10/02/2018 10:56 GMT+7

ĐH Việt Nam đang đứng ở đâu?

NGUYỄN MINH HÒA
NGUYỄN MINH HÒA

TTO - Không thể cứ cho rằng Việt Nam phải duy trì một hệ thống giáo dục khác biệt là do những đặc thù riêng có của đất nước, bởi rất khó trả lời được câu hỏi: đại học chúng ta đang đứng ở đâu trong thế giới này.

ĐH Việt Nam đang đứng ở đâu? - Ảnh 1.

Mấy bữa nay, dư luận xôn xao quanh chuyện hơn 200 trường đại học ở Việt Nam không có trường nào lọt vào danh sách 350 trường đại học hàng đầu châu Á do tạp chí The Times Higher Education bình chọn.

Trong khi đó, Nhật Bản có 89 trường, Trung Quốc có 63 trường, Hàn Quốc có 25 trường. Ở Đông Nam Á, trừ Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar, Đông Timor thì các nước còn lại nước nào cũng có một vài trường trong danh sách. Ấn tượng nhất có lẽ là Đài Loan, một lãnh thổ nhỏ bé mà có đến 17 trường nằm trong nhóm 300.

The Times Higher Education xếp hạng theo 13 tiêu chí, được phân ra 5 nhóm với tổng định lượng là 100%. Phần đánh giá về giảng dạy chiếm tỉ lệ 30%, nghiên cứu 30%, trích dẫn 30%, hội nhập quốc tế 7,5%, chuyển giao kiến thức và công nghệ 2,5%. Trong mỗi nhóm này được đánh giá theo thang điểm 1-100.

Nhìn vào cách đánh giá này, quả thật có nhiều hạng mục của các trường đại học Việt Nam không cao. 

Chẳng hạn ở hạng mục nghiên cứu, họ quan tâm tới 3 tiêu chí được coi là quan trọng nhất gồm có số lượng các công trình (sách, bài báo) công bố quốc tế; sản phẩm khoa học công nghệ, kỹ thuật được trường đại học sáng chế và uy tín, danh tiếng, ảnh hưởng của nhà trường và các nhà khoa học của trường trong xã hội (quốc gia, quốc tế).

Ở cả 3 hạng mục này, chúng ta đều ở mức khiêm tốn. Trong những năm gần đây, số lượng bài báo quốc tế đã tăng lên nhiều hơn nhưng những sản phẩm được chuyển giao cho xã hội rất thấp, các kết quả nghiên cứu ít được xã hội chấp nhập, phần lớn được bỏ vào ngăn kéo sau khi nghiệm thu, dù là xuất sắc. 

Mức độ ảnh hưởng của các trường đại học đến xã hội cũng không cao. Nếu ở các trường đại học trên thế giới các nhà khoa học tham gia rất sâu trong tiến trình xây dựng chính sách, chiến lược hành động của quốc gia, của tỉnh thành thì ở Việt Nam vai trò và vị thế các nhà khoa học khá mờ nhạt.

Còn ở hạng mục giảng dạy được xem xét khá toàn diện từ đội ngũ giáo sư (số giảng viên có bằng tiến sĩ, số tiến sĩ trên đầu sinh viên), chương trình giảng dạy, môi trường học tập, điều kiện học tập của sinh viên, đầu ra sau khi tốt nghiệp. 

Các trường đại học trong nhóm hàng đầu đều có khuôn viên rộng lớn (campus), thư viện, phòng thí nghiệm rất hiện đại, luôn được cập nhật các máy móc thiết bị mới, hệ thống vui chơi giải trí cực kỳ hoàn thiện với nhà thi đấu, sân thể thao, hồ bơi, phòng nhạc... 

Trong khi đó, các trường đại học của Việt Nam phần lớn ở trong tình trạng nhỏ bé, nghèo nàn và lạc hậu, nhiều trường còn phải đi thuê cả địa điểm lẫn giảng viên.

Ở hạng mục hội nhập quốc tế, số sinh viên quốc tế đang theo học ở trường được coi là một chỉ số quan trọng, nhìn vào bảng thống kê cho thấy các trường có thứ hạng cao đều là các trường hấp dẫn sinh viên nước ngoài. 

Trong khi đó, số lượng sinh viên nước ngoài đến học tập dài hạn ở bậc cử nhân và thạc sĩ tại các trường đại học của Việt Nam còn rất khiêm tốn, thậm chí nhiều trường còn chưa bao giờ có sinh viên nước ngoài xuất hiện.

Đã đến lúc cần xem lại quan điểm cho rằng Việt Nam phải duy trì một hệ thống giáo dục khác biệt là do những đặc thù riêng có của đất nước, bởi như thế sẽ tạo ra tình thế "một mình một chợ", rất bất lợi khi hội nhập quốc tế sâu rộng. Trong bối cảnh như thế, rất khó trả lời được câu hỏi: đại học chúng ta đang đứng ở đâu trong thế giới rộng lớn này?

Nhiều trường băn khoăn với tiêu chí xếp hạng đại học Việt Nam Đại học Việt Nam tụt hậu: vì tư duy chỉ cần tấm bằng Đại học VN: bao giờ có mặt trong số 200 đại học hàng đầu?
NGUYỄN MINH HÒA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên