Trường ĐH Tôn Đức Thắng - Ảnh: TRẦN HUỲNH
Trong khi đó, một số cán bộ Trường ĐH Tôn Đức Thắng tỏ ra bức xúc và tuyên bố "sẵn sàng đấu tranh vì một đại học tử tế và bảo vệ quyền lợi của người học".
"Công nhận giáo sư cho ông Lê Vinh Danh đúng quy trình"
Liên quan đến nội dung Tổng liên đoàn Lao động đề nghị Bộ Giáo dục và đào tạo xem xét tính hợp pháp việc phong giáo sư của ông Lê Vinh Danh - hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng - và tự phong giáo sư cho giảng viên của trường đại học này, đại diện nhà trường khẳng định việc công nhận chức danh giáo sư cho ông Danh đã được Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục - Bộ Giáo dục và đào tạo thực hiện đúng quy trình và thủ tục hiện hành.
Việc Ban Tổ chức Trung ương căn cứ công nhận này để bổ nhiệm ngạch giảng viên cao cấp cho ông Danh vào tháng 1-2013 là theo đề nghị của chính Tổng liên đoàn Lao động.
Còn việc bổ nhiệm chức vụ chuyên môn bên trong trường đại học đã tự chủ là chuyện nội bộ của trường theo quyền hạn của trường tự chủ, theo quyết định thí điểm của Thủ tướng, nghị quyết của hội đồng trường và quy chế, quy định nội bộ của trường.
Lãnh đạo nhà trường cho rằng về nguyên tắc, các vấn đề Tổng liên đoàn đặt ra phải được giải đáp theo đúng tinh thần của nghị quyết 19-NQ/TW và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học (Luật số 34) và quyết định 105 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác cán bộ.
Trường cho rằng Tổng liên đoàn chỉ đạo theo luật cũ
Trường đồng thời khẳng định những nội dung mà Tổng liên đoàn chỉ đạo nhà trường đa số không phù hợp, bởi công văn của Bộ Giáo dục và đào tạo chỉ đạo các trường sửa đổi quy chế, kiện toàn hội đồng trường... để triển khai thực hiện Luật giáo dục đại học kể từ ngày 1-7.
"Trong khi đó, văn bản của Tổng liên đoàn lại chỉ đạo căn cứ theo Luật giáo dục đại học năm 2012 và Điều lệ đại học năm 2014. Sự mâu thuẫn và không phù hợp là nhà trường phải làm theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và đào tạo và phải căn cứ vào luật mới, còn Tổng liên đoàn lại chỉ đạo theo những quy định của luật cũ, sắp hết hiệu lực", đại diện trường lập luận.
Cũng theo đại diện nhà trường, việc Tổng liên đoàn chỉ đạo nhân sự hội đồng trường và nhân sự ban giám hiệu phải theo các quy định của Tổng liên đoàn về phân cấp quản lý cán bộ, tiêu chuẩn chức danh cán bộ lãnh đạo quản lý công đoàn các cấp; trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, kỷ luật cán bộ công chức trong tổ chức công đoàn… là sự nhầm lẫn.
Một đại diện ban giám hiệu trường cho rằng: "Thành viên hội đồng trường, thành viên ban giám hiệu của Trường ĐH Tôn Đức Thắng không phải là cán bộ lãnh đạo quản lý công đoàn các cấp theo Luật công đoàn và Điều lệ công đoàn. Tổng liên đoàn không thể lấy tiêu chuẩn, quy trình bổ nhiệm cán bộ công đoàn để áp dụng cho việc bổ nhiệm hội đồng trường và ban giám hiệu của một trường đại học. Tiêu chuẩn và quy trình bổ nhiệm này đã có quy định trong Luật giáo dục đại học rồi".
Cũng theo nhà trường, theo chỉ đạo của nghị quyết 19, hội đồng trường là cơ quan quyền lực cao nhất của trường đại học, bao gồm đại diện chủ sở hữu và các bên có lợi ích liên quan (đại diện cộng đồng xã hội, địa phương, người sử dụng lao động, doanh nghiệp, sinh viên, phụ huynh, giảng viên, viên chức, lãnh đạo nhà trường...).
"Như vậy, chủ sở hữu chỉ là một thành phần của Hội đồng trường, và việc chiếm tỉ lệ thấp là do Luật giáo dục đại học quy định. Cũng theo nghị quyết 19, cơ quan quản lý có thẩm quyền của đơn vị sự nghiệp công lập nói chung, trường đại học công lập tự chủ nói riêng là chính quyền địa phương. Lưu ý rằng Luật giáo dục đại học (năm 2018) thì không sử dụng thuật ngữ "cơ quan chủ quản" nữa", một lãnh đạo trường nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận