Bạn đọc còn hiến kế giám sát vấn đề an toàn thực phẩm tại các quán ăn để thực khách yên tâm hơn khi ăn.
"Nhắm mắt" ăn bằng niềm tin
Từng ngán ngẩm khi chứng kiến sự nhớp nháp của một quán ăn, anh Đoàn Thuần kể: "Quán đó rẻ, gần nhà trọ nên tôi hay tới ăn. Một lần đang ăn mà lỡ làm bát canh đổ vào người nên vào nhà vệ sinh rửa, thấy bầy chuột chạy loạn xạ hết cả lên. Quay ra ăn không nổi nữa, tính tiền đi về và không bao giờ trở lại".
Tương tự, anh Lam cho biết thường ghé ăn một quán bún bò vỉa hè gần nhà. "Có lần vô tình vào phía sau tìm người nhà chủ quán có việc riêng vào buổi sáng, nhìn chủ quán đang cởi trần nghiêng người vào nồi hầm nước bún bò, mồ hôi nhễ nhại.
Tôi về nói với bà xã thôi đừng mua bún quán đó nữa. Bà xã tôi cười trừ, bảo quán nào mà chẳng vậy", anh nhớ lại.
Bạn đọc Long Khang chung nỗi niềm khi kể về một quán bún thịt nướng ở quận 6 (TP.HCM): "Tôi ít ăn cay nhưng có lần thử chút ớt, mở nắp ra thì ôi... toàn mốc meo bám đầy. Đi vệ sinh qua khu nhà bếp thì thấy chả giò chiên trong dầu đen ngòm. Thôi xin bái bai, một đi không trở lại".
Còn bạn đọc Anh ba Long An chia sẻ: "Tôi đi ăn ngoài cũng vậy. Cứ nơm nớp lo sợ thực phẩm bẩn. Ngay cả việc bưng tô canh, nhiều người vô ý chấm ngón tay cái vào là tôi cũng không muốn ăn".
Không chỉ vấn đề thực phẩm, chị Nga cho biết một quán ăn ở quận Phú Nhuận đặt vòi nước trước quán và bơm nước trực tiếp từ vòi vào nồi xúp.
Riêng bạn đọc Hạnh Đoàn "chốt hạ": "Đi ăn ở ngoài xác định là ăn theo niềm tin thôi". Bạn đọc Viet Nguyen đồng tình: "Đúng là muốn ngon chỉ có cách nhắm mắt mà ăn. Nhìn thì khỏi dám ăn".
Thang điểm nào cho quán ăn vỉa hè?
Anh Trần Quang Dinh bày tỏ đây là "chuyện thường ngày ở huyện". Theo anh, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm luôn đặt lên hàng đầu trong buôn bán đồ ăn thức uống. Song thực tế không ít quán xem nhẹ, quá coi thường thực khách.
Bạn đọc Da Nang chia sẻ: "Nếu có thang điểm chấm quán ăn vỉa hè hay cửa hàng, cửa hiệu, xe đẩy cá viên chiên là 100, tôi nghĩ chẳng biết đạt khâu nào để có 1 điểm chứ đừng nói 50 điểm hay 100".
Lo ngại khi gần đây xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm quy mô lớn, chị Lan Anh băn khoăn không lẽ cuộc sống hiện đại hơn mà vệ sinh an toàn thực phẩm lại kém đi?
"Hãy học sự tinh tế và khoa học trong ẩm thực của người Nhật. Từ những quán ăn nhỏ mà họ thiết kế rất tốt, ngăn nắp và sạch sẽ chứ không lộn xộn bẩn thỉu như nhiều quán bình dân phổ biến ở Việt Nam", chị Lan Anh viết.
Theo chị, việc này có lẽ cần các ban ngành kết hợp chính quyền địa phương thật sự vào cuộc. Cùng với đó là cách bố trí nhà hàng, quán ăn khoa học và mỹ thuật, tham khảo ý kiến các đầu bếp nghệ nhân, các nhà văn hóa... để nâng tầm ẩm thực nước nhà.
Các cơ quan liên quan cần sớm xây dựng lại các chợ truyền thống có thiết kế đẹp, thuận tiện giao thông, bố trí hệ thống xử lý rác thải hiện đại và phòng cháy chữa cháy, phù hợp tập trung số lượng lớn các quán ăn. Làm được vậy sẽ là cải thiện lớn cho văn minh đô thị, giảm lấn chiếm vỉa hè và hút khách du lịch.
Trong khi đó, bạn đọc Ngan cho rằng: "Bí quyết sống thọ của nhiều người lớn tuổi hiện nay là ít ăn hàng quán. Cứ sáng, trưa, chiều đều cơm cho chắc bụng, uống nước ấm".
Anh Tùng đồng quan điểm: "Giờ tìm quán giá phải chăng, làm có tâm và vệ sinh có lẽ hơi khó. Bớt ăn hàng lại cho đảm bảo, kẹt lắm mới ăn ngoài".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận