Bằng tốt nghiệp do Trường ĐH Tân Tạo cấp cho sinh viên vào tháng 10-2015 - Ảnh: M.G. |
“Sau khi nhận bằng tốt nghiệp, tôi đi xin việc rất khó khăn do tấm bằng không giống với bất kỳ tấm bằng của trường ĐH nào tại Việt Nam. Tôi mất rất nhiều thời gian để đi xin việc và vô cùng thất vọng. Nhiều nơi họ nhìn qua đã loại tôi từ vòng hồ sơ |
Một sinh viên |
Ngày 18-8, Trường ĐH Tân Tạo gửi đến sinh viên (SV) ngành y đa khoa văn bản “Hướng dẫn thu học phí năm 2016”.
Theo đó, từ năm học 2016-2017, học phí ngành y đa khoa tăng đến 2.000 USD, từ 4.122 lên 6.122 USD/năm. Nếu tính luôn chi phí ăn, ở ký túc xá thì mức học phí nay tương đương 7.000 USD, trong khi từ năm 1 đến năm 3 mức học phí chỉ là 5.000 USD.
Như vậy, mức học phí năm nay tăng đến 40% so với ba năm học trước. Khoa y Trường ĐH Tân Tạo hiện có khoảng 400 SV đang theo học.
Bất ngờ tăng mạnh học phí
Cũng theo hướng dẫn này, mỗi năm trường có quyền tăng học phí 15%. Với ngành y, theo nhà trường, chi phí đào tạo là 21.000 USD/năm (học phí hiện 7.000 USD, trường tài trợ phần còn lại) và hướng dẫn này cho biết trường có quyền tăng học phí cho đến khi nào đạt chi phí đào tạo.
Hơn nữa, nếu SV học bị rớt/học lại/thi lại hoặc bị kỷ luật đuổi học sẽ phải hoàn trả cho trường toàn bộ số tiền tài trợ này.
N.T. - SV năm 4 ngành y đa khoa - cho biết học phí tăng cao bất ngờ khiến SV choáng váng, gia đình đang không biết kiếm đâu ra thêm hơn 40 triệu đồng để đóng cho em học tiếp mà bỏ học thì dang dở mất mấy năm, chi phí bồi thường cho trường (trừ học phí đã đóng) cũng lên đến 16.000 USD/năm.
SV đã kiến nghị với trường nhưng không có câu trả lời thỏa đáng. Trong khi đó, một phụ huynh bức xúc: khi đến trường để tư vấn và tham gia phỏng vấn, nhà trường khẳng định học phí không tăng trong suốt khóa học, nếu tăng sẽ tăng ở khóa sau.
Giờ trường lại bất ngờ tăng học phí đến 2.000 USD và năm sau sẽ còn tăng nữa khiến nhiều SV có nguy cơ không kham nổi.
Một phụ huynh nghẹn ngào: “Biết trường thu học phí cao nên tôi đã hỏi đi hỏi lại nhiều lần lộ trình tăng học phí để cân đo đong đếm khả năng của mình trước khi quyết định cho con theo học nhưng trường khẳng định không tăng học phí.
Nếu trường cho biết lộ trình tăng học phí từ đầu, gia đình chúng tôi sẽ cân nhắc khả năng của mình chứ đâu lâm vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan như bây giờ. Học tiếp thì không đủ tiền đóng, mà nghỉ học phải bồi thường số tiền cao gấp mấy lần học phí.
Nhà tôi kiếm đâu ra số tiền lớn như thế để bồi thường cho trường? Rõ ràng trường làm việc không minh bạch ngay từ đầu. Lộ trình tăng học phí phải được công bố từ đầu khóa học chứ không phải khi học đến năm 4 rồi trường mới đột ngột tăng mạnh học phí như vậy”.
Trả lời báo chí, đại diện nhà trường cho rằng trường đã có thông báo tăng học phí đến SV trước đó một năm nên không có chuyện tăng học phí đột ngột.
Trường không làm sai, mỗi năm trường được tăng 15% học phí, ba năm qua trường không tăng, năm nay tăng từ 5.000 lên 7.000 USD, tính ra mỗi năm học phí tăng vẫn dưới 15%. Đúng là tăng gộp bốn năm sẽ gây khó khăn cho phụ huynh chuẩn bị tiền.
Nếu SV khó khăn thì tất cả phải làm một đơn thỉnh nguyện có tất cả SV ký tên gửi đến lãnh đạo trường xem xét, chứ không thể nghe ý kiến một cá nhân được.
Việc trường đưa ra các mức phạt khi SV thi lại, học lại hoặc bị cho thôi học... chỉ mang tính răn đe cho SV cố gắng học tập, khi sự việc xảy ra thì hành xử khác. Không có biện pháp răn đe nào hữu hiệu bằng cách đánh vào túi tiền.
Chủ tịch hội đồng quản trị ký bằng tốt nghiệp
Nhiều phụ huynh cho biết việc trường tăng học phí chưa đáng ngại bằng tính hợp pháp của bằng tốt nghiệp do trường cấp cho SV.
SV bỏ ra rất nhiều tiền để theo học nhưng nếu bằng không được công nhận, không xin được việc làm sẽ là một thảm họa và người học phải lãnh hậu quả khi mất cả chì lẫn chài.
Không chỉ phụ huynh, SV, ngay cả giảng viên trong trường cũng hết sức quan ngại về tấm bằng tốt nghiệp cấp cho SV khi người ký cấp bằng không phải là hiệu trưởng theo quy định mà là bà Đặng Thị Hoàng Yến, chủ tịch hội đồng quản trị Trường ĐH Tân Tạo.
Theo thông tin mà chúng tôi có được, năm 2015 có 22 SV ĐH khóa đầu tiên tốt nghiệp và được cấp bằng do bà Yến ký.
Một SV cung cấp cho chúng tôi tấm bằng tốt nghiệp do trường cấp cho SV ngành quản trị kinh doanh vào tháng 10-2015.
Bằng tốt nghiệp của trường được làm theo mẫu riêng, song ngữ Anh - Việt. Phía dưới bằng, bên trái là chữ ký của ông Malcolm Gillis - chủ tịch hội đồng khoa học và đào tạo, bên phải là chữ ký của bà Đặng Thị Hoàng Yến - chủ tịch.
Trong khi đó theo luật, người cấp và ký bằng tốt nghiệp cho SV phải là hiệu trưởng chứ không phải chủ tịch hội đồng quản trị.
Liên quan đến việc này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết người ký bằng tốt nghiệp cho SV phải là hiệu trưởng hoặc hiệu phó trong trường hợp trường không có hiệu trưởng thì bằng đó mới có giá trị pháp lý. Chủ tịch hội đồng quản trị không có quyền cấp bằng tốt nghiệp cho SV.
Trên trang web của trường, trong phần giới thiệu ban giám hiệu, bà Đặng Thị Hoàng Yến nằm ở vị trí đầu tiên. Phải chăng bà là hiệu trưởng?
Chúng tôi liên hệ Sở GD-ĐT Long An và được ông Nguyễn Thanh Tiệp - phó giám đốc phụ trách Sở GD-ĐT Long An - khẳng định bà Yến chưa bao giờ là hiệu trưởng Trường ĐH Tân Tạo.
Trường này có văn bản đề nghị công nhận hiệu trưởng đối với bà Yến nhưng sau khi xem xét hồ sơ và đối chiếu các quy định hiện hành về hiệu trưởng, sở nhận thấy hiệu trưởng phải có học vị tiến sĩ trong khi bà Yến chưa có nên đã tham mưu UBND tỉnh không công nhận hiệu trưởng đối với bà Yến.
Trong khi đó, một cán bộ của trường xác nhận trường có văn bản đề nghị UBND tỉnh Long An công nhận hiệu trưởng đối với bà Yến nhưng đến nay tỉnh chưa có văn bản trả lời.
Như vậy, đến thời điểm hiện tại, bà Yến không phải là hiệu trưởng Trường ĐH Tân Tạo theo quy định của pháp luật.
Phí học lại, thi lại cũng cao Không chỉ tăng mạnh học phí, phí học lại, thi lại cũng tăng cao ngất ngưởng và vô cùng bất hợp lý. Theo SV, bình quân mỗi năm học SV sẽ học khoảng 15 môn học và học phí là 4.122 USD. Trong khi đó, học phí học lại và thi lại mỗi môn của ngành y lên đến 3.060 USD, gần bằng học phí cả năm học. Trong khi đó, nếu chỉ thi lại mà không học lại, học phí cũng lên đến 1.020 USD/môn, tức bằng 1/4 học phí năm học. “Chi phí cao đến mức không tưởng thế này thì làm sao SV kham nổi. Lúc đầu tôi tưởng nhà trường đánh nhầm con số nhưng khi trao đổi với cán bộ của trường thì đây là con số chính xác. Đây là điều vô cùng bất hợp lý”, một phụ huynh bức xúc nói. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận