30/12/2019 13:49 GMT+7

Đi buôn bằng... thang máy

TÂM LÊ
TÂM LÊ

TTO - Kiểm lại hàng hóa, Hương đi bán từ tầng 30 gần gia đình cô sinh sống xuống đến tầng thấp nhất của tòa nhà. Và phương tiện “đi buôn” của cô chính là cái thang máy chung cư.

Đi buôn bằng... thang máy - Ảnh 1.

Chợ mua bán online ở tòa nhà Gemek Tower - Ảnh TÂM LÊ

Kiểu buôn bán giao - nhận tại nhà này, người bán lẫn người mua đều mưa không đến mặt, nắng không đến đầu.

Tấp nập chợ online chung cư

Thang máy tầng 31 tòa nhà Gemek Tower (khu đô thị Thiên Đường Bảo Sơn, Hà Nội) vừa mở cửa, đập vào mắt người lên xuống là những túi hàng được chất ngay bên ngoài.

19h30, sau bữa cơm tối, Lê Thị Hương (32 tuổi) cùng chồng và em trai ở phòng 31xx lại quây quần sắp xếp hàng hóa để đi giao cho khách đã hẹn.

Hàng hôm nay chủ yếu là xoài và muối mì tôm, loại gia vị ăn kèm trái cây yêu thích của chị em phụ nữ. Có hôm Hương bán bưởi, dưa, hôm bán khoai lang, ổi, cam, cá mắm ... "Hàng bán thì không phải ngày nào cũng giống nhau, phụ thuộc vào người mua đặt hàng. Mùa nào thức ấy. Giờ gần tết rồi, bán thêm hạt điều, hạt bí, hướng dương chạy hơn" - Hương cho biết.

Ngay cùng dãy nhà, chị Nguyễn Thu Hằng (43 tuổi) cứ cuối tuần vợ chồng lại về quê ngoại ở Ninh Bình gom rau quả đóng vào thùng xe chở lên Hà Nội. "Rau quả tươi luôn đắt hàng, có khách hẹn từ mấy ngày trước loại rau họ thích thì mình về quê lùng. Họ biết cuối tuần hai vợ chồng thường về quê, nên họ hay nhắn tin mua rau" - chị Hằng vui vẻ giải thích.

Mỗi "nhà buôn" ở chung cư đầu tư một cái xe kéo như trong siêu thị, và xếp hàng lên xe một cách khéo léo. Việc kéo không quá nặng nề vì di chuyển ở hành lang chung cư phẳng lì, còn lên xuống tầng chỉ việc kéo vào thang máy, bấm số.

Hôm nay, chồng và em trai Hương kéo xe tỏa đi các tầng để giao cho khách ngay cửa căn hộ, còn Hương tranh thủ ngồi rao bán trên mạng. "Mình giao 70kg xoài và 3kg muối. Mỗi lần kéo được khoảng 15-20kg. Chờ thang máy thì lâu, nhưng lên xuống tầng chỉ vèo vèo. Có hôm vào thang máy, đụng vài người cũng đi giao hàng, cười vui với nhau" - Hương cười kể.

Ở phòng A-30xx, Tuấn Anh - em trai Hương - bấm chuông, giao 2kg xoài cho chủ nhà và nhận tiền ngay rồi lại kéo hàng ra thang máy xuống tầng dưới. Trong lúc ở thang máy tầng 5, chúng tôi gặp một cậu sinh viên Đại học Thủy lợi đang kéo giỏ cam. Cậu nói giá 20.000 đồng/kg, cậu giao hàng giúp chị gái.

Đi buôn bằng... thang máy - Ảnh 2.

Chế biến sẵn sàng cho khách - Ảnh: TÂM LÊ

“Rau quả tươi luôn đắt hàng, có khách hẹn từ mấy ngày trước loại rau họ thích thì mình về quê lùng mua.

Chị Nguyễn Thu Hằng

Tuy nhiên, không chỉ là người bán, Hương cũng là người mua hàng: quần áo, giày dép, đồ ăn, uống, mỹ phẩm, nói chung là những thứ gì cô không có. Hương hỏi: "Chị ăn đêm gì không, em gọi?". Tôi lắc đầu vì chưa đói. Nhưng sáng mai thức dậy lúc 6h, tôi đã thấy vài gói xôi gấc nóng hổi để trên bàn ăn. 

Hương thì vẫn còn nằm trên giường bấm điện thoại, nói vừa đặt xôi, họ đã mang tới. Còn thích ăn bún, phở, cháo... cũng có, cứ lên "chợ" online của tòa nhà mà gọi món. 5-10 phút là họ mang tới cửa phòng.

Khu Hương ở có 3 tòa nhà, khoảng 1.000 hộ dân sinh sống. Cô nói chỉ cần bán ở khu nhà mình đã đủ mệt. Tòa nhà cao tầng nào ở Hà Nội giờ cũng có đội ngũ bán hàng đông đảo như vậy. Mạng xã hội là nơi trao đổi mua bán. 

Các tòa nhà lớn như Time City, Royal City, Lotte... còn lập hẳn trang mua bán hết sức chuyên nghiệp với điều khoản rõ ràng. Các thành viên phải đảm bảo uy tín, bán hàng có nguồn gốc xuất xứ, không đăng hình ảnh thiếu văn hóa, bình luận thô tục... nếu không sẽ bị đăng xuất.

Đi buôn bằng... thang máy - Ảnh 4.

Giao lẩu hải sản tận phòng cho khách - Ảnh: TÂM LÊ

Tiện lợi và yên tâm

Nhiều tòa nhà có cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại hoặc siêu thị mini ở tầng trệt. Tuy nhiên, việc mua bán hàng bằng thang máy trên các tầng vẫn hoạt động tấp nập. Người mua được tiện lợi, giao hàng tận nhà, thường là đồ quê người bán, bảo đảm tươi ngon.

Hương ở số nhà, số tầng bao nhiêu mọi người đều biết. Khách mua có thể lên tận phòng kiểm tra, nếu hàng không đảm bảo cũng có thể gõ cửa "nhà buôn" để trả lại. Người bán treo hàng ở cửa nhà người mua, thậm chí cho nợ tiền lẫn nhau là chuyện thường.

Bà Nguyễn Thị Thúy, 56 tuổi, quê Nam Định, sống cùng con gái ở tòa nhà Ecolife Capitol (số 58 Tố Hữu, Từ Liêm, Hà Nội). Nhiều người quen gọi là bà Thúy "mít". Nhà có hơn 20 gốc mít ở quê, mỗi tuần về quê bà lại tay xách nách mang lên những quả mít thơm lừng, đắt khách.

Có bữa đi thang máy gặp bà khệ nệ xách hai quả mít đi giao cho khách, vài người gặng hỏi xin số điện thoại của bà để đặt mua. "Đây là mít chín cây, không chín ép, cũng không ủ thuốc gì nên bà con ở đây rất thích. Tôi bán mấy năm nay rồi, năm nào cũng đắt hàng, giá thành lại rẻ hơn cả siêu thị, vì mít nhà trồng được mà" - bà Thúy cười hiền.

Ở khu đô thị Time City (Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội) có hàng nghìn căn hộ, có cả chục trang mua bán được lập ra. Trang về nhà cửa, xe cộ, nội thất, hàng tiêu dùng, ăn uống... Có người buôn bán chuyên nghiệp, có người bán thời vụ. Chợ đặc sản, chợ ngày tết lúc này nhộn nhịp hơn cả.

Tôi hoa mắt, nào bánh cuốn Cao Bằng, nem chua Thanh Hóa, cam Vinh, hạt điều Đắk Lắk, bưởi Diễn, bưởi Phúc Trạch, gà mía Sơn Tây... Đồ ăn nấu sẵn cũng chẳng khác nào khu phố ẩm thực: cá kho, xôi gà, phở, miến cá, cháo sườn, chè thập cẩm...

Đi buôn bằng... thang máy - Ảnh 5.

Giao nhận, thanh toán nhanh chóng - Ảnh: TÂM LÊ

Khoản thu không hề nhỏ

"Bán được hàng sẽ có thêm thu nhập, giải quyết được nhiều việc: đóng tiền học cho con, trả lãi ngân hàng, mua sắm đồ ăn..." - Hương hào hứng liệt kê. Khi tôi hỏi thu nhập, Hương nêu ra con số khá bất ngờ: "Bình quân thu nhập từ 7-10 triệu đồng mỗi tháng. Nếu có thời gian, chịu khó, sức khỏe tốt thì thu nhập còn hơn thế".

Hương là người phụ nữ giỏi xoay xở, từ khi gia đình cô chuyển về khu chung cư 4 năm nay, cuộc sống êm ấm hơn trước. Ban đầu, người dân đến nhận phòng ở, vợ chồng Hương đã nảy sáng kiến bán rèm cửa. Tiếp đến bán đồ tiêu dùng, rồi hàng thực phẩm...

Nghề chính của cô là làm truyền thông, thu nhập trung bình 9 triệu/tháng, chồng Hương làm lĩnh vực kỹ thuật máy tính, mức thu nhập cũng tương tự. Nếu không có khoản thu từ việc bán hàng online ở nhà, cuộc sống sẽ chật vật khi phải trả lãi ngân hàng mua nhà. Rồi tiền học cho con, tiền thuốc thang vì Hương gầy ốm liên miên, tiền giúp mẹ nuôi hai em trai ăn học khi bố mất sớm.

Với chị Nguyệt, bán hàng ở chung cư trở thành nghề chính trong lúc gia đình di chuyển chỗ ở từ Nam ra Bắc. Chị lại vừa sinh con nhỏ, nên công việc tại nhà giúp chị có thời gian tự do chăm con. Ban đầu bán tại nhà chỉ vài mặt hàng, sau muốn phát triển thêm chị đã thuê kiôt ở tầng 5, thuê thêm cả người bán và giao hàng. "Ngày càng nhiều người bán, nên đòi hỏi hàng mình phục vụ phải tốt, đúng nhu cầu, mua bán xởi lởi và quan trọng là tin tưởng thì họ sẽ gọi cho mình" - chị Nguyệt tiết lộ.

Nhiều người bán hàng trên chợ online ở các tòa nhà còn kết thành hội mua bán với nhau. Nhiều hội còn lập quỹ từ thiện, tích cóp mua gạo, nhu yếu phẩm tiếp tế cho người dân vùng lũ Hòa Bình, Thanh Hóa...

Kẻ bán, người mua đều thân nhau

"Nghề bán này phải có cái tâm mới tồn tại được, không như bán ngoài chợ, kẻ bán người mua có thể không biết nhau. Ở chung cư mình sống cả đời, người mua cũng vậy, nên sự tin cậy quan trọng nhất" - chị Phạm Thị Nguyệt, 29 tuổi, một người bán hàng chuyên nghiệp ở khu B2 chung cư Gemek Tower, cho biết.

Tôi đi... buôn ngựa! Tôi đi... buôn ngựa!

TT - Thời gian gần đây món phở Hà Nội lại trở thành “tai tiếng” khi các phương tiện thông tin đại chúng phát hiện bấy lâu mọi người thay vì được ăn phở bò lại chỉ toàn xơi phải món... phở ngựa. Đơn giản vì thịt ngựa rẻ và sau khi chế biến thì... ăn như thịt bò. Một ông chủ lò mổ ở Hà Tây cho biết nguồn cung cấp ngựa chủ yếu đến từ huyện biên giới Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Thế là tôi lặn lội lên miền rừng núi này để theo dấu những đường dây buôn ngựa.

TÂM LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên