05/03/2020 12:28 GMT+7

Đi chợ ở cửa hàng refill

VŨ THỦY
VŨ THỦY

TTO - Bước chân vào cửa hàng refill, nhiều người đến mua hàng lần đầu sẽ thấy mọi thứ khá lạ lẫm: dầu gội, sữa tắm, nước rửa chén, nước rửa tay, nước mắm, nước tương… đều bán như thể… bán xăng.

Đi chợ ở cửa hàng refill - Ảnh 1.

Ở Lại Đây refill station, mọi người có thể mua dầu gội, sữa tắm, nước giặt, nước rửa tay... bằng cách chiết từ các bình lớn vào chai, lọ của mình - Ảnh: VŨ THỦY

Những cửa hàng refill - mô hình cửa hàng làm đầy, nơi mà người mua có thể mang hộp, chai, lọ... để nạp thêm sản phẩm từ các bình chiết, thùng chứa lớn - bắt đầu xuất hiện ở TP.HCM và trở thành điểm đến của rất nhiều bạn trẻ đang thực hành lối tiêu dùng xanh.

“Mục tiêu của chúng tôi không phải là tạo ra một mô hình kinh doanh kiếm nhiều tiền, một mô hình phát triển nóng để kêu gọi đầu tư, mà chỉ muốn tạo thêm nhiều giá trị cho cộng đồng, truyền cảm hứng sống bền vững cho mọi người.

NGUYỄN DẠ QUYÊN

Thiên đường của bạn trẻ sống xanh

Tại cửa hàng có tên Lá Xanh (Q.Phú Nhuận), dung dịch được đựng trong những cái bình lớn chiết ra các chai, lọ mà khách hàng tự mang theo bằng cách vặn vòi. Mua bao nhiêu thì trả tiền bấy nhiêu. Ngay cả bánh xà phòng cũng để nguyên một bánh lớn và bán theo kiểu cân ký.

Các loại gạo, đậu, bột nghệ, bột cà ri, bánh quy... để trong các thùng, hộp lớn và khách hàng tự mang túi, chai, lọ đến để làm đầy. Với son môi, kem chống nắng, kem dưỡng ẩm, lotion..., khách hàng có thể mang vỏ chai, lọ đến để cửa hàng thu lại chuyển cho các nhà cung cấp tiếp tục tái sử dụng.

Đi chợ ở cửa hàng refill - Ảnh 3.

Tờ nhắc để khách hàng tích cực đem theo chai lọ khi đi mua hàng, mang chai lọ cũ để các nhà cung cấp tái sử dụng - Ảnh: VŨ THỦY

Cửa hàng cũng bán nhiều loại sản phẩm cá nhân phục vụ nhu cầu sống xanh "từ đầu tới chân": từ ống hút cá nhân bằng tre, inox, bình đựng nước cá nhân, khăn mùi soa thay cho khăn giấy, khăn ướt, túi vải, bàn chải thân tre, dao cạo thân gỗ dùng nhiều lần đến băng vệ sinh vải thay cho băng vệ sinh một lần...

"Đây đúng là thiên đường cho các bạn trẻ không muốn thải ra các chai, lọ, vỏ hộp hàng hóa..." - Trần Ngọc Mai (30 tuổi), khách hàng của Lá Xanh, chia sẻ. Mai kể từ lúc bắt đầu thay đổi lối sống, hạn chế dùng túi nilông, chai nhựa dùng một lần, cô cũng bắt đầu cảm thấy áy náy vì có rất nhiều thứ dùng cho sinh hoạt hằng ngày vẫn phải dùng xong rồi vứt bỏ chai, lọ như sữa tắm, dầu gội, kem chống nắng, dầu ăn, nước rửa chén, xà bông...

"Những trạm refill này bán những sản phẩm tiêu dùng cơ bản đó. Cách bán hàng của các bạn cũng rất dễ thương. Nếu khách mới lần đầu đến chưa quen với việc mang bình đựng, các bạn sẽ cho mượn hoặc thuê hộp với một khoản tiền thế chân. Lần sau đến mua mình có thể trả lại số hộp đó" - Mai cho biết.

Cô đã quen với quy trình "đi chợ" kiểu self - service (tự phục vụ) ở các cửa hàng refill. Khách hàng được khuyến khích mang theo túi, hộp đựng, lọ đựng, tự rót, đong rồi cân bằng một cái cân điện tử, ghi lại khối lượng lên nhãn để nhân viên tính tiền.

Đi chợ ở cửa hàng refill - Ảnh 4.

Tờ hướng dẫn tự cân đong hàng hóa cho khách - Ảnh: VŨ THỦY

"Tôi hay mua nước giặt sinh học làm từ quả bồ hòn có thể vừa giặt đồ, vừa rửa chén, vừa lau sàn mà không chứa các chất tẩy hóa học có hại sức khỏe, vừa gây ô nhiễm nguồn nước.

Ngay cả các loại mỹ phẩm như kem chống nắng handmade ở đây, ngoài việc có thể mang trả lọ để nhà cung cấp tái sử dụng thì cũng là loại kem chống nắng vật lý kèm theo nhiều loại tinh dầu tự nhiên không gây hại cho rặng san hô" - Phạm Ngọc Nhã (26 tuổi), một bạn trẻ đang sinh sống tại TP.HCM, chia sẻ.

Triết lý kinh doanh chậm

"Cửa hàng bán chậm, phát triển chậm vì chúng tôi không phát triển sản phẩm để mọi người mua nhiều hơn mà để họ dùng nhiều lần, mua sắm một cách bền vững.

Phải lâu lâu mới gặp lại khách hàng" - Nguyễn Dạ Quyên, một trong hai thành viên sáng lập của Lại Đây refill station - trạm làm đầy bán các sản phẩm thân thiện với môi trường, mở đầu câu chuyện về cửa hàng. Quyên kể rằng cô bắt đầu mô hình kinh doanh này từ chính nhu cầu của bản thân.

Làm việc trong ngành cung ứng sản phẩm, marketing, cô đọc rất nhiều thông tin về nhựa, về ô nhiễm rác thải nên bắt đầu để ý đến các chai, lọ của những sản phẩm mà cô mua hằng ngày. "Tôi từng có một mong ước rằng các nhãn hàng lớn sẽ làm những mô hình kinh doanh refill, thu lại chai lọ của khách hàng để tái sử dụng. Nhưng chờ mãi không thấy ai làm thì mình tự làm" - Quyên chia sẻ.

Đi chợ ở cửa hàng refill - Ảnh 5.

Các sản phẩm được chiết từ các bình lớn ra các chai đựng mà khách hàng mang theo - Ảnh: VŨ THỦY

Sau một năm vận hành cửa hàng đầu tiên ở Thảo Điền (Q.2), Quyên và đồng đội đã khai trương thêm hai cửa hàng ở Q.7 và Q.Bình Thạnh. Quyên kể đó đều là những "khu phố nhà giàu" nên nhiều người cũng thắc mắc là Lại Đây có phải chỉ dành cho người nước ngoài không?

"Lối tiêu dùng này chưa thể dành cho số đông mà dành cho những người sẵn sàng chịu một mức chi phí lớn hơn mức thông thường để có thể đem lại điều tốt hơn cho sức khỏe, môi trường sống.

Chúng tôi chọn những nơi mà đã có một lượng người tiêu dùng có kiến thức nhất định, quen với các sản phẩm hữu cơ để có thể duy trì được cửa hàng thời gian đầu. Ai cũng nghĩ bán giá cao chắc là lời lắm nhưng chúng tôi chỉ duy trì 2% lợi nhuận" - Quyên chia sẻ.

Sống xanh

Thay vì giải bài toán giá rẻ, mục đích của những cửa hàng như Lại Đây là vừa làm vừa lan tỏa, xây dựng cộng đồng sống xanh bằng các hoạt động chia sẻ kiến thức, kỹ năng về sống bền vững.

Từ tổ chức chợ phiên "Lại đây mua đồ cũ" đến thực hiện cẩm nang quản lý du lịch bền vững cho các khách sạn, tổ chức sự kiện "Thử thách 30 ngày sống tối giản", tổ chức workshop hướng dẫn làm túi đựng từ vải cũ, làm nước giặt sinh học handmade tại nhà, viết bài khuyến khích không dùng ống hút, chia sẻ các bài viết về lối sống tối giản...

"Rất khó để nói về tương lai 2-3 năm nữa. Biết đâu sau vài năm nữa, nhà nhà sống xanh, tự làm các sản phẩm xanh thì cửa hàng như chúng tôi sẽ không còn đất sống" - Quyên kỳ vọng.

Sống xanh - Sống xanh - 'gu' sống chất của thế hệ tân tiến

Thế hệ trẻ hiện nay không chỉ tiếp thu lối sống tân tiến mà còn có xu hướng lựa chọn cách sống xanh, cân bằng và tốt cho sức khỏe khi chọn nơi an cư.

VŨ THỦY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên