Có lần ở Đà Nẵng, tôi gặp hai bạn người Hàn Quốc hỏi đường ra cầu Sông Hàn. Không biết tiếng Anh, tôi ú ớ gọi vợ: "Em ơi, hai người nước ngoài hỏi gì này". Vợ tôi làm cùng cơ quan bước ra nói tầm 30 giây và hai bạn ấy vui vẻ rời đi. Lúc này vợ lườm tôi: "Chỉ đường cũng không biết".
Sau đợt ấy và nhiều lần chạm mặt người nước ngoài trước đó, tôi "thề" sẽ học tiếng Anh, ít nhất là giao tiếp được cơ bản. Nhưng quyết tâm tan biến khi hết giờ làm, anh em lại í ới "làm vài chai".
Dở khóc dở cười vì dốt tiếng Anh
Năm 2017, tôi và người anh đồng nghiệp đi Ấn Độ chơi. Vùng đất chúng tôi tìm đến là bộ tộc người Apatani với tập tục khoét mũi, họ là những người cuối cùng trên trái đất làm điều ấy.
Đi cùng là một bạn chuyên phượt khắp thế giới. Chuyến đi háo hức bao nhiêu thì mỗi lần bạn dẫn đường đi làm thủ tục gì đó, anh em tôi lại khốn khổ bấy nhiêu.
Hôm đó, bạn đi làm giấy thông hành để vào vùng biên giới nước Ấn. Hai anh em ở nhà chờ, đói rã rời mà chẳng thấy bạn về. Sau phút bàn tính, hai anh em quyết định "xuống phố" tìm đồ ăn. Vừa đi vừa nhìn lại đường vì sợ đi xa, lạc. Ông anh cứ bảo "đi gần thôi, lạc là chết luôn". Cái cảm giác run run ấy nghĩ lại vẫn mắc cười.
Đi nhìn mãi chẳng thấy quán ăn nào. Thế là hai anh em quyết định sẽ hỏi địa điểm có nhà hàng. Hai anh em càng cố gắng hỏi, người ta càng không hiểu, dù ở Ấn đứa trẻ con cũng thạo tiếng Anh. Tôi đến hỏi một lái xe đứng bên đường: "Du, rì táu rinh". Anh ta ngơ ngác. Tôi tiếp: "Là rì táu rinh đó, chỗ bán thức ăn".
Ông anh tôi kéo tôi ra, lao vào tiếp "Rít tu rờn", ổng lặp đi lặp lại mãi mà ông người Ấn vẫn ngơ ngác, nhiệt tình anh ta gọi thêm vài người nữa đến, cố nghe để giúp hai gã nước ngoài. Cuối cùng ông anh lấy tay mô tả động tác ăn.
Cả nhóm vừa cười vừa ồ lên "rét ron". Họ chỉ đường, chúng tôi tìm được quán ăn. Vào quán, lại thêm một "cửa ải" khác. Dù là nhà hàng nhưng chẳng có thực đơn. Thế là hai anh em vận dụng tất cả học thức vượt qua cái đói. Tôi "du, rây, rây" và đưa hai ngón tay, họ hiểu gọi hai phần cơm. Thức ăn thì ông anh tôi "Phút, phút". May sao họ cũng hiểu, thế là chỉ ăn cơm với thịt heo. Còn rau với canh chúng tôi chẳng biết làm sao cho họ hiểu.
Nhiều lần quyết tâm học ngoại ngữ, vẫn... ú ớ
Sau chuyến đi đó, chúng tôi về kể lại hành trình, chị sếp thấy mắc cười và gửi cho tôi một phần mềm tự học tiếng Anh. Tôi cũng quyết tâm, ngày dành 60 phút học. Nhưng được ba hôm thì tôi dẹp nghỉ vì những tin nhắn "Buồn quá làm ly hè", "Hôm nay nóng quá, giải nhiệt hè". Bút nghiên xếp lại, khi quán bia đang chờ.
Vợ chồng tôi kết hôn, chuyển về Quảng Ngãi sinh sống hẳn. Vợ tôi đi dạy tiếng Anh, nhưng cô ấy bất lực trong việc dạy tôi. Số phận nhiều khi trớ trêu. Tôi về tận Quảng Ngãi sinh sống, vậy mà chẳng hiểu sao xóm lại có rất nhiều người nước ngoài sinh sống.
Có lần, hai bạn người Hàn Quốc ở gần nhà ghé chơi. Chẳng biết họ nói gì, tôi chỉ gọi vợ "Em ơi, "con" Hàn ghé chơi nè, nó hỏi gì nè". Vợ tôi nói: "Con Hàn nào? Người ta tên là Chu Won. Có mấy chữ nước ngoài mà học mãi không xong".
Trong 10 năm qua, tôi ít nhất có bốn lần quyết tâm học tiếng Anh. Thậm chí có lần, ông chú đồng nghiệp đáng tuổi cha mẹ tôi còn ra kèo: "Mày học được tiếng Anh là tao thưởng đậm". Nhưng từ đó đến nay, tôi chẳng học được chữ nào.
Nghĩ cũng chán, mỗi lần tôi tìm đến tiếng Anh là chữ nghĩa bỏ tôi đi thì phải. Có lần tôi nộp tiền, vào trung tâm tiếng Anh học. Được năm buổi, tôi nghỉ học. Cô giáo là người bạn nên liên tục gọi năn nỉ. Tôi chỉ nói: "Thôi tao không học nữa. Mày dạy chán òm", bởi ngoài cái cớ đó, chẳng còn cách nào bao biện cho sự học thăng trầm với môn tiếng Anh.
Bạn có gặp khó khăn và lâm vào những tình huống khó xử, dở khóc dở cười vì không biết ngoại ngữ? Quá trình học ngoại ngữ của bạn thành công hay thất bại như thế nào?
Mời bạn chia sẻ câu chuyện, bài học kinh nghiệm về địa chỉ [email protected]. Vui lòng cung cấp thông tin tài khoản để tòa soạn gửi nhuận bút sau khi đăng bài. Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận