Phóng to |
Sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM |
Đây là xu hướng chung của nhiều trường khi Bộ GD-ĐT cho các trường mở rộng thêm ngành đào tạo. Tuy nhiên, mô hình trường ĐH sư phạm của Việt Nam trong giai đoạn sắp tới như thế nào cũng chưa có ý kiến thống nhất.
Nhìn vào xu thế phát triển của các trường và vai trò của giáo viên, nhiều người cho rằng trong tương lai, các trường ĐH Sư phạm sẽ trở thành trường đa ngành.
GS Hoàng Tụy - Viện Toán học Trung tâm Khoa học Việt Nam khi phân tích vai trò quan trọng của người thầy ở từng bậc học đã khẳng định: "Các trường ĐH sư phạm của ta cũng nên chuyển thành ĐH đa ngành có chuyên về sư phạm. Bên cạnh các khoa đào tạo cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ về các ngành khoa học tự nhiên và xã hội, còn có một khoa sư phạm với 2 nhiệm vụ: đào tạo nghiệp vụ 6 tháng cho những cử nhân và thạc sĩ muốn ra dạy cấp 3, nghiên cứu khoa học giáo dục phục vụ cải cách giáo dục".
Theo ông Tụy: "Càng ở lớp dưới thì nghiệp vụ sư phạm của người thầy càng quan trọng nhưng càng lên lớp trên, nhất là ở bậc ĐH thì nội dung khoa học mới là vấn đề cốt lõi". Vì thế mà ông thẳng thắn nhìn nhận: "Đối với cấp 3 phổ thông, việc đào tạo nghiệp vụ vẫn còn cần thiết nhưng không đến mức có những trường ĐH sư phạm nặng nề như hiện nay".
Không khẳng định chắc nịch nhưng ý kiến của GS-TSKH Lê Ngọc Trà - Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - cho thấy không nên đóng khung mô hình trường sư phạm.
Ông nói: "Chương trình môn Văn chẳng hạn, ở trường ĐH Sư phạm và Khoa học xã hội - nhân văn không nên khác nhau để sinh viên có cùng một trình độ và tiện cho việc liên thông, ai tốt nghiệp sư phạm cũng có thể làm việc khác, còn ai học xã hội - nhân văn cũng có thể đi dạy học nếu bỏ thêm 1 năm để có các chứng chỉ sư phạm".
Trên thế giới, các trường sư phạm có thể tồn tại như: một phân khoa giáo dục nằm trong các trường ĐH Tổng hợp (ở Mỹ, Anh); một trường ĐH chuyên công tác giáo dục sư phạm (Pháp, Nhật, Hàn Quốc). Hoặc có vị trí ngang với các trường, viện - dù nằm trong các trường ĐH Tổng hợp (Singapore, Canada). Cuối cùng, nó có thể là trường ĐH đào tạo nghề dạy học cho những học sinh đã tốt nghiệp trung học phổ thông và đào tạo sau ĐH (Trung Quốc). |
TS Lê Ngọc Trà thừa nhận: "Các môn tâm lý - Giáo dục giảng dạy ít hiệu quả. Các tổ bộ môn về phương pháp giảng dạy ở các khoa thường là những tổ yếu, hoạt động đơn lẻ. Ba phẩm chất cơ bản của người giáo viên: kiến thức chuyên môn, năng lực sư phạm và lòng yêu nghề thì lâu nay các trường sư phạm chủ yếu mới làm được một phần của yếu tố đầu".
Quan điểm nào cũng có cơ sở nhưng nếu nhìn trên thực tế và hướng phát triển tương lai, dường như các trường ĐH Sư phạm sẽ dần trở thành trường đại học đa ngành. Vì vậy, Thạc sĩ Lê Đức Luận - khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng - vẫn rất băn khoăn và lo lắng.
Ông cho biết: "Hiện nay, được sự cho phép của Bộ GD-ĐT, các trường ĐH Sư phạm đã đa dạng hóa loại hình đào tạo bằng cách liên danh, liên kết, mở thêm các mã ngành mới không thuộc loại hình sư phạm, thậm chí trở thành trường đào tạo đa ngành. Vậy thì còn chăng danh xưng trường ĐH Sư phạm và làm sao trường sư phạm vẫn là trường chuyên đào tạo người thầy như trường y khoa chuyên đào tạo người thầy thuốc?".
Rõ ràng, đây là câu hỏi mà bản thân các trường sư phạm khó có thể trả lời. Bộ GD-ĐT với vai trò là người tổ chức cần phải xác định rõ mô hình phát triển của những trường đặc thù như trường sư phạm sao cho phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận