GS.TS Nguyễn Quý Thanh - giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục ĐHQG Hà Nội (phải) - trao giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục cho PGS.TS Võ Văn Sen - hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV (ĐHQG TP.HCM) - Ảnh: TRẦN HUỲNH |
Sáng 29-5, ĐHQG TP.HCM phối hợp với Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục ĐHQG Hà Nội tổ chức lễ công bố quyết định và trao giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục (MOET) cho bốn trường ĐH thành viên của ĐHQG TP.HCM.
Các trường thành viên ĐHQG TP.HCM được đánh giá đạt chuẩn chất lượng chất lượng cấp cơ sở giáo dục và nhận giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục đợt này gồm: Trường ĐH Khoa học tự nhiên, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, Trường ĐH Công nghệ thông tin và Trường ĐH Kinh tế - luật.
Tính đến nay, ĐHQG TP.HCM đã có năm trường ĐH thành viên tham gia đánh giá và đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng cấp cơ sở giáo dục của Bộ GD-ĐT.
Ngoài bốn trường nêu trên, trước đó, Trường ĐH Quốc tế cũng đã nhận giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục năm 2016.
Riêng Trường ĐH Bách khoa sẽ được kiểm định bởi Mang lưới các trường ĐH Đông Nam Á (AUN-QA) vào tháng 9-2017.
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, các cơ sở giáo dục ở VN phải thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục theo chuẩn MOET (gồm 61 tiêu chí của 10 tiêu chuẩn) do Bộ GD-ĐT thiết kế.
Theo PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa, phó giám đốc ĐHQG TP.HCM, đối với đánh giá cấp chương trình, công tác tự đánh giá, đánh giá nội bộ và đánh giá ngoài chính thức đã được triển khai rộng trong toàn hệ thống ĐHQG TP.HCM.
Hiệu trưởng bốn trường thành viên ĐHQG TP.HCM nhận giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục sáng 29-5 - Ảnh: TRẦN HUỲNH |
ĐHQG TP.HCM hiện có 44 chương trình được đánh giá ngoài nội bộ, 30 chương trình đạt chuẩn AUN-QA chiếm 50% số chương trình đạt chuẩn AUN-QA trên cả nước, bảy chương trình chất lượng cao Việt - Pháp (PFIEV) đạt chuẩn kiểm định CTI và hai chương trình (khoa học máy tính và kỹ thuật máy tính Trường ĐH Bách khoa) đạt chuẩn kiểm định ABET của Hoa Kỳ. Trong năm 2017, ĐHQG TP.HCM sẽ tiếp tục có thêm tám chương trình tham gia đánh giá theo chuẩn AUN-QA.
“Như vậy, ĐHQG TP.HCM đang dẫn đầu cả nước về số lượng các chương trình đạt chuẩn chất lượng khu vực và quốc tế. Ngoài ra, ĐHQG TP.HCM cũng tiên phong áp dụng mô hình CDIO trong đào tạo với 62 chương trình đào tạo thuộc năm trường thành viên tham gia.
Theo kế hoạch, đến năm 2020, tất cả các đơn vị thành viên trong ĐHQG TP.HCM sẽ được đánh giá ngoài bởi AUN-QA. Cùng với đó, ĐHQG TP.HCM đang nỗ lực nâng cao chất lượng toán diện để phấn đấu đến năm 2020 lọt vào top 100 trường ĐH hàng đầu châu Á, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ” - PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận