Các đại biểu tham quan dự án điện mặt trời áp mái tại tòa nhà điều hành khu công nghiệp VSIP 1, thành phố Thuận An, Bình Dương - Ảnh: T.L
Điển hình trong các thành tựu mà chính quyền, doanh nghiệp, người dân thành phố Dĩ An, Thuận An có thể tự hào đó là cả hai thành phố này đều có phát triển kinh tế, xã hội ấn tượng, tự chủ về thu chi và còn kết dư, đóng góp ngân sách.
Kết dư ngân sách
Năm 2018, chỉ tính riêng thành phố Thuận An có tổng thu ngân sách tới hơn 7.226 tỉ đồng, là một trong những địa phương dẫn đầu, đóng góp vào thành tích chung của Bình Dương, là một trong những tỉnh nộp ngân sách lớn nhất cả nước. Trong khi đó, tổng thu ngân sách của thành phố Dĩ An đạt: 3.849 tỉ đồng.
Để dễ hình dung, có thể so sánh tổng thu ngân sách của riêng thành phố Thuận An, hay Dĩ An có thể tương đương hoặc lớn hơn nguồn thu của cả một tỉnh khác. Theo tiêu chí chung của cả nước thì cả hai thành phố này không còn hộ nghèo.
Tổng giá trị sản xuất của Thuận An mỗi năm hiện đạt tới trên 263.500 tỉ đồng, trong đó công nghiệp - xây dựng chiếm tới gần 80%, thương mại - dịch vụ - du lịch chiếm tới hơn 20%; còn tỷ lệ nông nghiệp chỉ vỏn vẹn 0,08%.
Trên địa bàn thành phố Thuận An có các khu công nghiệp lớn, không chỉ mang lại giá trị về sản xuất, xuất khẩu, đóng góp ngân sách mà còn tạo ra việc làm cho hàng trăm ngàn người lao động như khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) 1, Việt - Hương, Đồng An 1... Ngoài ra, còn có thể kể đến nhiều công trình thương mại - dịch vụ lớn như siêu thị AEON MALL, Lotte Mart...
Thành phố Thuận An cũng là nơi mà tuyến Quốc lộ 13 đi qua, được coi như "dải lụa" kết nối Bình Dương với TP.HCM và khu vực Đông Nam Bộ. Từ TP.HCM, người dân chỉ mất ít phút là có thể tới các công trình lớn như Bệnh viện Quốc tế Becamex, Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc... Đây là vùng phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ sớm nhất của tỉnh Bình Dương. Thuận An có khu công nghiệp VSIP 1, là một thành quả hợp tác tiêu biểu giữa Việt Nam và Singapore...
Kết nối vùng
Không chỉ với người dân Bình Dương, thông tin thành lập hai thành phố Dĩ An, Thuận An còn thu hút sự quan tâm theo dõi của cả người dân, cộng đồng doanh nghiệp các nơi khác. Bởi vị trí địa lý gần gũi, giao thoa giữa hai thành phố này với TP.HCM và khu vực Đông Nam Bộ.
Mặc dù có diện tích tự nhiên không quá lớn, nhưng thành phố Dĩ An nằm ở vị trí giao thoa, khi tiếp giáp với Q.9, Q.Thủ Đức TP.HCM và thành phố Biên Hòa, Đồng Nai.
Điển hình như khu Đại học Quốc gia TP.HCM là trung tâm đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực lớn của cả nước và khu vực, có tổng diện tích 643,7ha thì hầu hết diện tích nằm trên địa bàn thành phố Dĩ An với 522ha. Dĩ An cũng là nơi đi qua của các trục giao thông lớn như: Quốc lộ 1, Quốc lộ 1K, đường sắt Bắc Nam, xa lộ Hà Nội, tiếp giáp và kết nối với các công trình bến xe Miền Đông mới và nhà ga của tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên...
Bệnh viện Quốc tế Becamex tại thành phố Thuận An phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của chuyên gia và người lao động - Ảnh: T.L.
Với vị trí thuận lợi nên nhiều người dân làm việc tại TP.HCM đã chọn sinh sống tại thành phố Dĩ An, Thuận An của Bình Dương vì khoảng cách gần, hạ tầng thông thoáng, khang trang, chi phí hợp lý hơn TP.HCM. Nếu tính khoảng cách từ hai thành phố này về tới trung tâm Q.1, TP.HCM chỉ khoảng 15km, mất khoảng 20-30 phút chạy xe.
Với sự chủ động kết nối vùng của Bình Dương thì thời gian sắp tới, việc giao thương, đi lại giữa thành phố Thuận An, Dĩ An và khu vực sẽ càng thuận tiện hơn. Điển hình như việc tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai đã có kiến nghị nghiên cứu nối dài tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên về hai địa phương này.
Trước mắt, tỉnh Bình Dương đang có kế hoạch triển khai dự án giao thông công cộng gắn với xe buýt nhanh để nối thành phố mới Bình Dương và bến xe Miền Đông mới, chạy dọc theo tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn, đi qua địa bàn cả thành phố Thuận An và Dĩ An.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận