TTCT - Cách đây gần 20 năm, một số người đam mê du lịch khám phá ở Việt Nam bắt đầu biết đến một "thú vui" gọi nôm na là "đi chấm". Những câu chuyện về hành trình tới đó được ghi lại chứa đựng cả kho tàng kiến thức cùng vẻ đẹp hấp dẫn của phiêu lưu. Trên đất liền Việt Nam có tất cả 29 "chấm". Hầu hết các chấm đã có người "check-in" suốt 20 năm qua. Những chấm còn lại đến hôm nay, đều là những nơi khá "xương xẩu" giữa hoang vu đại ngàn. Chấm cuối cùng ở miền BắcMiền Bắc Việt Nam chỉ còn một chấm cuối cùng là 22°N 103°E (22 độ Bắc, 103 độ Đông), đồng thời cũng là chấm xa nhất về phía Tây đất nước ở tỉnh Điện Biên. Năm 2012, một người leo núi chuyên nghiệp người Mỹ cùng một bạn nữ người Nga thử đến nhưng thất bại vì rừng rậm, nên vẫn còn cách chấm 3,35km.Hình ảnh chấm 22°N 103°E trên bản đồ vệ tinh. Ảnh: Google MapsVốn là người rất thích xem bản đồ vệ tinh để xem khắp Trái đất những nơi mình chưa được đặt chân tới, dấu chấm cực Tây này - nơi có lẽ chưa ai từng đặt chân tới - ở đó mời gọi, khơi lên máu phiêu lưu trong tôi. Vì vậy, chúng tôi quyết tâm chinh phục nó vào năm 2024 này.Chúng tôi chỉ gồm... 2 người. Nhận định tình hình khá cam go nên tôi nghĩ ngay đến việc phải rủ được một người quen đặc biệt: Thạch Lão Gia. Ông tên là Nguyễn Đức Thạch, một thầy giáo dạy văn nổi tiếng ở Ninh Thuận, có đam mê bất tận với núi rừng Tây Bắc. Thầy Thạch đã đi hết các tỉnh biên giới và miền núi phía Bắc, leo hàng loạt đỉnh núi, đến chính xác điểm cực Bắc dưới sông Nho Quế, xuống hang Sơn Đoòng... Thầy đáp lại ngay lời kêu gọi của tôi vì sự "kỳ bí" của điểm đến này.Nghiên cứu trên Google Maps, tôi thấy le lói hy vọng đi được tới chấm này. Trước hết, có một điểm mang tên "Thủy điện Mường Tùng" cách chấm khoảng 6km đường chim bay, nằm cạnh đường (có vẻ là) nhựa. Từ "thủy điện" này nhìn qua bên kia sông/suối có một con đường đất ngoằn ngoèo đi lên đến một bản lác đác nhà cửa ở rất gần chấm, khoảng 2km băng rừng. Tuy nhiên không có một tên làng bản nào trên bản đồ hay thông tin gì về thủy điện Mường Tùng trên mạng ngoài tin khởi công năm 2021. Nếu bây giờ thủy điện đã ngăn sông thành đập nước thì qua kiểu gì, và vô vàn câu hỏi khác nhảy múa trong đầu tôi.Rốt cuộc, chúng tôi cũng ấn định đầu tháng 4 trước khi mùa mưa tới, tôi bay từ Úc về còn thầy Thạch sẽ ra Bắc vài ngày giữa mùa cao điểm ôn thi cuối năm. Thầy có nhiệm vụ tiền trạm, tôi mang máy định vị và đồ nghề để dò đường. Điểm hẹn là thị xã Mường Lay.Thị xã Mường Lay nằm im lìm bên bờ một hồ nước yên ả, mênh mông, xanh như ngọc. Đây từng là thị xã Lai Châu, thủ phủ của tỉnh Lai Châu (cũ) đến năm 1992. Hai cuộc di dân vĩ đại trong 20 năm đã khiến nơi đây trở thành nơi mà phố lẫn với bản làng nằm thảnh thơi giữa núi và nước. Năm 1990, trận lũ quét kinh hoàng đã xóa sổ cơ sở hạ tầng của thị trấn, tỉnh lỵ phải dời về thành phố Điện Biên Phủ ngày nay. Năm 2003 tỉnh Lai Châu chia thành Điện Biên phía Nam và Lai Châu (mới) phía Bắc, thủ phủ Lai Châu (mới) đặt ở Phong Thổ. Thị xã Lai Châu đổi thành Mường Lay. Năm 2010, dự án hồ thủy điện Sơn La đã tạo ra một cuộc di dân lịch sử theo chiều thẳng đứng, đưa toàn bộ nhà cửa lên sườn đồi. Mường Lay trở thành thị xã ít dân nhất Việt Nam, nằm bên bờ hồ với phong cảnh sơn thủy không thể hữu tình hơn.Thầy Thạch đến trước tôi hai ngày đã cười sảng khoái mà báo tin thuận lợi bước đầu: đường vào đến điểm "thủy điện" đã trải nhựa, may mắn hơn là đã có cây cầu bê tông bắc qua sông, với con đường đất vào bản đi được xe máy. Ngồi quán nước ven đường thu thập thêm tin tức, thầy lại may mắn gặp một thanh niên người Mông 30 tuổi "có nhiều con lắm rồi" bảo: "Đấy là bản cháu bác ạ!". Và rồi, hai anh bạn trẻ hơn "mới có hai con" hăng hái... nhận nhiệm vụ dẫn đường.Đi lên bằng chân, đi xuống bằng môngNghĩ rằng điều kiện thuận lợi hơn dự kiến nên chúng tôi lên kế hoạch đi về trong ngày. Ông chủ nhà nghỉ Homestay Mường Lay người Thái, chú Đại, nghe câu chuyện của chúng tôi khá thú vị nên xung phong đi cùng để xem cái chấm nó ra làm sao. Xuất phát ở Mường Lay lúc 6h sáng khi mặt trời lên, chúng tôi 2 xe máy, 3 người mang theo 4 chai nước lít rưỡi, 5 hộp xôi và 6 quả trứng luộc. Đúng 1 tiếng sau mới đi hết 29km đường tỉnh 150 uốn lượn của xã Mường Tùng, đến quán nước kiêm điểm bán hàng Viettel. Hai anh bạn Ly Chứ và Hạ Chớ đã chờ sẵn, cười rất tươi. Để tiết kiệm thời gian, tôi nhảy sang xe của Chớ, còn Chứ chở thầy Thạch, chú Đại thì một mình một xe. Tất cả băng qua cầu Nậm Piền trên dòng Nậm He đang cạn trơ đáy. Đường đi vào bản vẫn đang làm, bụi mịt mù và dốc rất cao, có đoạn phải đến 25-30% là ít. Chớ (tầm 50kg) vừa cười vừa nói: "Sao anh nặng thế?", tôi (76kg) chẳng biết bào chữa thế nào đành bảo: "Tay lái em chắc thật!".Một hành trình gồm những đoạn như thi leo cột mỡ Ảnh: NGUYỄN ĐỨC THẠCHNửa sau của con đường, thật bất ngờ, đã được đổ bê tông sáng loáng. Mất nửa tiếng, gần tới bản cuối con đường thì tôi ra hiệu cho dừng lại, từ đây, đi theo khe núi giữa hai vách cao sừng sững hai bên, thẳng chim bay còn 2,2km nữa là đến chấm. Phía trên có nương rẫy, hai tài xế phóng luôn xe máy lên con dốc dựng ngược, được tầm 50m thì xe chịu chết.Từ đây, cả đoàn nối đuôi nhau mà leo, cao lên càng dốc. Vài trăm mét đầu đi qua nương rẫy còn có đường mòn, các chị các em bé đừng nhìn tò mò. Lúc sau thì hết đường người đi, chỉ còn đường trâu đi, độ cao tiếp tục tăng dần. Hết đường trâu đi thì men theo suối cạn, theo lòng suối toàn đá tảng rêu xanh. Cái khó là không biết điểm đến chính xác ở đâu, cứ phải thẳng tiến theo mũi kim la bàn chỉ nên địa hình nào cũng phải vượt qua. Đá lởm chởm mấp mô, cây bụi dày kín lối.Theo lờ mờ bản đồ vệ tinh, chấm sẽ nằm trên một vách núi cuối thung lũng này. Chứ và Chớ đi thoăn thoắt. Chứ rút con dao Mèo tỉa tót chế tác cho hai thầy trò người thành phố hai cây gậy chống rất hữu dụng. Nhưng đến những đoạn vách đá trơn tuột, gậy cũng phải quăng đi, chúng tôi phải bám vào bất kỳ mẩu đá nào nhô ra mà tiến bước.Đôi giày leo núi của tôi vô tác dụng, không bám được vào vách đá ẩm ướt, trơn bóng. Có vách đá quá trơn, Chứ và Chớ cũng phải dắt dép vào cạp quần mà leo chân trần, rồi chế ra một cái "thang máy" đưa từng người lên. "Thang máy" là một cành cây to, thân dẻo dai có lá để người dưới bám vào bẹ lá, bên trên lôi lên, người đi "thang máy" chân đạp vào lá cho đỡ trơn rồi ráng mà dấn bước nhanh leo lên."Thang máy" bằng lá và sức mạnh của Chứ đã đưa chúng tôi lên núi.Chật vật leo như thế, sau 2 tiếng rưỡi thì... hết đường. Trước mặt chúng tôi là một tảng đá khổng lồ, nơi bắt nguồn của khe suối. Bốn chai nước mang theo dần cạn vì mặt trời bắt đầu lên, cái nắng đầu hè Tây Bắc năm nay đến sớm, bỏng rát ngay cả dưới tán rừng rậm. Máy báo rằng đích đến chỉ còn 400m nên chúng tôi dừng nghỉ. Chú Đại dùng một chiếc lá bắt lấy dòng nước suối nguồn tí tẹo để đong đầy các chai. Tôi mang theo viên clo để khử trùng nước nhưng rồi cũng uống luôn dòng nước tinh khiết mát lạnh chảy từ khe đá ra.Dấu chấm tuyệt đẹpKhông ngờ 400m cuối vốn khiến tất cả phấn chấn quyết tâm đánh nhanh thắng gọn lại thành một chặng vô cùng gian nan. Ở đây độ cao so với mực nước biển là 970m, nhìn lên vẫn thấy cây rậm rì, nhìn xuống thì sâu hun hút, sương khói mịt mù dù đã gần trưa. Vách núi giờ không có cả chỗ mà bám.Tôi nặng nhất trong đoàn nên giẫm lên đá thì đá bật ra, bám dây leo thì dây leo đứt. Những cú thụt chân, trượt xuống vách đá liên tiếp làm tay chân tôi trầy trụa. Nếu không có thầy Thạch giơ chân ra cho tôi giẫm lên làm bàn đạp, Chứ vừa lôi vừa kéo, chắc tôi đã không thể đi tiếp. Leo vách đá và bám cành cây như thế 300m nữa, cuối cùng cũng thấy ánh sáng rực rỡ trên đỉnh đầu, hòn đá bám vào thấy ấm, tức là đã gần lên đến đỉnh. 50m cuối cùng, tôi được chú Đại lôi lên. Trên một vách đá thoai thoải, chúng tôi đều nằm ra nghỉ mệt.Tôi mang máy GPS kiểm tra, lúc này chấm chỉ còn cách 30m. Thầy Thạch chạy đi tìm chấm. "Đây rồi! Ngay đây rồi! Máy chỉ 00 rồi!". Tôi cố chống tay đứng dậy, lập cập đi dò chấm theo điệu nhảy mà hội đi săn confluence gọi là "điệu nhảy tìm chấm" (confluence dancing), tức là liên tục đi đi lại lại cho các số phút và giây trên màn hình chuyển thành 0 hết. Cuối cùng, dấu chấm mà chúng tôi khao khát ước mong được tới lại nằm ngay trên chỗ cao nhất của quả núi không tên này (1.369m), lệch vài mét về sườn tây dốc thăm thẳm.Sung sướng đứng vào vị trí cú "Chấm"Những giây phút ngất ngây ôm nhau mừng chiến thắng cũng phải qua, đã 14h, chúng tôi phải thu dọn để xuống núi. Chứ và Chớ nói có lối khác xuống núi dễ hơn. Trên sống lưng dãy núi này, chạy hướng Bắc Nam, một lối mòn rõ ràng hiện ra. Đi theo lối mòn này, chúng tôi gặp một mốc bê tông nhỏ ghi "Ban QLRPH (quản lý rừng phòng hộ) - huyện Mường Chà - Mốc MC MT 71". Lối xuống này, thẳng hướng Nam đến đường cái sẽ tầm 5km, có vẻ đỡ hơn bám đá leo xuống. Bỗng Chứ nói: "Lối xuống ruộng đây rồi, gần lắm, đi hết 30 phút thôi". Nhưng theo hướng Chứ chỉ, cái sườn núi chúng tôi vừa vật vã leo lên rậm rì cây cối và dốc khoảng 70 độ. Tôi và thầy Thạch đều chùn chân, không biết có thể xuống cái dốc này 700m theo chiều thẳng đứng ấy nổi không. Chú Đại quyết định theo Chứ đi lối "cảm giác mạnh" sườn Đông, còn chúng tôi trở xuống theo đường khác.Đến 16h, sau khi leo lên leo xuống vô số cái đỉnh toàn đá tảng, đi thêm được 1,5 cây số thì... hết đường. Chúng tôi đưa ra một quyết định khó khăn: tôi và thầy Thạch ngủ ở lại trên này, Chớ mò mẫm tìm đường xuống núi, bởi phía dưới chân núi xa xa có bóng dáng một vạt nương và cái lán mái trắng. Ngày mai, họ sẽ quay lại tiếp viện và dẫn thầy trò xuống núi khi ấy chân cẳng chúng tôi đã hồi phục. Điểm sơ hở duy nhất trong kế hoạch này là chai nước đầy lại nằm trong túi của Chứ đã xa khuất hoàng hôn. Hai thầy trò còn hai chai nước chừng. "Cứ uống nhấp môi thì cầm cự được đến sáng thầy ạ!" - tôi trấn an.Đêm ấy, chúng tôi cẩn thận đốt một đống lửa nhỏ sau khi đã vác đá quây kín ngọn lửa và dọn sạch lá cây xung quanh. Trời đêm không lạnh nhưng dài và tối. Chúng tôi không dám chuyện trò gì nhiều vì khát nước. Xôi buổi sáng mang theo đã cứng đơ. Bình trà thầy Thạch mang theo còn một nửa, nước trà đặc quánh, chúng tôi nhấp từng ngụm nhỏ để chiêu món trứng luộc và lương khô. Trong đêm, tôi ngắm dãy núi phía xa, nơi một đám nương cháy rừng rực.Cẩn thận quây đá, đốt một đống lửa nhỏ chờ đợi.Gần 8h sáng, có tiếng hú gọi vọng lên từ sườn núi. Chứ và Chớ đã lên cứu viện, mang theo nước, bánh mì và quả đu đủ - một kết thúc ngọt ngào cho chuyến đi. Hai tiếng rưỡi sau đó, chúng tôi dò dẫm từng bước xuống cái sườn núi thẳng đứng, dưới là đá, trên là lá cây phủ trơn trượt, nên nhiều đoạn phải đi bằng... mông.Máy đo được 8.625 bước chân, lãi hẳn so với 12.722 bước (trèo) hôm qua. Ngồi bám chặt vào yên xe máy khi lao dốc, tôi hỏi tên của hai người bạn đồng hành nghĩa là gì. Hóa ra "Chứ" là cái lục lạc đeo ở cổ con bò, còn "Chớ" nghĩa là rượu. ■Hoàng hôn trên sông Nậm Na nước xanh như ngọc. Mường Lay là nơi hợp lưu của sông Đà và sông Nậm Na nên mới chọn làm thủ phủ của vua Thái và Khu tự trị Thái dưới chính quyền thực dân Pháp. Ảnh: ĐẶNG THÁI Cách đây gần 20 năm, một số người đam mê du lịch khám phá ở Việt Nam bắt đầu biết đến một "thú vui" gọi nôm na là "đi chấm". Thuật ngữ "confluence" (chấm) do một người Mỹ phát kiến ra vào năm 1996 nhằm chỉ những điểm trên địa cầu mà đường kinh độ và đường vĩ độ chẵn gặp nhau chính xác, ví dụ 43°00'00" Bắc 72°00'00" Tây. Dự án Degree Confluence Project ra đời, kêu gọi bất kỳ ai đến những điểm này sử dụng máy định vị GPS để xác định tọa độ và "chụp ảnh" cả thế giới. Dự án nhanh chóng được dân yêu chuộng khám phá khắp năm châu hưởng ứng nhiệt liệt. Điểm chấm có thể rơi vào bất kỳ chỗ núi rừng sông biển nào, giữa ruộng thanh long hay giữa đường cao tốc, nhưng những câu chuyện về hành trình tới đó được ghi lại chứa đựng vô số kho tàng kiến thức cùng vẻ đẹp hấp dẫn của phiêu lưu và khám phá. Tags: Núi rừng tây bắcĐi chấmCực TâyDu lịch khám pháĐiện Biên
Thủ tướng: 'Chúng ta cứ đấu thầu nhưng cuối cùng quân xanh, quân đỏ, kỷ luật liên tục' THÀNH CHUNG 23/11/2024 Thủ tướng chia sẻ hoạt động doanh nghiệp nhà nước phải theo quy luật thị trường, giá trị, cung cầu và cạnh tranh, không thể can thiệp bằng các biện pháp hành chính.
Nhiều ngân hàng thu đậm trở lại từ bán chéo bảo hiểm BÌNH KHÁNH 23/11/2024 Nhiều ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng tốt trở lại ở mảng kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm. Đây là tín hiệu tích cực trở lại đối với kênh bancassurance (bán chéo bảo hiểm qua ngân hàng) sau thời gian gặp nhiều khó khăn.
Vụ 2 cô gái trang điểm bị gia đình chú rể lục vali: Luật sư nói về khả năng vi phạm pháp luật HOÀI THƯƠNG 23/11/2024 Hai cô gái chuyên trang điểm cho cô dâu bị một gia đình chú rể ở Tiền Giang giữ lại để lục vali, đồ đạc và yêu cầu cởi đồ để lục soát chỉ vì bị mất 20 triệu đồng. Việc này có vi phạm pháp luật?
Chủ tịch TP Hội An nói gì về thông tin chung chi 1,6-1,8 tỉ đồng mỗi suất xích lô, ghe du lịch? LINH TRANG 23/11/2024 Một tài khoản Facebook vừa đăng tải clip người đàn ông tự cầm điện thoại selfie ở Hội An. Trong clip người này nói "nghe được thông tin mỗi suất đạp xích lô, chèo ghe bơi có giá 1,6-1,8 tỉ đồng".