Những hứa hẹn khi trở về... Mọi người lạ mà quen đầm ấm cùng nhau bên mâm cơm rộn ràng như tết. Mai này người ở lại, kẻ về quê hương, chúng tôi có thể quên tên nhau, nhưng những tình cảm đồng bào ấm áp này sẽ đọng lại mãi mãi.

Tình đồng hương

Cũng lần đầu tiên đến Nga, tâm sự về những người Việt buôn bán ở đây, bà Phạm Thị Lan Phương - hiệu trưởng Trường CĐ Cơ khí nông nghiệp (tỉnh Vĩnh Phúc) - chia sẻ: "Bà con rất cởi mở, sống ở xứ người nhưng tình quê hương, đồng hương rất thấm đậm. Tôi chưa quen biết mà bà con thân mật đến mức như thân hữu từ bao giờ. Bà con còn nhất quyết đưa tôi ra sân bay để về Việt Nam, làm mọi thứ mà đến giờ tôi nghĩ lại vẫn lâng lâng".

Bay như chim, Bay như chim, 'tha' sả ớt qua xứ Bạch Dương

TTO - Bay như chim với những món hàng dân dã quê nhà, nói nghề 'chân không chạm đất' như những nhà buôn này tự ví von thì hơi quá, nhưng sự thật cũng gần như vậy khi họ vừa xuống sân bay Nga đã bay về liền để lặp lại vòng buôn mới.

THẢO THƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên