Các siêu thị đang chờ nhân viên trở lại làm việc khi có giấy đi đường để giảm tải soạn đơn hàng - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Trong khi đó, thị trường đang ghi nhận đơn hàng lẻ tăng qua kênh online do cho rằng đơn hàng combo không thiết thực.
Nhiều hộ dân không được đi chợ hộ từ 25-8
Chị Nga, một cư dân trên địa bàn phường 14 (Q.10, TP.HCM), cho biết ngày 25-8 chị đăng ký đi chợ hộ, chuyển khoản ngay trong ngày và được thông báo sau hai ngày sẽ có hàng. Tuy vậy, đến ngày 30-8, chị vẫn chưa nhận được hàng.
Một số hộ dân tại một chung cư trên địa bàn phường 14 (Q.10) cũng cho biết họ phải tìm cách xoay xở để mua thực phẩm qua các kênh online khác nhau dù đặt hàng từ ngày 25, 26-8. "Chúng tôi hỏi thì cán bộ phụ trách nói rằng cán bộ phường đang quá tải, mong thông cảm", chị Mai Linh (phường 14) nói.
Chị Lương Thị Ngọc (Q.Tân Phú) cho biết chị đặt hàng tại siêu thị nhưng đến cả tuần nay vẫn chưa nhận được hàng. Không chỉ riêng chị mà tại khu phố chị ở cũng có rất nhiều người dân không thể mua được hàng do đặt đơn siêu thị không nhận, nhờ chính quyền mua giúp thì chưa thấy giao, nên đành chạy vạy khắp nơi tìm kiếm thực phẩm ăn nhanh cho qua bữa.
Chị Thủy (phường 25, Q.Bình Thạnh) cũng cho hay đặt hàng đến cả tuần mới nhận được, nhưng khi siêu thị giao thì chỉ được 30 - 40% mặt hàng đặt mua và cá, rau có dấu hiệu chảy nước, hư hỏng...
Trong khi đó, nhiều phường đã nỗ lực nhưng chưa đáp ứng được hết. Trả lời Tuổi Trẻ, ông Đặng Trọng Sơn - phó bí thư thường trực, trưởng ban vận động, hỗ trợ và cung cấp phường 14 - cho biết phường này đông dân nhất ở quận 10 với 10.000 hộ.
Đội hình đi chợ của UBND phường 14 có 4 tổ, mỗi tổ từ 7 đến 10 người. Hiện mỗi ngày UBND phường nhận khoảng 700 đơn hàng. "Cơ bản đội ngũ cán bộ, tình nguyện viên và phương tiện phục vụ đi chợ hộ đáp ứng được yêu cầu cung ứng thực phẩm của người dân.
Tuy nhiên vẫn còn tình trạng chưa đủ đơn hàng đáp nhu cầu của dân và một số đơn hàng không đủ mặt hàng, phải thay thế mặt hàng khác không đúng combo. Điều này do đơn vị cung ứng. UBND phường đã và sẽ tiếp tục làm việc để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dân" - ông Sơn nói.
Về việc người dân nói đặt hàng “đi chợ hộ” 5 - 6 ngày chưa đến tay người dân, ông Sơn khẳng định không có tình trạng này, chỉ có 2 -3 ngày trễ đơn. Phường sẽ làm việc với các tổ để đảm bảo tổ chức cung ứng lương thực thực phẩm cho người dân đúng hạn, kịp thời.
Hàng giao cho một người dân ở P.11, Q.Bình Thạnh sau khi đặt mua trứng, hành tây, gạo, thịt, sữa đậu nành - Ảnh: H.VÂN
Đơn hàng lẻ tăng vọt, siêu thị chờ nhân viên
Theo các siêu thị, do nguồn hàng và nhân lực không đủ nên mỗi cửa hàng chỉ nhận 150 - 200 đơn/ngày, còn lại xin dời lại giao hàng sau.
Đại diện hệ thống Vinmart/Vinmart+ cho biết ghi nhận trong ngày 30-8, lượng đơn đặt hàng online tại hệ thống ở khu vực TP.HCM tăng cao hơn nên đã có kế hoạch tăng nguồn cung dự trữ. Tuy vậy, nhiều thời điểm vẫn chưa thể đáp ứng kịp nhu cầu mua lẻ.
Hệ thống này bắt đầu thí điểm dịch vụ giao hàng kết hợp cùng với Grab tại một số cửa hàng VinMart+ thuộc quận 7 và sẽ mở rộng dịch vụ này ra các quận khác trong thời gian sớm nhất.
Đại diện Bách Hóa Xanh cũng cho biết từ mức 300.000 lượt truy cập vào website bán hàng đơn vị trong ngày trước đó thì sang ngày 30-8 lượng này đã tăng lên trên 1 triệu lượt.
Dù chưa có con số chính thức ngày 30-8 nhưng đại diện đơn vị này cho biết nhu cầu đặt mua online riêng lẻ của người dân đã gấp 5 - 6 lần năng lực đơn vị có thể đáp ứng được, do đó phần lớn đơn hàng phải xin nợ lại.
Bách Hóa Xanh cho hay đã điều tiết tăng thêm nguồn cung, tăng nhân sự cho khâu giao hàng nên hy vọng những ngày tới áp lực sẽ giảm.
Theo ghi nhận, do nhu cầu mua lẻ của khách tăng cao nên nguồn cung hàng đang được các siêu thị lên phương án nhập về tăng liên tục.
Cụ thể, tại một siêu thị ở Q.Tân Phú, trước ngày 23-8 mỗi kho hàng vệ tinh nhập khoảng 16 tấn/ngày, nhưng đến nay đã điều chỉnh tăng lên gấp đôi và có thể sẽ tăng thêm trong vài ngày tới.
Đại diện hệ thống MM Mega Market Việt Nam cho biết một trong những thế mạnh của siêu thị này là nguồn thực phẩm tươi sống được phân phối từ nguồn nguyên liệu nằm ở nhiều tỉnh thành như trạm trung chuyển Đà Lạt (rau củ), Đồng Nai (thịt), Cần Thơ (thủy sản), Tiền Giang (trái cây).
Tuy nhiên, để có thêm nguồn cung, trong thời điểm hiện nay, hệ thống đã kết nối thêm với Tổ công tác 970 của Bộ NN&PTNT, mở rộng được mạng lưới nhà cung cấp trên cả nước.
Nhu cầu mua lẻ tăng, nhiều siêu thị cho rằng người dân nên gộp nhiều đơn hàng lại mua chung cùng lúc để shipper tiện giao nhận, siêu thị cũng sẽ ưu tiên những đơn hàng mua chung và giao cùng địa điểm.
"Dự kiến trong vài ngày tới, tình hình cung ứng hàng của siêu thị mới ổn hơn khi việc cấp 20.000 giấy đi đường cho nhân viên ngành bán lẻ được hoàn tất, nhân sự trở lại siêu thị làm việc", đại diện MM Mega Market Việt Nam nói.
Ship từ nước ngoài nhanh hơn mua hàng ở gần nhà
Chị Nhung, ngụ Q.7, cho biết dù khu vực nhà chị shipper được hoạt động nhưng đặt 10 đơn hàng thì bị hủy cả 10, đến nay sau nhiều ngày chờ phường đi chợ lẫn mua hàng online, nhà chị vẫn chưa có thực phẩm.
Để có sữa cho con nhỏ, chị Hồng phải nhờ người thân gửi từ Úc về.
"Quanh nhà tôi có 4 cái siêu thị, cửa hàng thực phẩm nhưng không thể nào xếp hàng vào mua, cả tuần nay không được ra khỏi nhà mua sắm. Hàng gửi từ nước ngoài đầy đủ từ sữa, bột làm bánh, đến nui, mì, sôcôla...", chị Hồng chia sẻ.
Tương tự, chị Tuyết Anh, ngụ TP Thủ Đức, cho biết đã được người thân "tiếp tế" thực phẩm từ Mỹ và sau hơn 10 ngày hàng đã cập bến nhà chị. Trong khi đó, các mặt hàng kem đánh răng, nước giặt cho trẻ em, sữa… cả hai tháng nay chị không thể tìm mua được ở TP.HCM.
Với mặt hàng tươi sống như rau xanh và thịt cá, nhiều người dân TP đã nhờ "viện trợ" từ các tỉnh gửi về trong những ngày không thể tự đi mua sắm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận