Đi câu "mực nháy"

TRỌNG CHÍNH 27/07/2008 22:07 GMT+7

TTCT - “Mực nháy” vì con mực vừa bắt dưới nước lên gặp ánh trăng hoặc ánh đèn thì mắt, mình nó cứ nháy lên lấp lánh. Có người gọi là “mực nhảy” vì khi mua nó còn tươi nguyên đến mức bắc lên bếp mực còn “nhảy” trong nồi. Nhưng tuyệt vời hơn là hãy làm một chuyến lênh đênh, tự tay câu mực trên biển...

Biển Cửa Lò (Nghi Lộc, Nghệ An) đang bước vào mùa du lịch đón hàng ngàn lượt khách đến tắm biển, nghỉ ngơi hằng ngày. Có một dịch vụ mà chưa khu du lịch nào có: câu mực bằng thuyền thúng. Với lợi thế về độ mặn, biển ăn sâu vào đất liền, ít có sóng to, loài mực vào sát bờ sinh sống. Buổi tối, ở các bãi tắm lúc nào cũng có hàng chục thuyền thúng trải dài dọc bãi biển đón khách du lịch đi câu mực. Với giá 150.000 đồng/thuyền là 4-5 người có được chuyến đi câu không hạn chế về thời gian cùng tay chèo là ngư dân kiêm hướng dẫn viên. Ngư cụ là một cây vợt, một đèn măngsông, mấy cần câu dài hơn 1m và cuộn dây câu khoảng 30m có gắn một hoặc hai rường câu trông giống con tôm đầy màu sắc.

Trườn nhẹ trên những con sóng nhỏ, thuyền thúng xoay tròn mấy vòng rồi dập dềnh lựa sóng ra biển. Cách bờ chừng 300m, tìm một vùng biển lặng, chủ thuyền neo thúng lại cho khách thả câu. Đèn được thắp sáng hơn. Cầm sợi cước miết đầu ngón tay quăng dây chìm tận đáy. Hễ mực ăn, nghe nhẹ bổng là giật liền, thế nào mực cũng cắn câu. Mực bắt lên còn đen sì túi mực, rửa qua nước biển rồi gác lên chụp đèn măngsông. Gặp hơi nóng, dăm phút mực đã trở nên vàng ruộm, mấy sợi râu rụng xuống gặp lửa, cháy tanh tách. Mực khi chín căng lên như bánh cuốn mọng nước và đây là lúc tận hưởng bữa tiệc giữa biển đêm cùng trời mây, sóng nước...

Phóng to
Khi hoàng hôn hắt những tia sáng còn lại xuống mặt biển, cũng là lúc chủ thuyền thúng đón khách đi câu mực
Khi thuyền cách bờ 300-400m, cuộc so tài bắt đầu
Dưới ánh đèn, mực vừa bắt lên trong suốt lấp lánh ánh bạc
Đặt mực lên chụp đèn măngsông, thế là cây đèn trở thành “lò nướng”

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận