Mỗi bó rau sạch giá 5.000 đồng - Ảnh: Vũ Toàn |
Đang đi trên quốc lộ 36, đến cầu bản Hốc cách trung tâm thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) 22km, anh bạn lái xe chỉ tay sang bên trái đường cho hay: “Bên mé đường này có chợ 5.000, chiều nào cũng họp”.
Hỏi vì sao có cái tên chợ lạ lẫm thế, anh bạn nói: “Từ bó rau đến củ quả, cái gì họ cũng bán giá 5.000 đồng. Nhiều hơn hoặc ít hơn 5.000 đồng họ đều lắc đầu”.
Chợ chỉ dài khoảng vài chục mét, họp trên vệ cỏ bên lề đường. Khi tôi đến chợ lúc 14g thì chợ đã rải rác có người.
Trong túp lều giữa chợ có “cô chủ nhỏ” Hoàng Thị Bích Ngọc (người Tày, đang học lớp 8) ngồi bán cơm lam và những chùm ngô luộc. Mỗi chùm ba bông ngô, mỗi thanh cơm lam đều bán 5.000 đồng.
Ngọc nói: “Tầm một giờ nữa chợ mới đông vui cho đến chiều tối”.
Thoáng chốc, chợ đã rộn bước chân người nhưng lạ là không ai chào mời, chèo kéo khách.
Người mua chủ yếu là khách vãng lai, người đi công tác từ huyện miền núi và thị xã Nghĩa Lộ.
Người thì mua rau mèo hái trong rừng, người mua rau dớn, quả muối (làm chua như quả chanh), hạt xẻn (như hạt tiêu bắc).
Người mua chuột rừng, con sóc nhỏ, hoa ti ô, quả ấu.
Người mua sâm cau (thân cây bồng bồng, được cho là uống mát thận), sâm quy đá (ngâm lấy nước cho trẻ con tắm rất mát, phụ nữ rửa mặt sẽ trắng da)...
Tôi hỏi mua nấm ngọc cẩu. Google cho biết đây là nấm tỏa dương, loại nấm quý hiếm. Người bán nói: “Người Mông gọi là nấm củ chó. Người Tày gọi là hoa chuối đất. Người Thái gọi là nấm ngọc cẩu. Mỗi năm khi đến tháng 11 loại nấm này mới nhô từ dưới đất lên chứ không phải nấm mọc từ thân cây”.
Ông Văn Thi, người Thái, có một sạp hàng đối diện chợ “5.000”, cho hay chợ nhen nhóm từ năm 2005. Lúc sơ khai chỉ có dăm phụ nữ Mông và Tày cầm rau rừng, củ quả đứng bán. Hôm nào cũng bán được nên mỗi ngày chợ đông dần thêm. Một số người Kinh thấy thế chở rau từ dưới chợ huyện lên bán nhưng khách không mua vì họ ưa mua rau sạch của người miền núi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận