Nội dung thư của Babut viết ngày 13-8-1948 gửi người dượng Jules. Ông Daniel Danzon gửi tặng bà Lê Thị Kinh |
>> Kỳ 1:
>> Kỳ 2:
>> Kỳ 3:
>> Kỳ 4:
Bức thư cuối cùng Babut gửi về người thân may mắn còn lại giúp trả lời phần nào câu hỏi...
Bị cho là... Việt Minh
Thấy Babut luôn đấu tranh chống lại những bất công, lạm quyền, luôn phê phán chính sách cai trị có lúc đến tàn ác của chính quyền thực dân đối với người Việt, khi chiến tranh Việt - Pháp nổ ra, một số người Pháp ở Hà Nội đã cho rằng Babut là người của Việt Minh.
Bởi vậy họ cảm thấy e ngại, căm ghét Babut, cần tìm cách đề phòng, đối phó với con người không có lợi cho người Pháp này. Bởi thế nên Babut đã phải chịu khổ sở không ít vì họ.
Ông kể lại chuyện này trong bức thư ông viết tại Đà Lạt ngày 13-8-1948 gửi về ông Jules Antoine - chồng của người cô ruột Pauline Babut của mình ở Pháp: “Sau ngày 19-12 (tức 19-12-1946 - ngày toàn quốc kháng chiến chống Pháp - PV) trong khi cháu đang ngắm nhìn những xe thiết giáp xả liên thanh chiến đấu với quân Việt Minh trên các đường phố thì cháu bị quân đội Pháp bắt.
Một bà người Pháp đã ghé tai nói với viên quan ba chỉ huy đơn vị: “Ông thấy người tóc bạc đang đứng nhìn đó không? Đó là bạn thân của Hồ Chí Minh đấy!”.
Đúng cháu đã là bạn thân của Hồ Chí Minh trước đó 30 năm. Cháu đã quen ông ấy ở Paris khi cháu viết tờ Tribune Annamite (Diễn Đàn An Nam - PV) chắc chú còn nhớ chứ và lúc đó Hồ Chí Minh có tên là Nguyễn Ái Quốc. Ồ! Lần này cháu không bị giam lâu, chỉ hai giờ sau cháu được thả”.
Nhưng chưa hết, vụ việc này đã đưa đến những lời đồn thổi được đẩy đến mức hoang đường dễ dẫn đến thảm họa cho Babut nếu ông không kịp ứng phó.
Ông viết tiếp cho người dượng: “Nhưng cả một câu chuyện hoang đường được dựng lên trong dân Pháp ở Hà Nội. Họ loan truyền rằng cháu bị bắt không phải tại ngoài đường mà là ở dưới hầm của lâu đài Hồ Chí Minh khi quân đội ta vào chiếm tòa nhà đó. Và tuồng như cháu đã đứng ở lỗ châu mai để điều khiển hỏa lực của Việt Minh bắn vào quân ta.
Thế là dư luận nổi lên chống cháu. Cháu không thể ra đường một bước mà không nghe tiếng mắng chửi hay đe dọa.
Họ hình thành cả một đội để giết Babut. Người ít hung hăng nhất cũng muốn bắt cháu, cạo sạch tóc và râu, sau hình phạt có tính phát xít đó sẽ dẫn cháu đi khắp phố phường Hà Nội với tay trói và một tấm biển buộc sau lưng”.
Không giống như những lần vì lên tiếng mạnh mẽ bênh vực cho nhân dân Việt Nam, sau vụ biến Trung kỳ - 1908, vì bênh vực cho Phan Châu Trinh, Babut suýt bị chính quyền Pháp trục xuất khỏi Đông Dương, sự đe dọa giữa Hà Nội lần này quả là nguy hiểm cho Babut.
Giới lãnh đạo Pháp tại Đông Dương thấy được điều này. Để tránh nguy hiểm cho Babut và cũng là để tránh những hậu quả không hay cho chính mình, giới lãnh đạo Pháp tại Đông Dương đã hành động.
Babut viết tiếp cho ông dượng Jules lý do ông đến ở nơi ông đang ngồi viết thư này: “Chính phủ đã lo cho tính mạng cháu. Và chính đô đốc D’Argenlieu đã cho người khuyên cháu rời Bắc kỳ, cho cháu đến tá túc một trong các biệt thự của cao ủy ở Đà Lạt”.
Và Babut đã giãi bày với con người mà giờ đây ông thấy không có ai đáng cho mình thổ lộ điều này hơn là người thân yêu nhất của mình từ cố quốc.
Ông viết cho dượng Jules: “Dượng có trở thành cộng sản không? Cháu thì không, mặc dù cháu có nhiều bạn trong những người cộng sản. Biết làm sao được hả chú, cháu đã là vô chính phủ từ lúc 20 tuổi và điều đó đã ghi dấu ấn cho suốt cuộc đời cháu. Cháu muốn không phải ép mình theo nó”.
Thư viết tay của Daniel Danzon, người thân duy nhất của Babut được biết đến, gửi bà Lê Thị Kinh hồi năm 1999 nói về việc gia đình ông mất thông tin về Babut từ cuối năm 1948 đến nay |
Mất mát nhiều vẫn lạc quan
Tại chỗ ở mới là Đà Lạt vì thiếu người thân quen, lại chưa thể tiếp tục nghề báo, để giãi bày tâm sự, Babut đã viết cho dượng Jules những lời giống như là... xã luận.
Ông viết: “Độc lập cho xứ này là một từ húy kỵ không được nói đến. Ngay ông bạn Moutet (một nghị sĩ có tư tưởng tiến bộ, có tên trong Liên minh nhân quyền Pháp, từng bênh vực cho Phan Châu Trinh - PV) của cháu cũng không dám nói khi ông ta lên làm bộ trưởng.
Bây giờ thì không những người ta nói mà còn viết ra nữa. Nhưng khốn thay đã quá chậm rồi... Đó là đường lối chậm trễ ngu ngốc muôn thuở của chúng ta. Bây giờ chúng ta buông cho họ nhiều hơn những gì người An Nam, kể cả Hồ Chí Minh, đã đòi ta cách đây ba năm.
Nhưng vì chúng ta đã không biết có cử chỉ cần thiết vào thời điểm thích hợp, cử chỉ bây giờ không hề được họ hoan nghênh và cảm ơn chút nào hết...”.
Được “an trí” ở Đà Lạt, Babut và vợ sống dựa vào khoản tiền ứng trước hằng tháng về khoản đền bù chiến tranh (mà chắc chắn Chính phủ Pháp sẽ phải chi trả cho ông vì những thiệt hại tài sản của ông ở Hà Nội). Thật xót xa, Babut rời Hà Nội nơi ông gắn bó gần nửa thế kỷ với tay trắng.
“Thật vậy, sau khi ở tù của chế độ Pétain ra cháu đã hoàn toàn sạt nghiệp, mất hết tất cả: hai ngôi nhà với tất cả đồ dùng gồm đồ gỗ, quần áo, vật dụng, tủ sách rất quý của cháu...” - ông tâm sự với người dượng thân yêu của mình.
Nhưng con người cả một đời chỉ quen tranh đấu vì lẽ công chính đó vẫn luôn lạc quan. Babut viết trong thư là tuy đã 70 tuổi nhưng ông vẫn còn khỏe. Ông nói với dượng là mình thích Đà Lạt, gọi đó là nơi tuyệt đẹp của Nam Đông Dương với những đồi cao và rừng thông ôn đới ở độ cao 1.500m!
Niềm phấn khích vì lý tưởng cao đẹp của một nhà báo, nhà hoạt động hội đoàn đã cho Babut sức mạnh cả thể chất và nghị lực.
Ông tâm sự chân tình chứ không phải để trấn an người thân: “Cháu cũng khá dai sức. Dượng biết không, đầu năm nay cháu cũng đã 70... Cháu đã nếm mùi ngục tù và lưu đày. Về vật chất thì ông ta (chỉ toàn quyền Decoux - PV) có làm khổ cháu thật.
Nhưng về tinh thần thì không hề, vì cháu rất tự hào ở tuổi này mà cháu vẫn được xếp ở hàng đầu của những người chiến đấu...”.
Người xếp hàng ấy, Babut không nói nhưng rõ ràng là nhà cầm quyền Pháp ở Đông Dương. Họ rất “sợ” ngòi bút chiến đấu của ông. Những báo cáo của mật vụ về Babut ở thời điểm ông nói đã chứng minh điều đó.
Trên Wikipedia, tiểu sử Alfred-Ernest Babut chỉ có mấy dòng ở trạng thái rất sơ khai, ghi ông mất năm 1962. Chỉ duy nhất thấy một ghi chép ngắn được viết ngày 29-10-2009 trên trang h-francais Discussion Log của ông Yves Panis - một quan chức ngân hàng ở Pháp đã nghỉ hưu. Ông là người đam mê nghiên cứu lịch sử và có giới thiệu nhà báo Babut với chừng mươi dòng. Trong đó có thông tin đáng chú ý là “Babut đã rời Việt Nam trở về Pháp năm 1960, rồi mất tại Ambérieux năm 1962”. Thực hư ra sao? |
__________
Kỳ tới: Babut ở đâu những ngày cuối đời?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận